Xin đến nơi khó khăn hơn
|
Làm quản lý, song thầy Tiến vẫn luôn sát sao với việc học tập của học sinh - Ảnh: D.T. |
Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phình Hồ, xã Phình Hồ - đã gần 40 năm gắn bó với các mái trường của huyện Trạm Tấu - 1 trong 2 huyện xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái. Năm 1986, chàng trai quê Thái Bình ấy đã suýt bỏ về ngay ngày đầu tiên nhận công tác.
Thầy Tiến kể: “20 tuổi nhưng tôi nhỏ xíu, ngồi sau xe đạp để cha chở lên đây nhận công tác. Rừng xanh núi đỏ, cha con đi được một đoạn lại phải xuống dắt bộ. Càng đi càng heo hút. Tôi rớm nước mắt, chực quay về. Nhưng cha tôi đặt tay lên vai tôi nói: đã chọn rồi thì cứ thử xem sao”.
Thầy Tiến về dạy Trường tiểu học Pá Hu (xã Pá Hu) và sống với bà con nơi này. Sau những trận mưa, đường trơn, lầy như ruộng mạ. Nhiều hôm phải đi từ lúc gà chưa gáy sáng, vừa đi vừa vung dao phát cây dại trùm xòa kín lối, 4-5 tiếng đồng hồ mới đến được điểm trường. Nhìn bọn trẻ không được đến trường, lăn lóc, ne nép mỗi khi thấy người lạ, thầy Tiến lại rớm nước mắt vì thương. Thầy quyết tâm học tiếng Mông để nói chuyện với bà con.
Cứ thế rủ rỉ, thầy kể với phụ huynh, với trưởng bản những cái hay trong sách báo, giúp công việc nương rẫy của bà con bớt nặng nhọc. Mưa dầm thấm lâu, lại thấy sự chân thành của thầy giáo trẻ, mãi tận dưới xuôi lên - bà con đã dần dần gửi con đến lớp nhờ thầy Tiến dạy cho cái chữ.
Tâm huyết với nghề, nặng lòng với những khó khăn của bà con là động lực để thầy Tiến có không ít sáng kiến giúp việc đi học của con em các cộng đồng thiểu số ngày một suôn sẻ hơn. Năm 1991, học sinh ở lại trường, mỗi nhóm 5-6 em bắc bếp nấu cơm. Ngày nắng không sao, ngày mưa bếp cứ nhóm lên lại tắt. Bọn trẻ thay nhau đứa che chắn bếp, đứa ôm gạo vào lòng. Mỗi bữa chỉ là cơm trắng, măng cay, thi thoảng thêm chút rau rừng.
Hình ảnh ấy khiến thầy nhiều đêm mất ngủ. Thầy bàn với các thầy cô trong trường giúp học trò những bếp nấu kín gió, và hướng dẫn các em trồng rau. Từ cách làm của thầy Tiến, 13 năm trước, Trạm Tấu chính thức đưa mô hình bán trú vào thí điểm. Đến nay, mô hình này đã nhân rộng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.
Gần 40 năm, thầy Tiến có không ít cơ hội “xuống núi”, ít nhất là xin về giảng dạy ở thị xã Nghĩa Lộ, nơi gia đình thầy sinh sống. Thế nhưng, thầy lại xin “ngược đường”, đến những trường khó khăn hơn trong huyện để việc học của trò, việc dạy của thầy được tròn trịa hơn.
Đi thì lấy ai dạy trẻ
Yên Bái có đến 45,7% giáo viên công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hầu hết thầy cô có trên 10 năm gắn bó. Năm ngoái, là lần thứ hai tỉnh thực hiện chính sách điều động, chuyển công tác theo nguyện vọng đối với thầy cô đang công tác tại các huyện, xã vùng đặc biệt khó khăn có thành tích xuất sắc; mà 12 năm gắn bó với 12 lứa học sinh khiến cô giáo Hoàng Thị Thỏa - Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lao Chải (huyện Mù Cang Chải) - một lần nữa chẳng thể rời đi.
Những năm đầu lên Lao Chải, cô rất vất vả với những con đường đất vắt từ quả núi này sang quả núi khác mới đến được nhà học trò. Lao Chải ngày ấy không có điện, không có sóng hay phương tiện liên lạc nào ngoài điện thoại bàn của nhà trường. Phụ huynh cũng chưa quan tâm đến việc học của con, nên các em thích là nghỉ học. Cô giáo đến nhà vận động, vượt mười mấy cây số đường rừng giữa trời mưa, nhưng đến nhà thì các em đã theo bố mẹ lên nương.
|
Cô giáo Hoàng Thị Nhâm và học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hang Chú - Ảnh: Q.T. |
Cô Thỏa tâm sự: “Khi xung phong lên đây, tôi nghĩ dăm ba năm sẽ xin chuyển về vùng thấp. Thế mà gấp 3-4 lần quãng thời gian dự tính rồi, vẫn “thường trú” ở đây”. Cô Thỏa gọi “thường trú”, vì học trò bán trú hằng tuần về với cha mẹ. Còn cô, nhà cách trường 170km, nên có tuần về, tuần không.
Cô Thỏa dạy lớp Một - học sinh chưa nói được tiếng phổ thông - nên ngày ngày cô cần mẫn luyện cho các em cách phát âm, rèn từng nét bút; dạy các em đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân… Ngoài cửa, Sùng Thị Sía thập thò, em nói tiếng phổ thông còn ngọng nghịu: “Cô ơi, dép con đứt, cô buộc lại cho con”. Cô Thỏa trìu mến: “Bọn trẻ tình cảm, thân thương lắm. Các em có lúc làm tôi bớt nhớ con, có lúc lại khiến tôi nhớ con nhiều hơn”. Con trai cô, đã 11 năm ít được hưởng sự chăm bẵm của mẹ. “Chồng tôi cũng công tác xa nhà. Nên một vài năm nữa, tôi sẽ đón cháu lên Lao Chải học để mẹ con được gần nhau. Tôi mà xin chuyển đi, chắc không ai muốn lên vùng khó nữa. Như thế thì lấy ai dạy bọn trẻ” - giọng cô tha thiết.
Bên huyện Bắc Yên của tỉnh Sơn La, ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hang Chú (xã Hang Chú), thầy Hiệu trưởng Dương Duy Tấn đã 20 năm rời quê Thái Bình lên đây dạy học. 4 lần chuyển công tác của thầy, đều đến những trường yếu kém về chất lượng dạy và học - thuộc những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên. Ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hang Chú (xã Hang Chú) cô giáo 9X Hoàng Thị Nhâm (quê ở tỉnh Phú Thọ) cũng đã 10 năm gắn bó với nơi heo hút trên núi cao này. Con gái cô đang học lớp Hai, từ khi vào lớp Một, cháu đã rời quê Phú Thọ, lên đây bám bản cùng mẹ.
Thầy Tấn, cô Nhâm cùng không ít thầy cô khác đều xác định xung phong lên chốn đặc biệt khó khăn độ 5 năm là “hạ sơn”. Thế nhưng, bao nhiêu việc phải làm cho các thế hệ học trò cứ thế cuốn họ đi. Và rồi, họ đã hơn 1 lần từ chối cơ hội “xuống núi”, vì chính những khó khăn của đồng bào và các thế hệ học trò.
Ngọc Minh Tâm