|
Thầy Ngô Đăng Bính (Trường tiểu học Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đang phải dạy 28 tiết tin học/tuần ở 5 trường học - Ảnh: Khánh Thành |
1 giáo viên “ôm” 5 trường
Huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có 21 trường tiểu học với 339 lớp nhưng chỉ có 461 giáo viên (GV). Tỉ lệ GV đứng lớp chỉ đạt 1,36 GV/lớp so với mức tối thiểu là 1,5 GV/lớp. Với nhân lực như vậy, huyện chưa đủ GV dạy 2 buổi/ngày. Nếu điều động GV để đáp ứng dạy 2 buổi/ngày thì số tiết vượt định mức ước tính là hơn 61.000 tiết/năm.
Ở môn tin học, huyện cũng chỉ có 5 GV. Do vậy, Phòng GD-ĐT phải điều động cả 5 GV dạy liên trường để đáp ứng chương trình mới. Mỗi GV tin học “ôm” 4-5 trường cùng lúc. Có GV dạy ở 4 trường, nhưng phải di chuyển đến 6 nơi vì trường chính có thêm 2 điểm trường lẻ. Trung bình mỗi GV tin học phải dạy 27 tiết/tuần, vượt định mức 4 tiết/tuần.
Một cô giáo dạy tin học chia sẻ: “Có khi ra chơi, trong khi các GV khác có thời gian nghỉ ngơi thì chúng tôi phải vội soạn đồ dùng rồi chạy xe qua trường khác cho kịp giờ dạy. Nắng ráo thì không sao, nhiều hôm gặp mưa thực sự rất mệt”. Cô cho hay, cùng lúc phải dạy ở 5 trường, khoảng cách các trường lại xa nên chỉ riêng tiền xăng mỗi tháng đã “ngốn” hơn 1 triệu đồng. Cô chỉ mong huyện sớm tuyển thêm GV tin học.
Thầy Ngô Đăng Bính - dạy tin học ở Trường tiểu học Lộc Yên, huyện Hương Khê - kể các trường mà thầy được điều động dạy có khoảng cách rất xa, có khi cách nhau cả 20km. Đường đi khó khăn nên nhiều hôm thầy phải “chạy sô” rất cực để kịp giờ dạy. “Tôi dạy tại 5 trường với tổng cộng 28 tiết, chưa kể 18 tiết phụ trách 6 phòng máy. Dạy thừa tiết nhưng chúng tôi không thấy có thêm chế độ hay phụ cấp đi lại gì” - thầy băn khoăn.
Để đảm bảo quyền lợi GV, Phòng GD-ĐT huyện đã có tờ trình đề nghị UBND huyện Hương Khê cấp kinh phí giải quyết chế độ làm việc thừa giờ cho GV song đến nay chưa có kết quả. Ông Phan Quốc Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hương Khê - cho biết, mỗi trường tiểu học chỉ có khoảng 7 tiết tin học ở khối lớp Ba và lớp Bốn mỗi tuần. Vì thế, mỗi GV dạy 1 trường sẽ không đủ định mức, buộc phải dạy liên trường. “Hiện các GV dạy tin học chỉ thừa mỗi tuần 4 tiết. Chỉ là do địa bàn miền núi, các trường có khoảng cách xa nhau nên GV đi lại vất vả” - ông nói.
Chạy 2-3 xã dạy liên cấp, liên trường
Yên Bái là một trong những địa phương thiếu hàng ngàn GV, có những huyện gần như trắng GV tiếng Anh ở bậc tiểu học. 2 năm nay, ngành giáo dục phải tham mưu với tỉnh - chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, trường học điều động GV dạy liên trường, liên cấp; biệt phái hỗ trợ các trường thiếu GV; ưu tiên bố trí tối đa định mức giảng dạy…
Thầy Đặng Thanh Hải là GV tiếng Anh của Trường THCS thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Từ năm học trước, thầy Hải đã vượt hơn 150km, biệt phái lên huyện Mù Cang Chải - một trong những huyện đặc biệt khó khăn của cả nước. Biệt phái chính thức tại Trường tiểu học Púng Luông song thầy còn phải dạy ở cả Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học và THCS Dế Xu Phình. Thứ Hai đến thứ Năm, thầy chạy đi chạy lại giữa 2 trường, cách nhau gần 10km; thứ Sáu, thứ Bảy, thầy lại về Yên Bình dạy đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh.
Đặc biệt khó phải kể đến huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có 18 trường tiểu học nhưng chỉ có 1 GV tin học, 1 GV tiếng Anh. Cuối năm học trước, huyện tuyển thêm được 2 GV tiếng Anh, còn GV tin học vẫn chỉ có 1 người. Nên hầu hết GV tin học, tiếng Anh bậc THCS của huyện đều phải dạy liên trường, liên cấp để hỗ trợ bậc tiểu học.
Phòng GD-ĐT huyện này cho biết, GV dạy 2 môn tin học, ngoại ngữ - thực tế đã dạy quá định mức ở trường THCS, nhưng hầu hết trường tiểu học không có GV dạy 2 môn này nên các thầy cô vẫn phải hỗ trợ. Với môn tin học, thậm chí có GV THCS phải chạy 80km/tuần để dạy cả 3 trường tiểu học thuộc 3 xã khác nhau, với địa hình 100% là núi đồi hiểm trở.
Trường PTDTBT tiểu học Sủng Trà (huyện Mèo Vạc) có 3 điểm lẻ, khoảng 150 học sinh lớp Bốn, hơn 150 học sinh lớp Ba. Năm học trước, học sinh chủ yếu học tiếng Anh trực tuyến với sự hỗ trợ của GV từ đầu cầu Hà Nội, cùng sự trợ giảng của GV nhà trường. Phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc điều động cô giáo Nguyễn Thị Thu Lưỡng (Trường PTDTBT THCS Sủng Trà) dạy trực tiếp 1 tiết tiếng Anh/lớp/tuần cho học sinh lớp Ba Trường PTDTBT tiểu học Sủng Trà.
Năm học này, Trường PTDTBT tiểu học Sủng Trà vẫn được hỗ trợ dạy trực tuyến, mỗi lớp 3 tiết/tuần; nhưng số học sinh đã tăng gấp đôi, nên số tiết dạy liên trường của cô Thu Lưỡng cũng tăng theo. Hiện cô Thu Lưỡng vừa làm chủ nhiệm, vừa dạy tiếng Anh 5 lớp THCS, 4 lớp tiểu học. Số tiết dạy của cô đã vượt định mức đến 9-10 tiết/tuần.
Khó tuyển giáo viên
Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có 33 trường tiểu học nhưng cũng chỉ có 18 GV ngoại ngữ và 4 GV tin học. Đầu năm học, huyện thông báo tuyển 22 GV, song chỉ có 4 người nộp hồ sơ. Do vậy, Phòng GD-ĐT huyện đành phải điều động GV ngoại ngữ dạy liên trường, liên cấp học. Nhiều GV dạy ở các trường tiểu học được cho đi bồi dưỡng kiến thức tin học để về dạy cho học sinh.
Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều huyện vùng cao tại Nghệ An. Ông Phạm Viết Phúc - Quyền trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn - cho hay: “2 năm qua, không có GV ngoại ngữ về huyện này giảng dạy. Vừa rồi, chúng tôi tuyển 11 GV ngoại ngữ nhưng chỉ có 3 người nộp hồ sơ.
Riêng tin học thì chỉ có 1 hồ sơ. Vì là địa bàn miền núi, đường đi lại khó khăn nên các GV bộ môn này thường chọn công tác ở miền xuôi”.
Ông cũng cho rằng, kiến thức tin học cấp tiểu học chưa quá nặng nên những trường chưa có GV môn này sẽ cử GV môn khác có năng khiếu đi bồi dưỡng kiến thức tin học để về dạy học sinh. Vì đã được tập huấn, bồi dưỡng trước đó nên các GV dạy cũng tạm ổn. Nhà trường sẽ căn cứ làm sao để các GV này dạy đủ 23 tiết/tuần theo quy định. Nếu thừa giờ thì sẽ được tính thêm tiền.
Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng GD-ĐT TP Vinh - nêu giải pháp: “Trong lúc chờ đợi chỉ tiêu biên chế, các trường phải chủ động tìm phương án. Các hiệu trưởng có thể hợp đồng thỉnh giảng, hoặc kêu gọi GV dạy thêm giờ, trả thêm tiền cho GV. Hiệu trưởng nhà trường cũng sẽ căn cứ vào thực tế còn thiếu bao nhiêu tiết, môn nào, có thể 2 trường cùng ký hợp đồng thỉnh giảng với 1 GV”.
Ông Bùi Văn Thư - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc - cho biết, huyện có 160 lớp Ba và lớp Bốn phải học tiếng Anh. Huyện đã tuyển thêm được 7 GV tiếng Anh, song tất cả GV tiếng Anh, tin học bậc THCS đang phải dạy liên cấp, liên trường, từ 2-3 trường thuộc 2-3 xã khác nhau; cùng sự hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến từ Hà Nội thì áp lực thiếu GV mới vơi bớt phần nào.
Phan Ngọc - Uông Ngọc