Cô chủ nhiệm làm “shipper”
17 giờ ngày 11/9, như mọi hôm đã sắp đến giờ giới nghiêm, sẽ không có những chuyến giao nhận hàng vào tầm này. Đột nhiên, chị Nguyễn Phượng (ngụ Q.12, TP.HCM) nhận được cuộc điện thoại vội vàng: “Alô, phải chị Phượng, phụ huynh của cháu… học lớp 1/6 không ạ? Chị ơi, em đang đứng trước nhà, chị xuống lấy sách giáo khoa (SGK) cho cháu, nhanh nhanh nha chị, em phải đi giao một chỗ nữa sợ không kịp quay về”. Chị vội cúp máy và cầm tiền chạy xuống để trả cho shipper. Khi chị hỏi phí giao hàng bao nhiêu thì đằng sau lớp khẩu trang bật ra giọng nói nhỏ nhẹ: “Em là cô giáo chủ nhiệm lớp của con ạ”. Chị Phượng giật mình và đoán rằng cô giáo đang cười, bởi có lẽ trong hành trình làm shipper bất đắc dĩ này, cô đã làm nhiều phụ huynh bất ngờ rồi.
|
Những ngày chưa phải dạy online, các thầy cô đóng gói, vận chuyển sách giáo khoa, đồ dùng học tập đến cho học sinh |
Do dịch bệnh nên đây là lần đầu tiên chị được gặp cô chủ nhiệm của con. Một mình cô sẽ không thể thông chốt để đến với học trò bởi ở khắp Q.12 chi chít “vùng đỏ“. Cô phải nhờ công an hỗ trợ, chở đi vào những vùng khó khăn. Chị Phượng cho biết: “Phải đến ngày 13/9, học sinh tiểu học mới có buổi gặp nhau trên lớp, vì thế chúng tôi chưa biết gì về cô giáo ngoài cái tên Nguyễn Thị Thanh Thảo, chủ nhiệm lớp 1/6 Trường tiểu học Thuận Kiều (Q.12). Chưa kịp cảm ơn cô tử tế thì cô đã xin phép đi tiếp để kịp giao sách cho một bạn khác trong lớp”.
Dù đến ngày 20/9, trẻ tiểu học mới cần đến SGK nhưng cô mong muốn sách được tới tay học trò sớm, cha mẹ có thể xem và hướng dẫn con làm quen dần để con bớt bỡ ngỡ. Trong buổi họp phụ huynh ngày 12/9, trường cho hay không thể chờ bưu điện giao sách nên sẽ tìm mọi cách để giao sách cho học sinh trước khi bắt đầu buổi học đầu tiên.
Hiệu trưởng vào "vùng đỏ"...
“Cô chạy đường Trường Chinh qua cầu Tham Lương, quẹo tay phải qua ngã tư Chợ Cầu, chạy chừng 200m nữa, cô dừng lại điện tôi nghe cô. Đến đó là “vùng đỏ“ rồi, đầu hẻm có chốt, không vào được đâu cô…”. Sau khi nghe xong điện thoại hướng dẫn của người nhận hàng, “shipper” lạ địa bàn nên chốc chốc phải ngừng lại vì đường sá vắng hoe không thể hỏi ai. Phải “thư đi tin lại” mấy cuộc gọi, nhắn tin mới tìm đến được đầu hẻm. Giỏ hàng phải giao trong ngày của “shipper” Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) là 17 chiếc điện thoại thông minh và những bộ SGK để trao tận tay những học sinh khó khăn ở các quận 4, 7, 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Trường có gần 50 học sinh không có thiết bị học online. Ngay khi nắm thông tin, trường đã phát động dự án ATM thiết bị hỗ trợ học trực tuyến, kêu gọi các mạnh thường quân, phụ huynh chung tay hỗ trợ. Chỉ sau một ngày phát động, tìm chỗ bán, trả giá đã có nguồn để mua 45 chiếc điện thoại phù hợp cho học sinh học trực tuyến.
|
Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, giao thiết bị học online cho học sinh |
Cô Bùi Minh Tâm chia sẻ: “Tôi trình bày và đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cấp cho giấy đi đường, giấy có hạn đến hết ngày 6/9, vậy là phải cấp tập làm cho xong trong thời gian này. Sáng 2/9, nhận giấy đi đường, tôi chạy từ Q.1 ra Q.Bình Tân để lấy máy. Sau đó, đem về nhà một thầy giáo ở Q.3 để cài đặt hết 45 máy. Trong lúc này, tôi làm thư dặn dò học sinh, thư cảm ơn mạnh thường quân và các anh công an. Sáng hôm sau đem về trường, chia địa bàn, với học sinh ở Q.1 thì nhờ công an ở các phường Cô Giang, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh giao đến nhà học sinh giúp. Nhưng còn 17 học sinh ở các quận, huyện xa, đang là “vùng đỏ“ thì không thể bởi họ còn phải làm nhiệm vụ chuyên môn trên địa bàn. Cũng không thể đẩy cái khó cho giáo viên nên tôi quyết định sẽ tận tay giao điện thoại, sách đến cho học trò”.
Trước khi đi trao, giáo viên chủ nhiệm từng lớp sẽ kết nối với phụ huynh để thống nhất về đường đi chi tiết, bởi nhiều khu vực đang là “vùng đỏ“, không thể vào được. Thế là, lần đầu làm shipper đến những “vùng đỏ“ xa xôi, nguy hiểm, cô liên tục lạc đường, phải điện thoại nhờ phụ huynh hướng dẫn. Mỗi chiếc điện thoại được trao cho học sinh đều được kèm theo một bức thư: “Thầy cô mong rằng, khi nhận được những thiết bị này, các em hãy trân trọng, nâng niu, giữ gìn và sử dụng đúng mục đích học tập. Mỗi lần mở máy ra học, các em hãy nhớ đến người trao tặng mà không ngừng nỗ lực, phấn đấu... Hãy thực hiện lòng biết ơn sâu sắc của mình bằng những hành động cụ thể. Đó là tham gia đầy đủ các tiết học, học tập nghiêm túc, tích cực tương tác, làm bài tập...”.
Cả ngành làm “người vận chuyển”
Năm học mới bắt đầu cũng là những ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Phụ huynh, học sinh mong có sách, có phương tiện để học cũng không dễ. Dù có sách nhưng làm sao đến tay học trò là bài toán nan giải với cả những “vùng xanh“. Nhiều nơi, giáo viên phải hướng dẫn học sinh tải sách bản mềm về học.
Q.8 là một trong những quận “vùng đỏ“ phải thực hiện giãn cách xã hội chặt chẽ. Thế nhưng, nếu phải chờ bưu điện thì trễ mất, học online đã khó, xem sách trên máy càng khó cho người học, nhất là học sinh tiểu học. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.8 quyết định triển khai kế hoạch giao SGK đến tận tay học sinh trên toàn quận và làm nhiệm vụ này là tất cả giáo viên, nhân viên ở các trường. Khảo sát thực tế có hơn 90% trong tổng số hơn 40.000 học sinh tiểu học và THCS tại quận cần SGK và có nhu cầu giao sách hộ đến nhà. Số học sinh còn lại sử dụng SGK của anh, chị đã học năm trước. Ngoài việc liên hệ với các đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp, hiệu trưởng các trường phân công giáo viên, nhân viên chuyển sách đến nhà học sinh với sự hướng dẫn của Công an Q.8, sự hỗ trợ của công an phường, dân quân tự vệ địa phương.
|
Nhiều thầy cô ở quận 8 làm "người vận chuyển" giao sách đến cho học trò |
Vậy là trong những ngày đầu tháng Chín, hàng trăm giáo viên, nhân viên (đã tiêm hai mũi vắc-xin, có xét nghiệm âm tính) lên đường làm nhiệm vụ. Số giáo viên có tuổi hoặc không biết đường đi sẽ ở tại trường hoặc điểm tập kết sách đóng gói, phân loại sách và dụng cụ học tập, ghi địa chỉ… Số còn lại thì biến chiếc xe máy đi làm thường ngày thành xe thồ chở sách và dụng cụ học tập giao đến tận nhà học trò. Những ngày này, trên nhiều nẻo đường của Q.8, có không ít bóng áo xanh là những giáo viên mang niềm vui đến cho học trò. Trong đó có cả hiệu trưởng các trường tiểu học Bông Sao, THCS Tùng Thiện Vương cũng trực tiếp… ra đường.
Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Q.8, tình thật: “Thầy cô cũng gặp nhiều tình huống bi hài. Nhiều phụ huynh ở “vùng xanh“ nhất định không chịu ra đầu hẻm để nhận sách mà đòi phải giao đến tận nhà, trong khi xe lẫn người đều không thể vào sâu trong khu vực được bảo vệ; nhiều phụ huynh ở chung cư cũng đòi giao đến tận cửa… Giáo viên phải ra sức giải thích và nhờ phụ huynh thông cảm để kịp đi giao cho những học sinh khác. Khó khăn rất nhiều nhưng nghĩ đến học trò thì bỏ qua hết”. Tính đến ngày 12/9, chỉ còn khoảng 2.000 sách bậc tiểu học là chưa giao được đến cho học sinh và chắc chắn vào ngày học đầu tiên, tất cả học sinh trên địa bàn sẽ được lật mở những trang sách thơm mùi giấy mới. Bên cạnh đó, UBND Q.8 đã quyết định hỗ trợ 1.000 bộ SGK cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn… để không có học sinh nào bị ngắt quãng việc học.
Có lẽ, một chiếc điện thoại, một bộ SGK, một lá thư sẽ không thể giúp các học sinh và gia đình hết khó khăn trong mùa dịch nhưng đó sẽ là nguồn động viên giúp nhiều gia đình vơi bớt nỗi nhọc nhằn; cảm nhận được sự chia sẻ ấm áp để biết chắc rằng mình không bị bỏ lại phía sau trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tiêu Hà