Thay đổi cách nói chuyện để khuyên dạy con hiệu quả hơn

06/04/2016 - 07:00

PNO - Có tới 90% các bậc cha mẹ mắc phải sai lầm về ngôn ngữ khi nói chuyện và dạy con cái.

Khuyên dạy và nói chuyện với con về những bài học trong cuộc sống không bao giờ là chuyện dễ dàng vì nó đòi hỏi sự tinh tế, sự thấu hiểu cũng như cách sử dụng ngôn ngữ của bố mẹ. Sử dụng ngôn ngữ tiêu cực và không đúng cách không chỉ khiến những lời khuyên của bố mẹ trở nên kém hiệu quả, gây nên cảm giác bị áp đặt ở trẻ mà còn làm ảnh hưởng đến trình độ văn hóa, sự phát triển nhân cách, tâm lý và thái độ sống của trẻ. Để giúp con một cách hiệu quả và để con tiếp nhận những lời khuyên với thái độ biết ơn và tôn trọng, các bố mẹ hãy thử áp dụng những thay đổi nhỏ dưới đây:

1. Hãy đưa ra những lựa chọn cho con. Với cách này, bố mẹ đang gợi ý và đưa ra những lời khuyên cho con nhưng bằng cách cho con quyền lựa chọn chứ không phải là áp đặt con phải làm thứ này thứ kia. 

2. Dùng những lời gợi ý như “Bố/mẹ đang suy nghĩ về….” hay “Bố/mẹ đang tự hỏi liệu…” thay vì cứ khăng khăng nói ra suy nghĩ của bản thân.

Thay doi cach noi chuyen de khuyen day con hieu qua hon

Bố mẹ nên dùng những lời gợi ý cho con thay vì khăng khăng áp đặt.

3. Dùng những câu hỏi như “Con nghĩ sao về việc thử ăn nhiều rau hơn mỗi ngày?” thay vì những câu mệnh lệnh, sai khiến như: “Con phải ăn thêm nhiều rau vào.”

4. Hãy bắt đầu những câu nói của mình với chủ ngữ là “Bố” hoặc “Mẹ” thay vì “Con…” để giảm cảm giác áp đặt và đánh giá. Ví dụ như thay vì nói “ Con tắt TV rồi đi ngủ đi”, thì hãy nói “Bố mẹ nghĩ rằng con nên tắt TV và đi ngủ đi.”

5. Hãy luôn để cho con biết rằng bạn đang khuyên con là vì bạn lo cho con và luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con.

Thay doi cach noi chuyen de khuyen day con hieu qua hon

Hãy để con biết rằng bạn luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con.

6. Vẽ ra những khung cảnh trong tương lai khi bạn nói chuyện với con, ví dụ như: “Trong tương lai bố/mẹ nghĩ biết đâu con sẽ muôn thay đổi thói quen ngủ muộn của con.” chẳng hạn.

7. Thể hiện niềm tin của bạn đối với con, đặc biệt là khi con bạn có lòng tự tôn cao bằng những lời nói như: “Bố/mẹ tin rằng con có thể tự mình giảm thời gian chơi máy tính”, v.v

Thay doi cach noi chuyen de khuyen day con hieu qua hon

“Bố mẹ tin rằng con có thể làm được.”

8. Hãy để con biết rằng bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ: “Bố mẹ nghĩ con nên tập thể dục nhiều hơn, và bố/mẹ luôn sẵn sàng chạy bộ cùng con mỗi buổi sáng…”
 
9.  Hạn chế dùng những câu nói phủ định như “không được”, “không nên”, “đừng”. Đứa trẻ trong độ tuổi đang khám phá, muốn chứng tỏ bản thân thường làm ngược lại với những gì cha mẹ nói. Nếu bạn để ý, nếu bạn nói “không” trẻ thường sẽ làm ngược lại.  Vì thế, thay vì nói “Không được nhảy trên giường”, hãy nói “giường là nơi để ngủ con nhé”.

10. Và cuối cùng, hãy cảm ơn con vì đã lắng nghe, tin tưởng và làm theo những lời khuyên của bạn. Điều này giúp con có cảm giác rằng những nỗ lực và cố gắng của chúng được bố mẹ ghi nhận và đánh giá cao.
 
Những thay đổi nhỏ trong cách nói chuyện với con này sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ.
Chắc chắn những thay đổi nhỏ trong cách nói chuyện với con này sẽ mang lại những hiệu quả to lớn những lúc bạn khuyên dạy con. Và điều thú vị là những gợi ý trên không chỉ hiệu quả đối với con trẻ mà còn có tác dụng với cả người lớn khi giao tiếp.

Vì vậy, bố mẹ có thể áp dụng chúng ngay cả ở nhà và cả nơi làm việc để tạo nên hiệu quả giao tiếp tốt nhất.
 

(Nguồn: huffingtonpost)
Nguyễn Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI