Thầy cô đi “học dạy”

21/06/2024 - 14:15

PNO - Ngày 20 và 21/6, hơn 150 giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) và các trường học lân cận đã tham gia lớp tập huấn “vận dụng các phương pháp tích cực để dạy học sinh phát triển năng lực” do tiến sĩ Trần Khánh Ngọc giảng dạy.

Tiến sĩ Trần Khánh Ngọc - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nghiệp vụ sư phạm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - là người sáng lập chương trình Dạy học tích cực được rất nhiều giáo viên trên cả nước biết đến.

Sau lời đề nghị “trong vòng 1 phút, các bạn hãy tìm lại người đã hẹn hò cùng mình ở cột mốc 3 giờ để chia sẻ về những phương pháp xử lý thông tin” của bà, lớp học lập tức sôi động. Thường ngày các giáo viên chỉ đứng yên trên bục giảng, nay lại tất bật chẳng khác gì học sinh đang tham gia hoạt động.

Lớp học sôi động với những hoạt động có một không hai
Lớp học sôi động với những hoạt động "có một không hai" - Ảnh: Trang Thư

Tiến sĩ Trần Khánh Ngọc đã giải đáp cho giáo viên những câu hỏi như: “Tại sao phải đổi mới phương pháp dạy học?”, “Đổi mới bắt nguồn từ đâu?”. Giáo viên được tìm hiểu rõ ràng từng phương pháp dạy học tích cực như chạm, phòng tranh, ổ bi… Nhưng thay vì chỉ nghe lý thuyết thì sẽ trực tiếp thực hành, từ đó hiểu rõ tính chất và mức độ tốn năng lượng của hoạt động.

Khi trở thành học sinh, cùng nhau tham gia hoạt động, giáo viên sẽ dần hình thành sự thông cảm, thấu hiểu. Từ đó có cách điều chỉnh phù hợp.

Giáo viên cũng phải miệt mài với những kiến thức mới - Ảnh: Trang Thư
Giáo viên cũng phải miệt mài với những kiến thức mới - Ảnh: Trang Thư

Từ trước đến nay, giáo viên có nhiều phương pháp dạy học khác nhau nhưng nhiều người không hiểu rõ bản chất của những phương pháp này là từ quy luật não bộ.

Cụ thể, não bộ có 6 quy luật: não có tính giới hạn nên phải “chống tràn”, nói chậm và có hình thức xử lý; khả năng xử lý thông tin sẽ tỉ lệ thuận với khả năng ghi nhớ, nếu thầy cô chỉ giảng thì học sinh không thể xử lý thông tin; giáo viên phải tạo tình huống có vấn đề để học sinh thấy có nhu cầu học; phải phát triển cân bằng giữa 2 bán cầu não để giúp học sinh ghi nhớ và học tập tốt hơn; não thích đi từ cái quen thuộc đến mới lạ nên giáo viên phải đi theo bản chất đó.

Cô Mai Loan - giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) - chia sẻ: “Thông qua lớp học, tôi hiểu biết thêm nhiều điều về các phương pháp dạy học tích cực. Ví dụ, bình thường chỉ cho học sinh vẽ sơ đồ tư duy theo nhóm, nhưng gọi trúng em nào thì em đó trình bày. Qua lớp học này, tôi biết thêm cách để từng nhóm trao đổi với nhau, hoặc mỗi bạn nói một phần. Đồng thời, giáo viên cần sắp xếp các hoạt động hợp lý để học sinh không bị mệt vì làm quá nhiều”.

Cùng nhau chia sẻ thành quả sau một ngày học miệt mài - Ảnh: Trang Thư
Cùng nhau chia sẻ thành quả sau một ngày học - Ảnh: Trang Thư

Tham gia lớp học, thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Mai - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phan Bội Châu (quận 6) - hy vọng mang được những điều mới mẻ về cho giáo viên của trường.

“Theo tôi, lớp học đã tạo cho giáo viên có thêm niềm tin, cũng như nhiều công cụ mới để có nhiều ý tưởng cho việc giảng dạy. Trước đây, tôi biết khi mình dạy nhiều thì học sinh sẽ quá tải nhưng chỉ nghĩ là do nội dung hoặc cách trình bày của mình không hay. Thực chất đó là quy luật của não bộ, khi hiểu được cái gốc, cái nguyên nhân của vấn đề thì mình dễ dàng thay đổi hơn” - bà nói.

Là giáo viên trẻ với 2 năm kinh nghiệm, thầy Xuân Đạt (Trường THPT Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn) bộc bạch: “Nhiều phương pháp dạy học được người khác làm rất hay, tôi cũng học theo nhưng khi làm thì không hiệu quả, học sinh không nhớ được gì. Vì vậy tôi lại bỏ cuộc và quay về phương pháp cũ. Nhưng sau khi học lớp này, tôi nhận ra do cách làm của mình sai chứ không phải phương pháp sai. Lớp học đã thật sự thay đổi nhận thức của tôi bằng hoạt động chứ không phải là những câu nói hàn lâm, khô khan”.

Trang Thư

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Tạ Duyên 24-06-2024 09:08:50

    Rất bổ ích

  • Đặng Trí Dũng 23-06-2024 19:17:25

    Cứ lên lớp thị phạm xem thế nào đã, hướng dẫn giáo viên khác xa với thực hiện trực tiếp trên lớp học; bởi kiến thức và ý thức học tập giáo viên cao hơn học sinh trên lớp học. Xin mời vị giảng viên này thị phạm 3 tiết học cụ thể trên lớp với học sinh phổ thông thực tế để đánh giá hiệu quả của những ý tưởng này.

    • Le Hong

      Đồng ý với bạn. Phải trực tiếp giảng dạy học sinh mới thấy thực tế nó khác xa lí thuyết như thế nào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI