"Thầy cãi" miễn phí cho dân nghèo

31/12/2015 - 06:53

PNO - “Đừng tưởng mình làm miễn phí thì họ sẵn sàng nhờ đến mình. Cái họ cần là hiệu quả chứ không phải miễn phí..."

Đoàn LS TP.HCM, Trưởng văn phòng LS Hà Hải và cộng sự) là “thầy cãi” miễn phí cho dân Tôi gọi luật sư (LS) Hà Hải nghèo, bởi suốt 16 năm hành nghề, tên tuổi ông luôn gắn liền với số phận của những người dân nghèo.

Ông không hề thu một đồng nào khi nhận bảo vệ quyền lợi cho họ, có khi còn tự móc tiền túi để chi phí cho vụ kiện. Dù miễn phí trọn gói nhưng ông luôn đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu với tâm niệm “đã nhận thì phải làm hết mình, hết việc”.

Luật sư Hà Hải (phải) trò chuyện với ông Nguyễn Vũ Tú, Đại sứ Việt Nam tại Philippines năm 2011 trong chuyến sang hỗ trợ ngư dân

Không thể kể hết số vụ án được LS Hà Hải hỗ trợ pháp luật miễn phí, chỉ biết trong đó có không ít những vụ “đình đám”. Cụ thể như vụ năm triệu yên Nhật của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, “tỷ phú ve chai”; vụ chìm ca nô ở Cần Giờ; vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn; những vụ bảo vệ quyền lợi cho gia đình các cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài bị sát hại... Từ ngày thành lập văn phòng LS đến nay, trung bình cứ một trăm vụ kiện ông nhận bảo vệ, đã có đến 60 vụ là miễn phí.

Ông tâm sự, từ khi còn đi học, ông đã xác định làm được những điều có ích cho người dân. Vì lẽ đó, từ một cử nhân Anh văn, thông thạo tiếng Hoa, bao cơ hội việc làm mở ra khi ra trường, nhưng ông Hải vẫn bỏ ngang, tiếp tục theo học một ngành nghề phù hợp với tâm nguyện và nhiệt huyết của mình.

Là một LS giàu kinh nghiệm nhưng không ít lần ông đã phải ray rứt vì lực bất tòng tâm. Nhiều vụ ông phải “bó tay” vì không có công cụ pháp lý để bảo vệ nạn nhân. Chiếm phần lớn các vụ án dạng này là những vụ ly hôn mang yếu tố nước ngoài, do luật pháp mỗi nước mỗi khác, nhiều quy định tréo ngoe không thực hiện được, khiến không ít cô dâu Việt đành chịu “mất” con sau khi ly hôn trở về nước.

“Biết là khó nhưng khi gặp những trường hợp này tôi vẫn theo đuổi và đấu tranh đến cùng. Rối đến đâu gỡ đến đó!” - ông chia sẻ. Cũng với những vụ án có yếu tố nước ngoài, việc hỗ trợ pháp lý thường rất tốn kém nhưng ông chưa bao giờ từ chối, thậm chí khi đọc được thông tin trên báo, ông còn tự tìm đến nạn nhân để giúp đỡ.

Ông tâm sự: “Đừng tưởng mình làm miễn phí thì họ sẵn sàng nhờ đến mình. Cái họ cần là hiệu quả chứ không phải miễn phí, bởi nhiều người sẵn sàng bán cả ruộng vườn để đeo đuổi vụ kiện. Vì vậy, cái mình cần làm là thuyết phục, là tạo được niềm tin cho họ”.

Luật sư Hà Hải trò chuyện với các ngư dân Việt Nam tại Philippines

Cuối tháng 5/2011, bảy tàu cá của tỉnh Bình Thuận và 122 ngư dân bị hải quân Philippines bắt và tạm giam tại tỉnh Palawan. Suốt ba tháng trời, gia đình họ từng ngày đau đáu chờ trông, cầu mong họ bình an trở về.

Biết thông tin này qua báo chí, không chút chần chừ, ông điện thoại đến một tòa soạn báo, đề nghị làm cầu nối để ông bảo vệ quyền lợi miễn phí cho các ngư dân. Ngay hôm ấy, ông nhận được điện thoại phản hồi từ đại diện đơn vị thuê tàu cá và ngư dân, rồi nhanh chóng lên xe tìm đến nhà của các ngư dân tận huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ mình không thể chậm trễ thêm nữa vì họ đã bị tạm giam lâu quá rồi. Họ chỉ là nạn nhân nên không đáng bị tạm giam, dù chỉ một ngày”. Ròng rã hơn tháng trời, LS Hà Hải đến từng nhà ngư dân thuyết phục, nhờ vả khắp nơi để lấy chữ ký của 122 ngư dân đang bị tạm giữ tại Philippines, một việc tưởng chừng không thể.

Hoàn tất hồ sơ, ông lên đường sang Philippines. Đó là lần đầu tiên những ngư dân này có “người nhà” đến thăm sau hơn ba tháng bị giam giữ. Họ ôm chầm lấy ông, tiếng khóc tiếng cười hòa lẫn vào nhau giữa những người chỉ mới gặp nhau lần đầu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI