Phóng viên: Hành trình 5 năm của dự án Sách hay cho học sinh tiểu học đã đến được với 79 huyện của 27 tỉnh, thành trong cả nước. Bà có nhớ hành trình đã bắt đầu như thế nào?
Bà Hoàng Thị Thu Hiền: Đó là vào năm 2016, sau cơn lũ lịch sử ở Quảng Bình, chúng tôi đã đưa sách về các trường tại hai huyện Hương Khê và Tuyên Hóa, hai huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau bão lũ. Có rất nhiều đoàn cứu trợ ra Quảng Bình khi ấy, nhưng chủ yếu hàng cứu trợ là quần áo, lương thực thực phẩm… còn tôi nghĩ đến sách. Khi trao đổi với lãnh đạo Quảng Bình, tôi được biết học sinh đang rất cần sách, đặc biệt là sách tham khảo. Tôi vận động được hơn 100 triệu đồng mua sách. Nhưng lúc đó tôi chỉ có một mình, khó có thể vận chuyển hàng tấn sách đi trong tình trạng vẫn còn mưa bão, sạt lở. Tôi bèn lên Facebook kêu gọi người có thể đồng hành với mình, may mắn là sau lời kêu gọi đó, có thêm bốn người nữa cùng đi. Thời điểm chúng tôi đến Quảng Bình, mưa lũ vừa dừng được bảy ngày, nhưng hai ngày sau, lũ lại đổ về cuồn cuộn, nước ngập cả bánh xe. Tôi nhớ hoài hình ảnh các thầy cô giáo đội mưa đến nhận sách và đi về giữa mênh mông biển nước…
|
Bà Hoàng Thị Thu Hiền trong lần đưa sách về với trẻ em Hà Giang - (ảnh do nhân vật cung cấp) |
* Bằng cách nào mà đến nay, dự án Sách hay cho học sinh tiểu học đã đi một bước rất dài, rất chuyên nghiệp và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục lan tỏa?
- Thời gian đầu, tôi đi “gõ cửa” từng nơi, kêu gọi các trường cùng tham gia ủng hộ dự án xây dựng tủ sách cho học sinh vùng cao. Bắt đầu từ trường Lê Hồng Phong, sau đó đến Lê Quý Đôn, Ernst Thalmann, Gia Định, Trung học thực hành - Đại học Sư phạm… Các học sinh và các thầy cô giáo cùng nhau góp tiết kiệm cho quỹ sách. Nhưng tôi thấy nếu cứ như vậy hoài cũng rất khó, nên chủ động kết nối các doanh nghiệp, tìm đến những nhà tài trợ, nhà làm sách. May mắn là dự án nhận được sự đồng hành của nhiều đơn vị tài trợ, có được sự kết nối và ủng hộ từ phía Hội Xuất bản Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng, Tập đoàn Giáo dục IGC, Quỹ Tâm nguyện Việt… Đặc biệt, có nhiều người sau chuyến đi khảo sát với vai trò nhà tài trợ đã trở thành tình nguyện viên của dự án. Đến thời điểm này, thành viên dự án đã là 19 người, trong đó có nhiều bạn trẻ.
Dự án Sách hay cho học sinh tiểu học có nhiều thành viên là những cựu giáo viên, đều ở tuổi U60, U70, nhưng họ không quản ngại xa xôi, mưa gió và cả nguy hiểm để đưa sách đến cho học trò vùng xa. Trung bình mỗi tủ sách trao tặng cho các huyện có kinh phí từ 50 - 100 triệu đồng. Ở mỗi điểm đến, dự án đều tổ chức hoạt động giao lưu với học sinh chủ đề Em yêu sách, truyền tải phương pháp giới thiệu sách cho thầy cô, kiểm tra/đánh giá phong trào đọc sách sau khi tiếp nhận tủ sách. |
* Thể loại sách dự án thường đưa tới các trường là gì?
- Ngoài sách tham khảo, chúng tôi chọn các dòng sách khoa học tự nhiên - môi trường, sách văn học, sách về danh nhân, kỹ năng sống… Sau này còn có sách y học, đây cũng là một kỷ niệm xúc động với dự án. Đó là khi chúng tôi tặng sách cho các bệnh nhi ung thư ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, vẫn là các tựa sách thuộc các thể loại phổ biến kể trên. Khi tôi nói với các con rằng những cuốn sách sẽ cho các con bước vào những chân trời mới, thì có một bé hỏi tôi: “Có sách nào viết về cách chữa bệnh ung thư không cô?”. Tôi lặng người nghe con nói, cảm nhận được niềm hy vọng và khát khao được sống trong ánh mắt con. Chúng tôi đã cố gắng tìm được bộ sách cung cấp kiến thức về dinh dưỡng, chữa bệnh, kiến thức về bệnh ung thư… mang đến tặng con. Nhờ câu hỏi của bé mà chúng tôi nghĩ rằng, trẻ nhỏ cũng cần sớm được biết về những kiến thức y khoa thường thức.
Chúng tôi làm việc trong ngành giáo dục, rất hiểu học sinh tiểu học cần những thể loại sách gì, hiểu rõ giáo dục hiện nay đang cần gì. Bản thân là những người yêu sách và cũng hiểu được vai trò, giá trị to lớn của sách, chúng tôi chỉ mong làm sao có thật nhiều sách hay cho các em nhỏ vùng sâu vùng xa, xây dựng được hệ thống thư viện ở tất cả các trường.
* Có hay không những trường hợp, nơi cần đọc thì thiếu sách nhưng nơi được tặng thì chưa chắc sách đã được đọc?
- Tôi nghĩ là có. Ở mỗi điểm đến, chúng tôi đều tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện về sách. Có những nơi dự án đến, chúng tôi được tiếp đón rất ân cần, các con rất yêu thích và say mê đọc sách. Nhưng ngược lại, có nhiều nơi nghe tặng sách lại rất thờ ơ. Ở nhiều huyện miền núi, dù thu nhập không cao, nhưng các thầy cô giáo vẫn rất bền bỉ trong việc giới thiệu sách hay, hướng dẫn, động viên học trò đọc sách trong thư viện. Ở nhiều huyện miền xuôi, có thư viện tốt nhưng lại thiếu nhân sự phụ trách chuyên biệt, chủ yếu là các thầy cô giáo kiêm nhiệm, nên thư viện đã không phát huy hiệu quả. Tôi nghĩ cần có kinh phí cho những người làm công tác thư viện. Chính các hiệu trưởng, thầy cô phải là những tấm gương đọc sách với các trò. Tầm nhìn của người đứng đầu các trường có ảnh hưởng rất lớn trong việc cùng phát triển văn hóa đọc.
* Đã đến rất nhiều huyện vùng núi cao, vùng sâu vùng xa, bà nghĩ rằng nỗ lực đưa sách đến cho các trò nhỏ của nhiều tổ chức thiện nguyện bao năm qua đã phần nào làm đầy cho những “vùng trắng sách” chưa?
- Ở những khu vực vùng sâu vùng xa cả nước, ngoài những trường được Tổ chức Room to Read tài trợ, thì hầu hết rất thiếu sách, không có sách hay, không cập nhật được sách mới. Có trường những tựa sách được trưng bày trong thư viện đều là những cuốn sách/tạp chí học sinh, thậm chí cả thầy cô giáo cũng khó mà đọc. Có những nơi chúng tôi đã đến trao tặng sách, nhưng rồi sau bão lũ thì cả ngôi trường đều bị cuốn trôi.
Hiện nay đã có rất nhiều tổ chức thiện nguyện cùng trao tặng sách về các trường, đưa sách đến cho trò nghèo vùng sâu vùng xa, nhưng hoạt động vẫn còn rất manh mún, lẻ tẻ, phụ thuộc nhiều vào việc có được tài trợ hay không. Tôi tham vọng “làm ăn lớn”, 63 tỉnh, thành mình phải đi được hết, đến từng nơi để lấp đầy sách hay sách quý cho các thư viện trường. Nhưng muốn vậy, phải có được nguồn tài trợ từ các tập đoàn kinh tế để luôn chủ động kinh phí phân bổ sách đến tất cả các tỉnh, thành. Được vậy, văn hóa đọc sẽ phát triển rất nhanh.
* Xin cảm ơn bà!
Lục Diệp (thực hiện)