Băng mình giữa đêm đến với học trò F0
Gần 0 giờ, điện thoại thầy Nguyễn Minh Hoàng, Tổng phụ trách đội Trường THCS Võ Thành Trang (Q.Tân Phú) báo có tin nhắn: “Thầy ơi, thầy hỗ trợ gói thuốc F0 cho gia đình con với. Cả nhà con đều thành F0 tự cách ly tại nhà, có cả người già trên 65 tuổi có bệnh nền. Nhà con ở Bình Tân, địa chỉ…”. Đọc xong, thầy nhắn lại ngắn gọn: “Thầy ở đây, con đừng sợ!”, rồi chuẩn bị gói ghém đồ đạc, mang theo những túi thuốc dành cho F0, đến với những học trò đang đánh vật với COVID-19.
|
Thầy Nguyễn Minh Hoàng hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn trong mùa dịch |
Trước khi đi, thầy cẩn thận hỏi thăm tình hình của từng thành viên trong gia đình, phân loại gói thuốc theo đúng phác đồ điều trị F0 tại nhà của Bộ Y tế, đánh dấu ngày uống cho người già hay trẻ nhỏ đều có thể đọc hiểu, sử dụng đúng. Quá trình đó diễn ra nhanh chóng để thầy kịp khoác ba-lô, lấy vội chiếc áo mưa và lao vào màn mưa đêm tầm tã.
Nhà ở Q.Tân Phú chạy qua Q.Bình Tân ngày thường chỉ khoảng chục cây số, đi tầm 30 - 40 phút là đến. Nhưng trong mùa dịch, đây lại là khoảng cách đầy thử thách, bởi trên đường đi, gặp chốt kiểm soát dịch thì phải dừng lại trình bày để được cho qua. Cũng có nhiều chốt xe không thể qua được, thầy đành phải tìm đường vòng khác. Cứ thế, phải bước qua ngày mới, thầy mới đến được nhà học trò.
Đến đúng địa chỉ, phía sau cánh cửa, người nhà đã đứng chờ sẵn, đó là cuộc ngóng chờ sự sống. “Qua mấy lớp khẩu trang, tôi nhìn thấy ánh mắt của học trò đầy lo âu, mệt mỏi. Rồi tôi dặn dò cách dùng thuốc cho từng thành viên trong gia đình; nhắc nhớ uống và theo dõi tình trạng sức khỏe, khó thở phải báo liền cho y tế, chú ý theo dõi người già. Điều cần nhất lúc này là trấn an gia đình đừng quá lo lắng, phải ráng ăn uống, bổ sung vitamin C, giữ tinh thần thật tốt”, thầy Hoàng kể. Rồi thầy nói với học trò của mình, có gì cứ nhắn, thầy đến liền, đừng hoảng sợ. Có lẽ, liều thuốc mà họ cần lúc này chính là những lời trấn an đó.
Cuối tháng Năm, khi TP.HCM thực hiện chỉ thị giãn cách đầu tiên, thầy Hoàng xin phép hiệu trưởng, xung phong tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Từ đó đến nay, ngoài hỗ trợ tiêm vắc-xin, lấy mẫu xét nghiệm, thầy còn tham gia phát gạo, đi chợ hộ... Đến tháng Bảy, thầy lập địa chỉ “hỗ trợ lương thực” đưa lên fanpage trường, fanpage cá nhân để học sinh, phụ huynh gặp khó khăn thì đăng ký. Với đồng lương ít ỏi của nghề giáo, thầy không ngại dốc tiền mua hàng chục tấn rau củ quả mang đến cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc ở trong những khu vực khó mua được thực phẩm.
Có hôm, trở về nhà sau một ngày hỗ trợ chống dịch tại địa phương, thầy Hoàng nhận được tin nhắn của học sinh cũ, báo “có cựu học sinh trường mình là F0 đang xin hỗ trợ lương thực trên Zalo”. Thầy vội vã gom tất cả những gì có trong nhà từ mì tôm, gạo, rau, trứng, sữa… phóng xe mang đến cho học trò. Ba mẹ em đều là F0 đã đi cách ly, chỉ có mình em tự cách ly điều trị tại nhà. Ngày hôm sau thì mẹ em mất. Ba em sau thời gian điều trị đã âm tính nên được về nhà. Học trò nhắn cho thầy: “Ba con đã đi cách ly về rồi. Lúc đi thì cả mẹ cả ba, giờ về chỉ có mình ba”. Từ thầy cũ trở thành bạn mới, thầy thường xuyên nhắn tin động viên tinh thần, an ủi để em vượt qua nỗi đau mồ côi mẹ.
Đến bất cứ đâu nếu học trò cần
Thầy Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ, khi nhận được tin nhắn “cầu cứu”, việc đầu tiên là thầy trấn an, giúp người bệnh bớt lo âu, hoảng loạn. Kế đến là hỏi thật kỹ về tình trạng sức khỏe để xem người bệnh cần túi thuốc A hay B hay phải can thiệp y tế kịp thời…
“Chỉ cần học trò nhắn tin, dù các em ở đâu tôi cũng chạy đến hỗ trợ, bởi các em cần mình. Tâm lý các em ban đầu rất sợ nên khi biết bên cạnh mình luôn có người quan tâm, sẵn sàng trợ giúp thì bớt hoảng sợ, vững tâm vượt qua nghịch cảnh hay bệnh tật”, thầy Hoàng nói.
Từ tháng Tám, khi TP.HCM cho phép F0 triệu chứng nhẹ cách ly điều trị tại nhà thì nhu cầu về hỗ trợ cho F0 trị bệnh cần kíp hơn cả việc ăn uống. Vậy là thầy lại bắt tay vào hỗ trợ các túi thuốc F0 cho học sinh, phụ huynh, giáo viên trong và ngoài trường. Thầy nhờ bác sĩ tư vấn về túi thuốc, kết nối với bác sĩ để thăm khám, điều trị qua video, điện thoại cho bệnh nhân. Có thời điểm, mỗi ngày thầy Hoàng nhận hơn 20 tin nhắn cầu cứu từ học sinh, giáo viên, phụ huynh F0. Trong đó, có không ít trường hợp cả nhà đều là F0.
Xoa dịu khó khăn của phụ huynh
Vì cô trò không thể gặp nhau nên cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, dạy lớp 1/12 Trường tiểu học Bình Trị 2 (Q.Bình Tân) gửi đến 46 học sinh những món quà mừng năm học mới. Mỗi phần quà gồm một bộ sáu phiếu hướng dẫn trẻ viết chữ với độ cao sẵn; một bộ học vần với các hình thù ngộ nghĩnh; tập được bao, dán nhãn sẵn; một cây bút chì; một bảng đen; phấn; nhãn tập in sẵn tên trường, lớp và tên từng học sinh; bánh, kẹo, sữa. Riêng 12 học sinh nghèo, cận nghèo trong lớp, cô còn mua thêm bột giặt, mì tôm, gạo, các nhu yếu phẩm khác và sách giáo khoa cũ gửi đến tận tay phụ huynh.
Cô Thanh Huyền chia sẻ, lớp có 46 học sinh thì đa phần phụ huynh đều là người lao động nghèo. Năm học đã bắt đầu mà có tới sáu học sinh gia đình là F0, chỉ có bốn học sinh có sẵn bút chì, bảy học sinh có sẵn tập cho năm học mới… Đầu năm học mới nhưng không có những câu chuyện háo hức tươi vui, mà thay vào đó là sự âu lo, khó khăn bủa vây. Phía sau màn hình kia là sự bỡ ngỡ của học trò và kèm theo đó còn có tiếng thở dài của phụ huynh giữa ngổn ngang khó khăn trong đại dịch. Cô ý thức được, học sinh mới vào lớp Một mà phải học trực tuyến, chưa được “diện kiến” giáo viên, bạn học là một thiệt thòi và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nên cô tìm mọi cách để kéo các con về phía mình.
|
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền soạn những phần quà cho học trò nhỏ tuổi mới vào lớp Một năm học 2021-2022 |
“Tôi làm cô giáo dạy lớp Một hơn 20 năm nên nhà có sẵn bút, tập, phấn. Còn bảng, bánh kẹo, sữa thì tôi xin từ phụ huynh cũ. Tôi dành ra vài ngày ngồi chấm sẵn gần 300 phiếu hướng dẫn trẻ tập viết và in các bộ học vần, dán nhãn… gửi đến các con để động viên tinh thần phụ huynh, học sinh”, cô Huyền bộc bạch. Cô kể, rất nhiều phụ huynh đang lo cái ăn từng bữa, công ty nghỉ vì dịch, mất việc làm, không có thu nhập, tiền nhà trọ, nợ ngân hàng… thì làm gì có tâm trạng mà ngồi học trực tuyến với con, nghe xót vô cùng. Bởi, người lớn bị tác động thì đứa trẻ trong nhà cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Còn với những học sinh gia đình là F0, cô xây dựng phương pháp kèm cặp riêng từng em theo hình thức một kèm một, giúp trẻ làm quen cô, làm quen môi trường học. Bởi đây là lúc các trò nhỏ tuổi rất cần sự gần gũi từ giáo viên, mỗi lời động viên hay đơn giản chỉ là nụ cười của cô giáo qua màn hình cũng giúp các con hòa nhập dễ hơn.
Sĩ số đông là thách thức đối với giáo viên trong mùa dịch để tiếp cận từng phụ huynh, học sinh; hiểu được tâm tư, tình cảm, khó khăn, hoàn cảnh của từng gia đình. Cô chia lớp thành 5 nhóm để dễ liên lạc, kết nối. Sau đó, cô lại trao đổi riêng với từng phụ huynh để nắm thêm những khó khăn. Phương án dạy học cũng sẽ được xây dựng linh hoạt theo nhóm để phụ huynh dễ dàng tiếp cận nhằm hỗ trợ con học tốt hơn.
Đỗ Đỗ - Phúc Trần