Thay đổi cách dạy và học văn mới là cốt yếu

30/04/2013 - 16:43

PNO - PNO - Gần đây, trước chủ trương bỏ thi đầu vào môn văn đối với các trường cao đẳng, đại học thuộc khối nghệ thuật, dư luận được một phen hâm nóng. Đồng thuận và phản đối, nhưng có vẻ, các ý kiến nghiêng về phản đối...

 Nhưng, tôi muốn thử đặt vấn đề theo cách này: Nếu không bỏ, cứ thi môn văn, thì rồi sao? Chúng ta sẽ có câu trả lời gần như ngay lập tức: chẳng sao cả .

Chẳng sao cả, với cái nghĩa rằng nếu cứ thi môn văn thì cũng chẳng vì thế mà sinh viên các trường nghệ thuật (và sinh viên nói chung) sẽ yêu văn chương hơn. Không có chuyện ấy đâu!

Thay doi cach day va hoc van moi la cot yeu

Ảnh chỉ có tính minh hoạ. Nguồn: Hồng Vĩnh (Tiền Phong Online)

Những lời than phiền, và cả những con số thống kê cụ thể, về tình trạng xuống cấp của văn hóa đọc (trong đó đương nhiên có văn học) thời gian qua đã quá đủ để chứng minh cho nhận định trên. Thực tế của việc dạy môn văn trong nhà trường phổ thông ở ta suốt nhiều chục năm qua cho thấy, đó là cách dạy nặng về áp đặt, công thức, khô khan, giáo điều. Nghĩa là chẳng có “văn” một tý tẹo nào. Ông thầy cứ lên lớp để giảng về tác phẩm A, tác giả B, giai đoạn văn học C, theo những “ý” có sẵn dưới dạng những gạch đầu dòng - và rất thường là không phải “ý” của thầy - không sai chệch. Ở bên dưới, việc của học sinh là cắm cúi chép bài giảng, sao cho thật đầy đủ, chớ có được sót “ý” nào. Rồi cứ thế mà đi thi.

Cách dạy, cách thi, cách chấm như thế, khỏi phải nói, không khơi gợi được ở học sinh niềm say mê khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn trong tác phẩm văn chương đã đành, thậm chí còn khiến học sinh… khiếp sợ môn văn, mang tâm lý học đối phó, coi môn văn chỉ như những bài học thuộc lòng dài lê thê, dai nhanh nhách, cố mà nhồi vào đầu để khi thi còn có điểm. Có điểm rồi là “giã từ dĩ vãng”, là “vĩnh biệt tình xa” một cách đầy hân hoan sung sướng. Có bao nhiêu trường hợp học sinh sau khi học một trích đoạn Tắt đèn hoặc bài thơ Bầm ơi trong sách giáo khoa (ví dụ thế), bèn đi tìm (mua hoặc mượn) cả cuốn tiểu thuyết của Ngô Tất Tố hoặc cả tập thơ của Tố Hữu để đọc, xem cái tác phẩm trọn vẹn ấy nó hay ho ra thế nào? Kể cũng có, nhưng ít lắm. Nói chung thì học sinh rất dễ bằng lòng với những mẩu, mảnh của tác phẩm văn chương dưới hình thức bài học bắt buộc phải học trong sách giáo khoa môn văn.

Việc học môn văn ở bậc đại học xem ra cũng chẳng khá hơn là mấy. Nhiều sinh viên văn chương hẳn hoi, giỏi lắm chỉ đọc giáo trình “chay” do các thầy viết. Học bốn năm đại học, ra trường mà biết mặt mũi những Chiến tranh và hòa bình to dày sù sụ hay Bà Bovary nhỏ gọn ra sao? Bởi vì đơn giản là không biết thì cũng chẳng làm sao. Chỉ có điều, đến tuổi ấy rồi mà vẫn không biết thì chắc là họ sẽ không bao giờ còn định biết nữa!. Không phải tại họ đâu. Đổ lỗi như thế thì tiện thật đấy, nhưng lại lẫn lộn nhân với quả và gieo tiếng oan. Sự thực là: cách dạy, cách thi, cách chấm văn ấy ắt sẽ đẻ ra cách học văn ấy, sẽ đẻ ra lối ứng xử với văn chương đầy sự nhạt nhẽo ghẻ lạnh buồn tủi ấy.

Trở lại với câu chuyện cụ thể mà ta đang bàn. Nếu cứ giữ môn văn làm một môn thi đầu vào ở khối các trường nghệ thuật, thì cũng chẳng sao cả. Vì sau đó thì đằng nào các cử nhân nghệ thuật tương lai cũng không được học môn văn nữa, hoặc nó chỉ được coi là môn học rất phụ trong chương trình đào tạo ở một vài trường mà thôi. Thực tế là như vậy.

Điều đó liệu có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển trí tuệ và sự nảy nở tâm hồn của họ không? Có làm họ bớt sáng láng, bớt thâm viễn, bớt gần cái đẹp và bỏ xa cái xấu không? Theo tôi, không hề. Không học môn văn hoặc chỉ học nó như một môn phụ, không có nghĩa rằng người ta không còn được tìm đến với tác phẩm văn chương để tự làm giàu làm có cho bản thân mình.

Ta đang khoanh vùng trong một lĩnh vực cụ thể là nghệ thuật, vậy thì… cứ phải nghệ thuật mà nói thôi: Trong quá khứ, chúng ta đã có khá nhiều đạo diễn - diễn viên sân khấu, đạo diễn - diễn viên điện ảnh, nhạc sĩ, họa sĩ… đầy tài năng, mà một phần tài năng của họ là bắt rễ từ việc họ chịu đọc, họ ham đọc tác phẩm văn chương. Chuyện thực tế chứ không phải nói vu khoát. Với lớp diễn viên kịch nói Việt Nam thành danh ở những năm 1970, 1980 chẳng hạn, sở dĩ một động tác trên sân khấu, một câu đài từ của họ cũng khiến người xem bị hút hồn. Ấy là vì ngoài khả năng chuyên môn được trau dồi khổ luyện, trong động tác ấy, đài từ ấy còn có cả phần hồn của những trang văn chương đã ngấm vào máu người nghệ sĩ.

Có thể nói gọn về những nghệ sĩ ấy như thế này: họ đọc, vì không thể chịu nổi nếu không đọc. Chẳng ai bắt, chẳng ai đòi. Một nhu cầu tự thân, một niềm say mê thực sự. Và họ đã nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng. Ở phương diện này, tôi tin là nó chẳng mấy liên quan đến việc những nghệ sĩ ấy có phải thi môn văn hay không, có áy náy về chuyện môn văn có thể bị bỏ thi hay không...

Còn bây giờ, tỷ như chiều theo ý của những vị phản đối việc bỏ thi môn văn vào các trường cao đẳng, đại học thuộc khối nghệ thuật, ừ thì cứ thi, thậm chí thi xong vẫn có thể tiếp tục học môn văn, nhưng nếu người dạy văn không dạy đúng cách và người học văn nhất quyết không chịu đọc tác phẩm văn chương, thì chất thêm gấp mười lần những mĩ từ đã có về chức năng to tát của văn chương trong đời sống cũng là vô ích.

Vậy nên, trong tình hình học và dạy môn văn như nó đã và đang diễn ra ở ta, và như tôi đã trình bày ở trên, theo cách tôi nhận thấy, việc bỏ thi môn văn hay không bỏ thi môn văn không hề là vấn đề đáng để bàn. Bỏ thi, chẳng mất gì. Không bỏ thi, cũng chẳng thêm được gì. Bởi, điều cốt yếu là cách dạy và học môn này.

Hoài Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI