Thay đổi để phát triển

08/08/2023 - 06:01

PNO - Chợ xuất hiện từ khi con người có nhu cầu trao đổi hàng hóa, trước khi tiền có mặt. Chợ không ngừng phát triển với nhiều loại hình. Có chợ bán sỉ, chợ bán lẻ; có chợ ngày, chợ đêm, chợ khuya, chợ sáng sớm (chợ mai), chợ chiều (chợ hôm); có chợ xanh (rau củ), chợ rồng (tôm cá), chợ phiên, chợ lùi, chợ chồm hổm, chợ chạy, chợ nổi, chợ âm phủ…

Có chợ bán đủ thứ hàng, có chợ chỉ bán một vài mặt hàng. Có chợ chuyên bán hàng nước ngoài như chợ Nga, chợ Campuchia, chợ Thái, chợ Âu. Mấy chục năm nay, có thêm siêu chợ (siêu thị). Gần đây, có thêm chợ online. Siêu thị và chợ online chỉ là nơi bán hàng, không thể gọi là chợ đúng nghĩa. Vào chợ, xem mặt hàng, giá cả là hình dung sức khỏe kinh tế địa phương. Chợ còn phản ánh nét văn hóa và đời sống vùng miền chân thực.

Chợ Bến Thành là công trình mang kiến trúc độc đáo của TPHCM - Ảnh: Nguyễn Quang
Chợ Bến Thành là công trình mang kiến trúc độc đáo của TPHCM - Ảnh: Nguyễn Quang

“Nhất cận thị, nhị cận giang” là nguyên tắc kinh doanh của người Việt hàng trăm năm qua. Vì nhiều lý do, chợ ngày càng biến tướng với nhiều danh xưng tiêu cực như “chợ búa”, “hàng chợ”, “dân chợ”. Chợ đồng nghĩa ồn ào, xô bồ, hàng bình dân, kém vệ sinh, hét giá… Điều đáng buồn và nguy hại là nhà quản lý và không ít tiểu thương xem đó là chuyện bình thường, không có biện pháp ngăn ngừa, chấn chỉnh. 

Việt Nam có hàng ngàn chợ lớn nhỏ. Nhiều chợ - nhất là chợ ở các vùng quê - vẫn giữ được nét văn hóa người Việt xưa, chân tình, mộc mạc, hiếu khách, bán đúng giá, thường cho thêm, thậm chí bán chịu (trả tiền sau). Chợ Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) còn có đền thờ chủ chợ hoành tráng, trang nghiêm, là di tích văn hóa cấp tỉnh.

Với ngành du lịch, chợ là điểm đến không thể thiếu trong các tour, đặc biệt là chợ truyền thống với tour inbound (khách nước ngoài vào) và outbound (khách trong nước ra). Nước nào cũng vậy. Chợ Việt Nam chậm chân, ít chịu thay đổi nên kém hiệu quả. 

Chợ truyền thống Việt Nam có ưu thế về không gian, cảnh quan, giao tiếp, chủng loại hàng đa dạng, tươi sống nhưng cũng không ít hạn chế. Trước hết là vệ sinh và môi trường tổng thể. Nhà vệ sinh ở chợ rất kém. Thứ đến là chất lượng và xuất xứ nguồn hàng. Thứ ba là nạn nói thách, ép khách mua mở hàng, không được thì lườm nguýt, đốt phong long, thậm chí chửi xéo. Không chỉ du khách mà cư dân bản địa cũng ngại vào chợ do quá nhiều bất tiện.

Làm sao để chợ truyền thống thoát cảnh ế ẩm, tìm lại sức sống xưa, thu hút khách du lịch? Vấn đề là có thực sự muốn làm, làm tới nơi tới chốn hay không. Không thể áp đặt tư duy phong trào, chủ quan, phủ nhận các quy luật kinh tế. Chợ phải thay đổi, nâng cấp để thích nghi, cốt lõi là giữ được bản sắc và sự khác biệt. 

Bản sắc cũng cần được nâng cấp và sáng tạo theo xu thế thời đại, trước hết là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng bản địa. Du khách và các công ty lữ hành thấy hấp dẫn sẽ tự tìm đến, đưa vào chương trình tour.

Muốn chợ phát triển tương xứng tiềm năng, cần sắp xếp lại quầy sạp, đảm bảo không gian chợ thoáng, sạch; niêm yết giá và nguồn gốc, đảm bảo chất lượng hàng hóa; cải tạo nhà vệ sinh để đạt chuẩn tối thiểu của quốc gia; giữ xe miễn phí cho khách vào chợ (sạp gửi phiếu giữ xe miễn phí cho khách mua hàng); tổ chức các đợt khuyến mãi, các sự kiện để kích cầu tiêu dùng và thu hút khách du lịch.

Các chợ trọng điểm nên nghiên cứu lại thời gian, cách thức hoạt động. Có chợ mở sáng sớm, có chợ đóng cửa trễ, hoạt động đến 22g, thậm chí xuyên đêm. Các chợ có không gian rộng như chợ Bình Điền (hơn 100ha) nên có khu ăn uống, bán món ngon bản địa, cho du khách dạo chợ mua hàng, tham gia chế biến và thưởng thức món ăn tại chỗ.

Nên tập trung thí điểm nâng cấp chợ, nhất là về tinh thần và thái độ phục vụ. Trong các chợ trung tâm, nên dành không gian làm phòng thông tin du lịch và bán tour. Nên đưa tượng thương gia Quách Đàm (1863-1927) hiện đứng cô đơn trong Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM về lại chợ Bình Tây - nơi ông sáng lập - để du khách tham quan, chiêm ngắm.

Nhà nước cần có quy hoạch và hỗ trợ về chính sách để chợ truyền thống chuyển mình. Rất cần sự hợp lực giữa ban quản lý chợ, tiểu thương và công ty lữ hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mọi việc sẽ không quá khó nếu đồng lòng. 

Nguyễn Văn Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI