LTS - Bạn còn nhớ cô giáo đầu tiên dạy mình chữ i tờ thời thơ ấu? Bạn luôn nhớ người thầy giáo đặc biệt trong cuộc đời mình? Có người tuy không dạy bạn chữ nào nhưng vẫn là người thầy đúng nghĩa đối với bạn? Ai trong chúng ta cũng có người thầy không thể quên của riêng mình.
Chuyên mục “Thầy tôi” dành để bạn chia sẻ câu chuyện về những thầy cô giáo đáng kính, đã, đang và mãi mãi vun đắp cho bạn, cho chúng ta, cho cộng đồng biết bao điều tốt đẹp.
Mời bạn chia sẻ câu chuyện hay, đẹp về thầy cô giáo của mình kèm hình ảnh đến hộp thư: online@baophunu.org.vn.
Báo Phụ Nữ
|
Tôi cũng như nhiều bạn trẻ mê văn chương biết đến nhà văn Đoàn Thạch Biền qua các tác phẩm viết về tuổi mới lớn có lối xưng hô “ông” - “em” với các chuyện tình đẹp như mưa nhưng chưa đủ ướt áo. Hơn 20 năm trước và đến tận bây giờ, nhà văn Đoàn Thạch Biền luôn là “bà đỡ” của nhiều tác phẩm đầu tay in trên tuyển tập văn chương Áo Trắng do ông sáng lập và làm chủ biên.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền là “bà đỡ” nhiều tác phẩm đầu tay của các tác giả trẻ
|
Rời quê ở Nam Trung bộ vào Sài Gòn đi học, một trong những người cầm bút “đàn anh, đàn chú” mà tôi gặp đầu tiên là nhà văn Đoàn Thạch Biền. Sau này, nhiều cây bút ngày nào cũng trẻ như tôi nay đã thành danh, cũng tìm đến Đoàn Thạch Biền trong những ngày thơ mộng ấy.
Tôi không nhớ từ khi nào đã gọi nhà văn Đoàn Thạch Biền bằng hai tiếng thân thương: Thầy Biền! Và hình như, rất nhiều bạn viết cùng thời với tôi cũng gọi “thầy Biền” dù ông chưa từng đứng lớp dạy chúng tôi ngày nào.
Gọi thầy Biền một phần vì ông có thời thanh xuân dạy học ở Phan Rí (Bình Thuận). Đây có lẽ là thời gian đẹp nhất của đời ông với những học trò vùng biển này. Tại đây, Đoàn Thạch Biền đã viết nhiều tác phẩm với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh đến nay vẫn còn tái bản đều đặn: Những ngày tươi đẹp, Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay…
Trong đó, tác phẩm Một buổi tập kịch của ông đoạt giải Văn học Nghệ thuật hàng năm ở Sài Gòn trước năm 1975. Giải thưởng này do các văn nghệ sĩ, trí thức uy tín làm giám khảo, trong đó có nhà văn Sơn Nam.
Rất nhiều bạn viết cùng thời với tôi cũng gọi “thầy Biền” dù ông chưa từng đứng lớp dạy chúng tôi ngày nào
|
Thầy Biền tên khai sinh Phạm Đức Thịnh, quê Nam Định, học trung học ở Đà Nẵng, học đại học ở Sài Gòn và sống luôn đến nay. Trước 1975, sau khi tốt nghiệp triết học phương Tây ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, để tránh cảnh cầm súng trong một xã hội đang chiến tranh, ông học thêm sư phạm để cầm phấn đứng trên bục giảng.
Sau 1975, ông ra trình diện và thật thà khai báo mình là “sĩ quan biệt phái”, vì thời đó thanh niên trong lứa tuổi quân dịch dù đang làm nhà giáo cũng có tên trong quân đội để khi cần “tổng động binh” thì phải ra trận. Thay vì ông học tập vài hôm rồi về thì phải đi trại lâu hơn.
Chưa hết, từ trại về ông bán nhà ở Sài Gòn cùng gia đình đi kinh tế mới tận núi rừng Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tại đây ông làm nông dân trồng cây cà phê chưa kịp thu hoạch thì buộc phải chặt đi để trồng dâu nuôi tằm, vì cà phê là cây… tư bản.
Trồng dâu nuôi tằm chưa được bao lâu thì nạn Fulro nổi lên, tối nào ông cũng đưa gia đình vào doanh trại bộ đội ngủ nhờ. Cám cảnh thân phận, ông bán đổ bán tháo nhà cửa, rẫy vườn về lại Sài Gòn xin đi làm công nhân nhà máy dệt để có tem phiếu mua gạo nuôi con.
Ông vận động tài trợ rồi đi khắp nơi trao học bổng cho học sinh nghèo
|
Một thời “cay cực” là vậy nhưng thầy Biền chưa bao giờ hết niềm tin với cuộc đời tươi đẹp. Sau này xuất hiện trở lại, nhiều nhà văn cùng thời với ông Biền dùng lại bút danh cũ nhưng ông không ký tên Nguyễn Thanh Trịnh mà đổi hẳn thành Đoàn Thạch Biền.
Ông cho rằng: “Nhà văn làm nên tác phẩm và tên tuổi của chính mình. Khi xưa tôi tạo nên danh xưng Nguyễn Thanh Trịnh thì nay tôi tạo nên Đoàn Thạch Biền. Bút danh nào cũng được, miễn sao đó chính là tôi. Chọn bút danh là lựa chọn của mỗi người, tôi có lựa chọn của riêng mình”.
Nhiều người trong thế hệ của tôi gọi thầy Biền còn bởi, trong gia đình Áo Trắng mà ông lập ra trên cả nước, mỗi thành viên mỗi nghề nghiệp và lứa tuổi khác nhau nhưng cùng một tình yêu thương nhau và yêu văn chương như người trong một gia đình. Ở gia đình này, ông Biền đóng nhiều vai, là anh, em, chú, bác… và là thầy của nhiều người.
Khi nhận được một tác phẩm hợp với tiêu chí Áo Trắng, ông Biền hồ hởi đăng ngay và nếu không hợp ông gợi ý cho tác giả gửi báo khác. Nhiều tác phẩm đầu tay của các cây bút trẻ được ông bỏ tiền túi in thành sách như một sự động viên họ đi tiếp trên con đường chữ nghĩa quá dài.
Thầy Biền cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức trên đường thực hiện Quỹ Môtô Học bổng
|
Những năm gần đây, thầy Biền cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức thực hiện Quỹ Môtô Học bổng được vận động từ bạn bè để giúp các học sinh nghèo ở những vùng còn khó khăn. Hai ông nhà văn này tính cách có đôi chút trái ngược nhau. Ông Thức sôi nổi, bộc trực, thấy trái tai gai mắt là “phang” thẳng cũng đôi lần mích lòng thiên hạ.
Ông Biền luôn trầm tĩnh, gần như với ai ông cũng “chơi được” với lý do đơn giản: “Nhân vô thập toàn. Ai cũng có cái hay cái dở, mình lựa cái hay của họ để chơi và cũng là để học”.
Năm nay thầy Biền bước qua tuổi 70 nhưng trẻ trung hơn tuổi rất nhiều. Có lẽ, nhờ ông sống “hiện sinh” khi luôn chia “thì hiện tại” hơn là chia “thì quá khứ”. Và, nâng đỡ tác phẩm của người viết trẻ, đi khắp nơi trao học bổng cho học sinh nghèo, xây nhà vệ sinh cho trường học… là “thì hiện tại” thầy Biền đang làm để có một “thì tương lai” tốt đẹp hơn.
Trần Hoàng Nhân