Thay đổi cách đón tết là điều tất yếu

06/01/2025 - 06:51

PNO - Trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những thay đổi trong cách thức đón tết là điều tất yếu.

Nghiên cứu văn hóa, tôi nhận thấy, có những biến chuyển sâu sắc trong cách người Việt đón tết những năm gần đây. Xu hướng tối giản hóa đang dần định hình, đặc biệt là ở các đô thị lớn, phản ánh sự thích ứng của cư dân với bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập.

Trong quá khứ, tết là dịp để người ta được ăn no, ăn ngon, vui chơi thỏa thích để bù cho cả năm đói, khổ. Không chỉ vậy, tâm lý ganh đua, so sánh giữa các gia đình trong làng xã cũng góp phần khiến chi phí dành cho tết rất cao, thời gian dành cho tết cũng kéo dài. Điều này không còn phù hợp với nhịp sống công nghiệp, hiện đại.

Qua nhiều năm nghiên cứu thực địa, tôi nhận thấy sự thay đổi này bắt nguồn từ nhiều yếu tố sâu xa mà quan trọng nhất là sự biến đổi trong cấu trúc gia đình Việt Nam hiện đại. Nhiều gia đình giờ đây có các thành viên sinh sống, làm việc ở nhiều nơi khác nhau, không còn cảnh tam tứ đại đồng đường cùng quây quần như xưa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước kia, hầu hết người dân làm nông nghiệp, còn nay thì mỗi người một nghề. Sự phân hóa về nghề nghiệp tạo ra những thách thức trong việc đoàn tụ ngày tết, nhưng đồng thời cũng mở ra những cách thức mới để duy trì sự kết nối gia đình.

Đáng chú ý, xu hướng tối giản hóa không đồng nghĩa với việc đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống. Người Việt hiện đại vẫn duy trì những nghi lễ quan trọng như cúng ông Công, ông Táo, cúng giao thừa hay cúng tổ tiên. Sự thay đổi chủ yếu nằm ở cách thức tổ chức và chi tiêu cho ngày tết. Thay vì chi tiêu lớn cho ăn uống, quần áo mới hay đồ trang trí, nhiều gia đình chọn cách đầu tư cho những trải nghiệm có ý nghĩa hơn.

Một điểm tích cực đáng ghi nhận là việc chuyển hướng chi tiêu từ những khoản nghi lễ, tiệc tùng sang các hoạt động như du lịch gia đình, chăm sóc sức khỏe. Xu hướng này không chỉ góp phần kích thích sự phát triển kinh tế của các địa phương mà còn tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ cho các thành viên trong gia đình. Nhiều người dân ở các vùng nông thôn cũng dành mấy ngày tết để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng thay vì tổ chức ăn uống linh đình.

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc dung hòa giữa truyền thống và hiện đại. Các cuộc gọi video xuyên quốc gia giờ đây có thể kết nối những người thân ở xa trong những ngày tết. Điều thú vị là dù thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, nhiều người vẫn giữ thói quen đi chợ tết truyền thống.

Hoạt động buôn bán ở chợ truyền thống cũng dần văn minh hơn, bớt cảnh nói thách, đầu cơ, nâng giá dịp tết. Tôi thấy giới trẻ cũng không hoàn toàn từ bỏ việc mua sắm trực tiếp trong dịp tết, cho thấy sự giao thoa tinh tế giữa cũ và mới.

Một khía cạnh quan trọng của việc tối giản hóa dịp tết là ý thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao. Trong bối cảnh đời sống vật chất được cải thiện, người Việt không còn phải chờ đến tết để được ăn ngon. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến việc ăn uống điều độ, tránh các vấn đề sức khỏe như bệnh gút hay mỡ máu thường gặp sau những ngày tết truyền thống.

Trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những thay đổi trong cách thức đón tết là điều tất yếu. Thách thức đặt ra là làm sao để dung hòa giữa các giá trị truyền thống và nhu cầu của xã hội hiện đại.

Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy người Việt đang từng bước tìm ra lời giải cho bài toán này: gìn giữ những giá trị cốt lõi như lòng hiếu thảo, tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc, trong khi linh hoạt điều chỉnh cách thức thể hiện cho phù hợp với thời đại mới.

Phó giáo sư, tiến sĩ PHẠM NGỌC TRUNG - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Khánh Vinh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI