Bảo lưu, chuyển trường vì tổn thương tâm lý
So sánh các tình huống sư phạm của hơn 10 năm trước với bây giờ, phó hiệu trưởng một trường THPT tại quận 6 chia sẻ, các tình huống sư phạm đang ngày càng... khác. Ngày càng nhiều học sinh rơi vào các bệnh lý liên quan đến cảm xúc như rối loạn nhân cách, cảm xúc không ổn định. Các em tự làm đau, làm tổn thương mình để vượt qua cảm xúc đó.
Khoảng 10 năm trước hoàn toàn không có chuyện phụ huynh xin bảo lưu kết quả học để điều trị tâm lý cho con, vì thời điểm đó đa số phụ huynh còn không tin bệnh tâm lý có tồn tại. Thời đó, ngay cả giáo viên cũng sẽ cho rằng trường hợp học sinh gặp vấn đề tâm lý, chấn thương tâm lý, trầm cảm là do các em lười học.
"Sau dịch COVID-19, số học sinh gặp các vấn đề về tâm lý càng nhiều hơn. Đa phần các em phải trải qua những biến cố lớn trong cuộc sống như mất đi người thân, chứng kiến những mất mát không ngờ tới, khiến các em bị ám ảnh, tổn thương tâm lý và sức khỏe sâu sắc. Thậm chí, có em không muốn đi học vì sợ... đi học về ba mẹ không còn nữa, phụ huynh phải làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập trong năm học này để điều trị tâm lý cho con"- bà nói.
|
Tình huống sư phạm đang mỗi ngày mỗi khác |
Trước các tình huống sư phạm mới, hiệu trưởng một THPT quận Gò Vấp nhìn nhận, cách cư xử của thầy cô có thể giúp học sinh vượt qua biến cố song cũng có thể khiến các em... "tổn thương thêm một lần nữa".
Bà nêu dẫn chứng: Có trường hợp, phụ huynh lớp 11 biết con trai mình đang gặp vấn đề về giới tính đã nhờ giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ với hy vọng tốt hơn cho con. Song, giáo viên lại đem chuyện của em ra kể trước lớp, làm ví dụ giáo dục giới tính trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Từ đó, em bị bạn bè trong lớp kỳ thị, trêu trọc, giáo viên cũng có cái nhìn thiếu thiện cảm với em. Không chịu được cảm giác này, em nhất quyết đòi chuyển trường, nếu không sẽ nghỉ học.
"Rõ ràng nếu giáo viên không có cái nhìn bao dung, thiện cảm, thấu hiểu trước những câu chuyện rất mới mà học sinh mình gặp phải thì không thể nào chia sẻ được với các em, thậm chí chính thầy cô sẽ làm tổn thương thêm các em, khiến em rơi vào trầm cảm, sợ hãi khi đến trường" - hiệu trưởng này khẳng định.
Nâng đỡ tinh thần học sinh là điều thầy cô có thể làm
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện TPHCM) khẳng định, hiện nay học sinh có rất nhiều khó khăn về tâm lý, cần giáo viên nhìn nhận và ứng xử đúng đắn. Mỗi giáo viên cần phải có nhạy cảm với học sinh, nhất là lứa tuổi cấp THCS. Trong khi đó, khi tiếp nhận vấn đề của học sinh, nhiều giáo viên lựa chọn nói với phụ huynh hoặc bạn bè, trước khi nói chuyện với các em, khi chưa có sự đồng ý của các em. Điều này sẽ gây tổn thương các em nhiều hơn.
Bà khuyên rằng, giáo viên cần lưu tâm 3 bước để ứng xử trước những tình huống sư phạm là các tổn thương tâm lý của học trò: Đầu tiên phải tìm hiểu nguyên nhân đầy đủ; trò chuyện riêng tư với học sinh để hiểu mong muốn của trẻ; đề xuất hướng đi, hướng giải quyết phù hợp với trẻ. Trong cả 3 bước, quan trọng nhất là thái độ, cách hành xử của giáo viên với học sinh, chúng ta đã tôn trọng học trò chưa, đã chấp nhận vấn đề của học trò và tìm cách cùng các em tháo gỡ chưa...
|
Lắng nghe, nâng đỡ tinh thần học sinh là điều thầy cô có thể làm trong tầm tay |
"Bất kỳ tổn thương tâm lý nào ở học sinh thì sự lắng nghe của thầy cô hết sức quan trọng. Nếu học sinh chưa muốn công khai với bạn bè, ba mẹ về vấn đề giới tính thì trước hết thầy cô phải làm cho trẻ cảm thấy được đồng cảm, yêu thương, không kỳ thị, giúp các em tự tin và hiểu mình hơn, thậm chí là bao dung với sự kỳ thị. Không phải vấn đề nào của học trò giáo viên đều có thể giải quyết được. Nhưng sự nâng đỡ tinh thần là điều thầy cô luôn có thể làm trong tầm tay. Chỉ riêng việc thầy cô lắng nghe, trò chuyện cùng các em cũng đã là cơ hội giúp chữa lành tổn thương ở các em. Chính cách hành xử, ứng xử của giáo viên mới là yếu tố quyết định đến tâm trạng của học sinh" - tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhấn mạnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Diễm (Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế) chia sẻ, nhiều trường rất sợ vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh vì nghĩ rằng các em mắc bệnh nhưng chỉ khi các triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng thì mới có hướng để chuẩn đoán ra thành bệnh. Với vấn đề sức khỏe tâm thần học đường, nhà trường không phải là đơn vị điều trị, chuẩn đoán mà chỉ hỗ trợ phát hiện dấu hiệu để tư vấn phụ huynh có hướng hỗ trợ đúng cho các em.
Bà cho biết, các dấu hiệu phổ biến nhất về vấn đề tâm thần lứa tuổi học đường là học sinh thay đổi tâm trạng, như buồn bã, thu mình hoặc cảm xúc mãnh liệt như sợ hãi bao trùm, tức giận bộc phát, lo lắng tột độ; thay đổi hành vi, khó tập trung, làm giảm hiệu suất học tập ở trường, tự ý bỏ học; giảm cân không rõ nguyên nhân, các triệu chứng về thể chất như thường xuyên đau đầu, đau bụng; tự gây thương tích; lạm dụng chất kích thích...
"Môi trường học đường vô cùng quan trọng giúp phát hiện sớm dấu hiệu học sinh gặp vấn đề sức khỏe tâm thần để hỗ trợ các em. Chỉ có thầy cô, gia đình, bạn bè mới có thể phát hiện ra những dấu hiện trên và giúp các em vượt qua được" - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Diễm nhắn nhủ.
Quốc Trung