Thay đổi cách khuyến mãi để tăng hiệu quả kích cầu tiêu dùng

14/08/2024 - 06:33

PNO - Rút ngắn thời gian khuyến mãi tập trung xuống còn 2 tuần, thậm chí 1 tuần và thực hiện truyền thông rộng rãi đề tất cả mọi người đều biết... là một trong số các giải pháp đưa ra tại hội nghị góp ý dự thảo đề án "Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước" do Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 13/8 tại TPHCM.

Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, từ đầu năm đến nay, sức mua vẫn ở mức thấp. Nửa đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt 3.098.692 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu đề ra. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ, các nhóm có đóng góp lớn cho mức tăng chung là lương thực, thực phẩm, văn hóa phẩm giáo dục, đồ dùng trang thiết bị gia đình, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống với mức tăng từ 10,4 - 37,1%; các nhóm khác như hàng may mặc, phương tiện đi lại, dịch vụ khác chỉ tăng từ 2,4 - 9,6%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 5,7%.

Sức mua tại thị trường trong nước yếu dù các chương trình khuyến mãi được tổ chức liên tục, kéo dài
Sức mua tại thị trường trong nước yếu dù các chương trình khuyến mãi được tổ chức liên tục, kéo dài - Ảnh: Hà Duyên

Tính chung trong cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13 - 13,5%/năm).

Theo bà Huỳnh Thị Bích Thủy - Giám đốc phòng giao dịch nhà cung cấp Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - thời gian qua, mặc dù thường xuyên có các chương trình khuyến mãi để kích cầu, tuy nhiên, sức mua vẫn ở mức thấp, nhu cầu của người mua chủ yếu là hàng thực phẩm thiết yếu.

Ông Hà Ngọc Sơn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) - cho rằng, hiện thời gian thực hiện các chương trình khuyến mãi đang kéo dài và dàn trải, khiến hiệu quả chưa cao, nên rút ngắn thời gian, thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung. “Có thể chỉ trong khoảng 1 tháng, thậm chí là nửa tháng hoặc 1 tuần nhưng khuyến mãi đồng loạt các mặt hàng và có truyền thông rộng rãi để người tiêu dùng biết đến chương trình và tạo hiệu ứng lan tỏa đồng bộ. Từ đó mới đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp” - ông Sơn nói.

Ông Phan Văn Chinh cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương tập trung các giải pháp phát triển nguồn hàng. Trong đó lấy thị trường trong nước định hướng cho sản xuất thông qua các doanh nghiệp bán lẻ, hiệp hội. Các khâu phân phối - lưu thông là rất quan trọng để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. “Nếu chúng ta làm tốt khâu phân phối, logistic thì chúng ta sẽ có thể đưa hàng hóa sản xuất quy mô lớn. Hiện nay mặc dù quy mô sản xuất của doanh nghiệp ở các địa phương có tăng lên nhưng quy mô thương mại, nhu cầu thị trường vẫn còn nhỏ, manh mún, có sự chênh lệch về chất lượng giữa các nhà sản xuất” - ông nhận định.

Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI