Thay đổi nhận thức, hỗ trợ tốt về an sinh xã hội để khuyến sinh

10/06/2024 - 06:15

PNO - Ngày 9/6, Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp với Hội LHPN TPHCM tổ chức buổi thảo luận truyền hình (talk show) “Phụ nữ thời đại mới” số 2 - năm 2024 với chủ đề “Cần một chính sách tổng thể để khuyến sinh”.

Hỗ trợ 1,5 triệu đồng có đủ khiến phụ nữ “dám” sinh con?

“Kinh tế có ổn không nếu mình sinh thêm con?”; “Nếu có thai và sinh con, ai sẽ phụ chăm sóc con để mình đi làm?”; “Mình sẽ chăm sóc cùng lúc 2 đứa trẻ ra sao? Chăm sóc sức khỏe trong quá trình mang thai, sinh con như thế nào? Nuôi dạy thế nào để các con phát triển tốt nhất?”… Đó là những câu hỏi mà các diễn giả đã tự đặt ra cho bản thân khi đứng trước quyết định có nên sinh con thứ hai.

Các diễn giả tham dự talk show - ẢNH: PHÙNG HUY

Ngoài những trăn trở vừa nêu, theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia xã hội học - có đến 7 rào cản khiến phụ nữ hiện đại ngại sinh con, đó là các vấn đề liên quan đến: kinh tế (thu nhập), nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục để 1 đứa trẻ trưởng thành, sức khỏe, sự thăng tiến, khả năng hưởng thụ cuộc sống.

Những lo ngại đó chính là lý do khiến dân số đang trở thành vấn đề toàn cầu. “TPHCM đang phải đối mặt với tỉ lệ sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh với mức sinh 1,32 con/phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản, giảm 0,07% so với tỉ lệ sinh 1,39 con năm 2022” - ông Nguyễn Minh Hòa thông tin.

Trước thực trạng trên, từ năm 2021 Việt Nam đã có 2 văn bản liên quan đến chính sách khuyến sinh, đó là Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 01 của Bộ Y tế. Hiện tại, cả hai văn bản đều đang được áp dụng, nhưng tùy mỗi tỉnh sẽ có những điểm khác nhau.

Cụ thể, Thông tư 01 quy định những mức khuyến sinh dành cho 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp (dưới 1,9 con/phụ nữ). Hiện có khoảng 10 tỉnh, thành đã ban hành chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi ở mức tối đa là 1,5 triệu đồng/phụ nữ. Ngoài ra, một vài tỉnh, thành cũng ban hành thêm chính sách hỗ trợ thực hiện sàng lọc cho người phụ nữ trong quá trình mang thai và hỗ trợ sàng lọc sơ sinh cho đứa trẻ được sinh ra.

“Chính phủ Việt Nam dường như vẫn chưa xây dựng và ban hành chính sách khuyến sinh như một hệ thống hoàn thiện mà vẫn đang nặng về tuyên truyền, vận động” - ông Nguyễn Minh Hòa nhận định. Theo ông, ở Hàn Quốc năm 2024, mỗi phụ nữ sinh con sẽ được hỗ trợ ngay lập tức 2 triệu won (khoảng 35 triệu đồng) và mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 300.000 won (khoảng 5 triệu đồng) cho đến khi đứa trẻ đến trường.

Còn ở Nhật, nếu phụ nữ sinh đứa con đầu tiên sẽ được thưởng 21 triệu đồng, đứa thứ hai được 31 triệu đồng và đứa thứ ba được 85 triệu đồng. Từ thông tin trên, ông Hòa cho rằng, ở 2 khía cạnh quan trọng của chính sách khuyến sinh mà các quốc gia phát triển đang thực hiện là hỗ trợ cơ sở vật chất và an sinh xã hội, chúng ta chưa thực hiện mạnh mẽ.

Gia đình anh Phạm Hồ Quốc Đại (huyện Nhà Bè, TPHCM) trong một chuyến dã ngoại ở huyện Cần Giờ. Mỗi gia đình sinh đủ 2 con sẽ góp phần ổn định chất lượng dân số và phát triển kinh tế - xã hội bền vững - ẢNH: TAM NGUYÊN
Gia đình anh Phạm Hồ Quốc Đại (huyện Nhà Bè, TPHCM) trong một chuyến dã ngoại ở huyện Cần Giờ. Mỗi gia đình sinh đủ 2 con sẽ góp phần ổn định chất lượng dân số và phát triển kinh tế - xã hội bền vững - ẢNH: TAM NGUYÊN

Cần các yếu tố tổng hòa

Các quốc gia phát triển thiên về giải pháp kinh tế mạnh mẽ trong chính sách khuyến sinh, nhưng đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào thành công. Theo thạc sĩ Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - việc hỗ trợ tiền (kinh tế) dù quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Theo bà, bên cạnh yếu tố kinh tế, cần quan tâm đến công tác vận động, giáo dục để người dân quan tâm, nhận thức được vai trò quan trọng của việc phát triển dân số trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ngoài ra, còn cần thêm các yếu tố tổng hòa mà các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải quan tâm, chung tay, như hỗ trợ tiêm ngừa miễn phí cho trẻ trong những năm đầu đời giúp gia đình giảm bớt gánh nặng tài chính; nâng cao chất lượng các cơ sở sản phụ khoa; có chính sách mở trường để hỗ trợ người mẹ chăm sóc con sau thời gian nghỉ thai sản; đặc biệt, cần cải thiện môi trường sống còn nhiều rủi ro.

Bà Thanh cho rằng, mặc dù TPHCM chưa có chính sách cụ thể về khuyến sinh, nhưng mỗi đơn vị, ban ngành đều đang góp phần thông qua các hoạt động chăm lo. Cụ thể, trong những năm qua Hội LHPN TPHCM vẫn tổ chức những lớp tiền hôn nhân để tư vấn, giáo dục kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, chăm sóc, giáo dục con cái cho những cặp vợ chồng chuẩn bị bước vào hôn nhân. Ở các cơ sở hội có những câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc là nơi để mọi người trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con, cân bằng đời sống gia đình…

Bà Lý Việt Trung (bìa phải) - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa cho các diễn giả của chương trình - ẢNH: PHÙNG HUY
Bà Lý Việt Trung (bìa phải) - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa cho các diễn giả của chương trình - ẢNH: PHÙNG HUY

Ở khía cạnh y tế, bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Thị Phương Loan (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM) khẳng định, hiện nay, chị em phụ nữ rất quan tâm đến vấn đề an toàn khi sinh con. Họ khám tiền hôn nhân trước khi lập gia đình và cũng thăm khám, tiêm ngừa đầy đủ trước khi mang thai. Trong thời gian mang thai, họ cố gắng lựa chọn những điều kiện y tế tốt nhất để chăm sóc việc phát triển của thai nhi cũng như chẩn đoán, tầm soát những bất thường. Họ cũng chọn lựa nơi có điều kiện chăm sóc tốt về sức khỏe, tinh thần cho lần “vượt cạn”.

“Những nhu cầu đó tốn thời gian và chi phí rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay phụ nữ chỉ được nghỉ 5 ngày trong thời gian khám thai, trong khi việc khám thai thực tế không dừng lại ở con số đó. Bên cạnh đó, phụ nữ sau sinh được khuyến cáo cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ít nhất phải nuôi con bằng sữa mẹ trong 2 năm đầu. Trong 18 tháng còn lại, làm sao để tạo điều kiện, hỗ trợ họ duy trì nguồn sữa đó?” - bác sĩ Phương Loan trăn trở.

Là 1 phụ nữ thành công trong sự nghiệp nhưng vẫn đảm bảo sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, bác sĩ Phương Loan cho biết, thành công đó của chị nhờ vào sự hậu thuẫn rất tốt từ gia đình 2 bên. Chị khẳng định, nếu thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, chị sẽ không thể vượt qua. Nếu người phụ nữ nhận được sự quan tâm, chia sẻ không chỉ trong gia đình mà còn của toàn xã hội, họ sẽ yên tâm sinh con.

Từ góc độ người tham mưu xây dựng chính sách khuyến sinh, thạc sĩ Trần Thị Ngọc Yến - Trưởng phòng Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TPHCM - cho biết, hiện tại TPHCM đang tích cực trong việc thực hiện các chính sách giúp nâng mức sinh và chính sách này sẽ được trình trong kỳ họp HĐND vào tháng Sáu này. Bà tin tưởng, đây sẽ là những chính sách đa dạng và trọng tâm để hỗ trợ phụ nữ từ lúc chuẩn bị kết hôn đến khi mang thai và sinh con.

Sinh sản là vấn đề của toàn xã hội

TPHCM cần có một hệ thống khuyến sinh đầy đủ và tổng thể trên 3 lĩnh vực: tuyên truyền, vận động, khen thưởng; hỗ trợ vật chất (nhà ở, tặng tiền mặt); an sinh xã hội để gia tăng và ổn định dân số. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp bởi liên quan đến các mặt kinh tế, chính trị, xã hội và mỗi cá nhân.

Buổi tọa đàm không chỉ xới vấn đề để tất cả chúng ta cùng nhìn nhận mà chúng tôi muốn gửi thông điệp đến lãnh đạo TPHCM, Quốc hội rằng: hãy xây dựng chính sách khuyến sinh một cách tổng thể, tốt nhất, nhanh nhất. Hãy chuẩn bị chính sách cho 1 quốc gia mà dân số đang chuẩn bị già đi.

Chúng tôi cũng muốn gửi thông điệp đến toàn xã hội rằng, vấn đề sinh sản của phụ nữ không phải chỉ của phụ nữ mà là vấn đề của toàn xã hội. Đừng để các chị cô đơn, vượt cạn một mình!

Với các bạn trẻ, chúng tôi muốn nói rằng, sinh sản là vấn đề cá nhân, tuy nhiên, quyết định sinh con hay không của các bạn liên quan đến sự phát triển của xã hội, sự cường thịnh của 1 quốc gia. Vì vậy, hãy cân nhắc, làm thế nào để vì mình, vì đất nước một cách hài hòa nhất.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI