Thay đổi cái nhìn, đón dòng vốn M&A

27/05/2021 - 13:58

PNO - Nhiều người tỏ ra e ngại khi các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong nước. Truyền thông thường đề cập đến vấn đề này theo kiểu “doanh nghiệp (DN) nước ngoài thôn tính (hoặc thâu tóm) các thương hiệu trong nước”. Tuy nhiên, dưới góc độ thu hút đầu tư, các chuyên gia khẳng định, nguồn vốn đầu tư gián tiếp này rất quan trọng và cần thiết đối với nền kinh tế.

Sự dịch chuyển dòng vốn

Khởi đầu từ năm 2007, thị trường M&A Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ và đạt đỉnh 10,2 tỷ USD vào năm 2017. Trong đó, thương vụ Công ty Thai Beverage Can chi gần 5 tỷ USD mua 343,66 triệu cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được xem là vụ M&A lớn nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Giai đoạn 2018-2020, thị trường M&A có xu hướng đi xuống, nhất là năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá trị các thương vụ M&A ước tính giảm đến 51,3%. Ông Nguyễn Tường Huy - nguyên Phó trưởng bộ môn marketing, Trường đại học Văn Lang - dự báo, hoạt động M&A có thể sẽ phục hồi vào giữa năm 2021 với quy mô 4-5 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Nhà máy Vật liệu sinh học (MEDEP JSC) ở Khu công nghệ cao TP.HCM ẢNH: Quốc Ngọc
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Nhà máy Vật liệu sinh học (MEDEP JSC) ở Khu công nghệ cao TPHCM Ảnh: Quốc Ngọc

Để bình tĩnh đón nhận làn sóng đầu tư theo hình thức này, ông Huy cho rằng, cần hiểu bản chất của nó là sự dịch chuyển vốn từ quốc gia tiên tiến sang quốc gia mới phát triển. Ở các nước tiên tiến, vốn thường bị ứ đọng do họ đã chuyển sang phát triển những lĩnh vực cao cấp, có hàm lượng sáng tạo và tri thức cao, ưu tiên tự động hóa, công nghệ thông tin và cần chuyển vốn dư đến các nước đang phát triển, đầu tư vào những ngành nghề thông thường nhằm sản xuất, phục vụ lại cho chính họ và thế giới.

“Không ai ôm tiền khư khư mà phát triển được. M&A mang đến nhiều phương diện giá trị gia tăng, rất tích cực đối với những DN trì trệ”, ông Huy nhận định.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng nhận định: “Cần có cái nhìn tích cực hơn về M&A. Việc các nhà ĐTNN mua lại DN trong nước là một xu thế phát triển, không những thúc đẩy một thị trường thật sự mang tính cạnh tranh bình đẳng mà còn khuyến khích nhà đầu tư trong nước”.

M&A kích thích sự phát triển

Ông Đinh Thế Hiển phân tích: “Khi các nhà đầu tư Thái Lan mua các DN Việt Nam, tôi đã thấy việc này cần được nhìn nhận ở góc độ phát triển. Cần hiểu DN lớn của Việt Nam và TTCK là một cặp, tức TTCK là ánh xạ của DN, nếu không có DN tốt thì TTCK chỉ là một sòng bạc. Các DN “bị mua” thường có thương hiệu, hoạt động tốt, đạt chuẩn niêm yết trên TTCK. Khi mua xong, các tập đoàn nước ngoài liền đưa sự quản trị minh bạch vào, sản phẩm của họ sẽ hướng đến khách hàng đàng hoàng hơn, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Điều tích cực tiếp theo là tăng cường về nhân sự, việc tuyển dụng chỉ căn cứ trên năng lực của ứng viên, xóa bỏ tình trạng phe phái trong quản trị. Năng lực tài chính của DN được bảo đảm để hoạt động và phát triển… Những yếu tố này chắc chắn khiến DN tốt dần lên. Khi kinh doanh tốt rồi, họ niêm yết cổ phiếu DN trên TTCK và sẽ hấp dẫn các nhà ĐTNN khác. Niêm yết tốt rồi, họ phát hành thêm cổ phiếu, nhà ĐTNN khác lại tiếp tục mua. Thặng dư vốn được họ dùng để tiếp tục M&A công ty khác và cứ thế phát triển. Đây là trình tự hoàn toàn minh bạch, đúng theo sự phát triển của TTCK”.

Ông Đinh Thế Hiển khẳng định, M&A là hoạt động cần khuyến khích đầu tư. Hiện nay, dòng vốn nước ngoài vào nước ta theo hai cách: trực tiếp mở DN mới cạnh tranh với các DN trong nước (đây là cách mà chúng ta đang kêu gọi đầu tư); đưa vốn vào và nâng chất một DN trong nước lên. “Một mặt, ta muốn phát triển start-up, một mặt muốn kêu gọi đầu tư vào, nhưng mặt khác lại phê phán M&A. Như vậy là mâu thuẫn. Thu hút M&A chính là cạnh tranh trực tiếp, là phát triển” - ông Hiển nói.

Theo ông Nguyễn Tường Huy, các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp có thể vẫn là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021. Ngoài ra, lĩnh vực dược phẩm cũng được các quỹ đầu tư tài chính để mắt tới. Thế nhưng, để M&A trở thành một thị trường lành mạnh, đón những dòng vốn đổ vào, Nhà nước cần tính toán, hoàn thiện quy định pháp lý. Hiện đang có quá nhiều quy định trong các văn bản pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Cạnh tranh nhưng chưa có quy định thống nhất khiến việc thực hiện các hoạt động M&A gặp nhiều khó khăn. 

Quốc Đoàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI