Thay đổi để lễ hội văn minh hơn

10/02/2025 - 06:46

PNO - Lễ hội từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của loài người nói chung và người Việt nói riêng.

Lễ hội từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của loài người nói chung và người Việt nói riêng. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, thần linh mà còn là nơi để cộng đồng gắn kết và trao truyền những giá trị truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, không ít lễ hội trong quá khứ từng khiến dư luận bức xúc bởi sự bát nháo, tranh giành, chen lấn, xô đẩy, thậm chí là ẩu đả.

Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự chuyển biến ý thức từ cộng đồng, nhiều lễ hội đang dần trật tự, văn minh hơn. Nhiều lễ hội vẫn thu hút đông đảo người dân tham dự, vẫn giữ được giá trị văn hóa cốt lõi nhưng vẫn rất an toàn, trật tự.

Các cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp nhằm đưa lễ hội vào khuôn khổ, như kiểm soát nội dung lễ hội chặt chẽ hơn, thay đổi để phù hợp hơn. Với những lễ hội có các nghi thức như chém lợn, đâm trâu, ngành văn hóa đã điều chỉnh hoặc thay thế chúng bằng hình thức biểu diễn mang tính tượng trưng để vẫn giữ được ý nghĩa văn hóa mà không gây phản cảm.

Cân bằng giữa việc giữ gìn truyền thống và đổi mới lễ hội để phù hợp với xã hội văn minh, hiện đại là điều tất yếu. Nhiều nước đã biến các lễ hội thành thương hiệu văn hóa, sản phẩm du lịch nổi tiếng thế giới như lễ hội Obon, Gion Matsuri của Nhật Bản với các nghi thức cổ truyền, lễ hội La Tomatina của Tây Ban Nha với hoạt động ném cà chua vui nhộn, lễ hội đèn lồng Jinju của Hàn Quốc. Các lễ hội này được tổ chức chu đáo, bài bản nên bảo đảm được các yếu tố như vệ sinh, an toàn, hấp dẫn.

Để giữ gìn và tạo dựng sự văn minh cho lễ hội, bên cạnh sự can thiệp của các cơ quan quản lý, điều quan trọng là nhận thức và sự đồng lòng của cộng đồng. Nếu như trước đây, số đông coi việc tranh giành, cướp lộc là giành được may mắn thì giờ đây, quan niệm này đã dần thay đổi. Thay vì tham gia các hoạt động mang tính tranh chấp hơn thua, người dự hội đã chọn cách lắng lại để hòa mình vào không khí lễ hội một cách văn minh, lịch sự. Nhiều làng xã cũng chủ động điều chỉnh cách tổ chức lễ hội cho phù hợp hơn, như phát lộc thay vì để người ta tranh cướp lộc. Khi những yếu tố phản cảm bị loại bỏ, lễ hội trở về đúng với bản chất vốn có của nó, đó là môi trường để cộng đồng bày tỏ lòng thành kính và tận hưởng niềm vui chung.

Hình ảnh người dân thắp hương cầu an trong không gian trang nghiêm của lễ hội đền Hùng, những màn múa rồng đặc sắc trong hội Gióng hay những điệu múa tri ân tướng sĩ của hội làng Triều Khúc đã trở thành biểu tượng cho sự văn minh và trật tự. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, lễ hội truyền thống của nước ta cần tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp và loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sẽ giúp lễ hội vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và du khách.

Xuân Ất Tỵ là mùa lễ hội thứ hai mà cả nước thực hiện bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Tuy đâu đó vẫn còn tình trạng rải tiền lẻ, khấn thuê, xem lễ hội là cơ hội kinh doanh nhưng phải thừa nhận đã có sự thay đổi tích cực trong các lễ hội. Đây không chỉ là thành quả của công tác quản lý nhà nước mà còn là kết quả của sự chuyển biến trong ý thức cộng đồng.

Sự thay đổi cách làm, nếp nghĩ đã đưa lễ hội trở về đúng với giá trị văn hóa cốt lõi, trật tự và trang nghiêm hơn, góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI