Thầy cô xung phong dạy thêm miễn phí cho trò vùng cao

09/03/2025 - 06:09

PNO - Để học sinh không bị đứt đoạn việc ôn tập sau khi Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực, nhiều giáo viên đã tự nguyện dạy thêm miễn phí cho học trò vùng cao khi các kỳ thi đã cận kề.

Tất cả giáo viên tham gia

Những ngày đầu tháng Ba, lịch học thêm buổi chiều ở Trường THCS Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã trở lại bình thường sau khi 16/16 giáo viên của trường cùng xung phong dạy miễn phí cho học sinh. Cô Hoàng Thị Tú Nga - dạy môn văn - cho biết dù thu nhập giảm hơn trước nhưng bù lại, học sinh và phụ huynh bớt lo lắng khi các kỳ thi quan trọng đã cận kề. Học sinh vùng cao vốn đã thiệt thòi, ít có điều kiện tiếp cận sách tham khảo, nâng cao nên việc ôn luyện kiến thức cho học sinh lớp Chín rất cần thiết. “Giáo viên dạy thêm ở trường rất ít, mỗi học kỳ chỉ khoảng 16-18 buổi nên số tiền không đáng là bao. Xem như mình bớt đi tháng lương để giúp các em ôn tập, chứ dừng lại thì thiệt thòi cho các em” - cô bộc bạch.

Cô Lương Thị Ngọc (Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) ôn tập miễn phí cho học sinh ở ký túc xá
Cô Lương Thị Ngọc (Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) ôn tập miễn phí cho học sinh ở ký túc xá

Năm học này, trường có gần 400 học sinh, đa số là con em đồng bào dân tộc. Trước đây, ngoài dạy chính khóa buổi sáng, trường tổ chức dạy thêm buổi chiều với mức phí 18.000 đồng/buổi/học sinh. Ngoài củng cố kiến thức, đây còn được xem là cách để hạn chế học sinh sa vào các trò chơi không lành mạnh. Ông Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, khi Thông tư 29 ban hành, giáo viên rất trăn trở, đã chủ động làm đơn đề nghị mượn cơ sở vật chất của trường để dạy phụ đạo kiến thức miễn phí cho học sinh. Nhà trường đã thống nhất tổ chức ôn tập cho học sinh 1-2 buổi/tuần. Riêng lớp Chín được tăng cường thêm một số buổi các môn toán, văn, tiếng Anh để thi lớp Mười.

“Ngoài thầy cô của trường, có 2 giáo viên tăng cường môn tiếng Anh từ trường khác đến cũng tình nguyện dạy miễn phí. Tôi thực sự xúc động và cảm phục sự cống hiến của thầy cô” - ông Nguyễn Văn Hào nói và cho biết thêm, trường cũng đề nghị phụ huynh phối hợp để quản lý, rèn luyện con em ý thức tự học tại nhà. Mỗi tháng 2 lần, giáo viên thay phiên đến nhà học sinh thăm hỏi, kiểm tra và hướng dẫn các em tự học.

Nhiều năm gắn bó với học sinh vùng cao, cô Lương Thị Ngọc - Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - nói việc dừng dạy thêm theo Thông tư 29 cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, tâm tư tình cảm của giáo viên nơi đây. Ngoài giờ dạy chính khóa buổi sáng, cô dành 3 buổi chiều và tối mỗi tuần ôn tập miễn phí cho học sinh ở ký túc xá. Cô chia sẻ: “Học sinh ở đây rất khó khăn, kéo được các em đến trường là chúng tôi đã vui rồi chứ nghĩ gì đến thu tiền học thêm…”.

Sẵn sàng ôn thi miễn phí cho học sinh

Tại Trường THCS Bạch Liêu, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đã có 6 giáo viên các môn văn, toán, tiếng Anh tình nguyện đăng ký dạy thêm miễn phí 102 buổi cho học sinh lớp Chín. Cô Trần Thị Thanh Huyền - dạy môn tiếng Anh - cho hay, đây là giải pháp để học sinh bớt lo lắng và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi chuyển cấp đã cận kề. Số buổi ôn thi của học sinh hiện chỉ bằng một nửa so với các năm trước. Sắp tới, tùy vào nhu cầu của học sinh, giáo viên sẽ tăng cường hỗ trợ các em.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Nghệ An - cho biết, việc dừng dạy thêm, học thêm đang khiến các trường gặp khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch dạy học. Vì thế, trong thời điểm này, sở mong các giáo viên nỗ lực tổ chức các buổi ôn tập miễn phí cho học sinh. Vì số lượng học sinh cuối cấp nhiều, nên để hỗ trợ giáo viên từ nguồn ngân sách của các trường là rất khó. Hiện, sở đang nghiên cứu phương án để tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo viên ôn tập cho học sinh cuối cấp.

Thời điểm này, giáo viên ở huyện vùng cao Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cũng đang “tăng tốc” ôn thi cho học sinh lớp Chín vào buổi chiều, buổi tối. Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa về thực hiện Thông tư 29, các trường ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt dạy ôn thi cuối cấp. Nhà trường điều chỉnh tiêu chí thi đua, kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng gương tập thể, cá nhân dạy học và ôn luyện không thu tiền, tận tụy vì học sinh.

Song song đó, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị các trường bố trí kinh phí chi cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ nguồn kinh phí đã cấp cho các đơn vị năm 2025. Ông Nguyễn Duy Thủy - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, huyện Mường Lát - cho hay, do ngân sách hạn hẹp nên trường chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ giáo viên ôn tập cho học sinh lớp Chín. “Ở vùng cao, lâu nay giáo viên ở trường vẫn ôn tập miễn phí cho học sinh nên dù có hỗ trợ hay không thì các giáo viên đều nhiệt tình, tận tâm dạy học trò” - ông nhấn mạnh.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI