PNO - Để học trò của mình không phải chịu đói, chịu rét… thậm chí bỏ học, nhiều giáo viên vùng cao tỉnh Nghệ An đã kiên nhẫn đi xin từng đồng, từng món đồ dùng để lo cho các em.
Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ gửi nhà tài trợ để “xin cơm” cho học trò, bà Lê Hồng Quang - Phó hiệu trưởng Trường mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - tiếp tục gọi điện thoại “cầu cứu” người quen hỗ trợ 2 học sinh (HS) có nguy cơ phải nghỉ học vì quá khó khăn. “Năm ngoái, phụ huynh các em đã xin cho con nghỉ học vì không đóng nổi tiền ăn. Các cô cũng chỉ có thể bỏ tiền ra giúp được ít tháng, sau đó tôi phải gọi điện cho người quen nhờ giúp đỡ. Năm nay, tôi chưa biết gọi nhờ ai hỗ trợ để các em tiếp tục đi học” - bà nói.
Trường mầm non Xá Lượng có gần 300 HS ở 6 điểm trường. Trong đó, 55 HS ở bản Na Bè là người Khơ Mú, phần lớn thuộc hộ nghèo. Những năm trước, trường tổ chức bán trú dân nuôi - hằng ngày, phụ huynh đưa cơm cho con mang đến trường. Nhiều phụ huynh vì quá nghèo nên đi làm ăn xa để con lại cho ông bà chăm sóc, phần cơm HS mang đến trường thường không đủ dinh dưỡng. Nhiều em chỉ có cơm trắng, ít cá khô nên các cô phải nấu thêm canh rau, cháo bổ sung cho các em.
Thương trò, bà Lê Hồng Quang tìm mọi cách kết nối với nhiều tổ chức, nhà tài trợ để “xin cơm” cho các em. Rồi hàng chục HS ở bản Na Bè cũng có được bữa ăn đủ chất sau khi dự án Nuôi đồng ý hỗ trợ tiền ăn 7.000-10.000 đồng/ngày/HS. Với số tiền này, các cô dùng để mua thức ăn mặn, còn gạo, rau, củ, quả, trường sẽ xin thêm các nhà hảo tâm khác hoặc vận động phụ huynh đóng góp thêm. Vị phó hiệu trưởng sau đó lại tiếp tục lên mạng xã hội hỏi dò người quen xin bếp gas, tủ lạnh, máy lọc nước… “Cũng có lúc thấy ngại lắm, nhưng rồi tôi nghĩ để học trò ấm cái bụng thì cứ cố gắng” - bà chia sẻ. Bà còn tận dụng các mối quan hệ xin sách vở, quần áo, đồ chơi cho trẻ. Ai cho gì bà cũng nhận, đồ cũ không còn sử dụng được các cô sẽ tái chế để làm đồ chơi, dụng cụ học tập, sinh hoạt cho HS.
Thầy Nguyễn Thế Hanh kiểm tra bếp không khói do mình thiết kế
Tỉ mỉ kiểm tra lại bếp không khói do mình thiết kế từ phế liệu xin được, thầy Nguyễn Thế Hanh - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Na Ngoi 2, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - cho biết, ít nhất HS không còn phải hít khói mỗi lúc nấu ăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, thầy phải thiết kế bếp nấu ăn cho HS ngay trong nhà ăn kết hợp nhà ở bán trú tạm bợ bằng tôn của các em. Năm nay, trường có hơn 150 HS ở bán trú tại trường nhưng chỉ có 4 phòng ở với 32 chiếc giường. Không đủ chỗ cho HS, hiệu trưởng bàn với các giáo viên xin sắt, tôn cũ về dựng mái che trước nhà ở của giáo viên cho HS ở tạm. Rồi xin thêm ít sắt, gỗ về đóng bàn ghế, giường ngủ cho các em sử dụng.
Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Na Ngoi 2 nằm trên đỉnh núi cao hơn 1.000m, quanh năm mây mù bao phủ. HS đa phần là người H’mông. Theo thầy hiệu trưởng, cha mẹ lo làm ăn xa, ông bà lại lớn tuổi nên nhiều HS “bị bỏ mặc” cho nhà trường. Nhiều hôm lạnh 7-8 độ C nhưng các em chỉ mặc cái áo mỏng, ngồi run nên không học được. Thương học trò, ông đành phải gọi điện thoại cho bạn bè, lên mạng xã hội xin quần áo cũ, chăn màn… cho HS. Đầu năm học, ông còn cùng giáo viên “tìm mối” xin sách vở, quần áo, bát đũa… đến cái chiếu, cái gối cho các em.
Ân tình đền đáp ân tình
Nhận bộ sách giáo khoa cùng ít đồ dùng học tập do mẹ đỡ đầu tặng, em Hoàng Danh Hồng Lịnh - 15 tuổi, trú xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - cho biết, nếu không có mẹ đỡ đầu là cô Hoàng Thị Thái Hòa - giáo viên Trường THCS Quỳnh Bảng - thì em đã nghỉ học từ 4 năm trước. Cha mất năm Lịnh mới chào đời, lên 11 tuổi thì mẹ qua đời do ung thư gan. Lịnh ở với bà ngoại đã ngoài 70 tuổi, bữa rau bữa cháo qua ngày. Em từng rất suy sụp, xin nghỉ học từ năm lớp Sáu để đi làm thêm vì chẳng biết kiếm đâu ra tiền đóng học phí. “Lúc đó, mẹ đến động viên, sẽ hỗ trợ em ít nhất hết lớp Mười hai. Nhờ mẹ giúp đỡ nên em mới có thể tiếp tục đến trường” - Lịnh kể.
Không phụ lòng mẹ, 4 năm qua, Lịnh luôn là HS giỏi. Những hôm nghỉ học, em thường ra bãi biển bưng bê thuê cho các nhà hàng, kiếm thêm tiền sinh hoạt cho 2 bà cháu. Cô Thái Hòa tâm sự: “Tôi chỉ mong sao các con không bỏ học giữa chừng. Khi các con gọi tôi bằng mẹ, lúc đầu cũng ngại lắm, sợ mình không làm tròn nghĩa vụ. Nhưng rồi quen, ngoài vật chất thì các em cũng rất cần chỗ dựa tinh thần khi không may mồ côi cha mẹ từ nhỏ”.
Cô Hoàng Thị Thái Hòa động viên em Hoàng Danh Hồng Lịnh trước năm học mới
Cô cho hay, cưu mang các em vì thấy có một phần hình bóng ngày xưa của mình trong đó. Năm lên lớp Bảy, cô Thái Hòa từng phải bỏ học vì nhà quá nghèo. Nhưng 1 tuần sau, cô giáo chủ nhiệm đến nhà “kéo” trở lại trường học với cam kết sẽ lo toàn bộ học phí. Cô kể: “Lúc đó, tôi chỉ biết khóc vì cảm động. Đó cũng là bước ngoặt của đời tôi”. Từ đó, cô đặt mục tiêu học thật tốt, trở thành cô giáo để giúp đỡ những học trò có hoàn cảnh khó khăn giống mình.
Khi giấc mơ đã thành sự thật, cô Thái Hòa không quên lời hứa năm xưa, luôn trích ra 10% tiền lương hỗ trợ HS nghèo mua quần áo, dụng cụ học tập. Đầu năm học, cô lại đi gom sách cũ, đồ dùng học tập về tặng HS nghèo. Cô kể rằng: “Ai cho gì mình lấy hết, về phân loại ra, cái nào còn dùng được thì sửa chữa lại, sách thì bọc lại cho các em dùng…”.
Cô Thái Hòa đặc biệt quan tâm đến học trò mồ côi. Đến nay, cô đã nhận làm mẹ đỡ đầu 4 HS mồ côi, trong đó 2 em đã gần tốt nghiệp THPT. 4 năm trước, nhiều HS từng được cô giúp đỡ đã ra trường và thành đạt bất ngờ kéo nhau về thăm, tặng quà cô. Nhưng cô chỉ đón nhận tình cảm, còn quà đề xuất trò cũ tặng lại các em HS mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. “Sau lần đó, các em đề xuất lập một nhóm thiện nguyện để cùng tôi giúp đỡ HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có thêm học trò cùng đồng hành, tôi an tâm với lời hứa của mình với các em HS nghèo hơn” - cô chia sẻ.