'Thầy Ba Đợi' - Một góc nhìn khác về cải lương và nghệ sĩ cải lương

02/05/2018 - 14:13

PNO - Người nghệ sĩ Việt Nam dù ở thời đại, hoàn cảnh nào cũng không bao giờ bàng quan trước vận mệnh dân tộc. Và sân khấu cải lương không đứng ngoài cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Tối 1/5 suất diễn thứ ba của vở Thầy Ba Đợi đã khép lại công trình đầu tiên chào mừng kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương của nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc.  

Một phần cuộc đời của vị nhạc quan Nguyễn Quang Đại được kể lại khá chi tiết từ khi vua Hàm Nghi được đưa xuống tàu tại Huế, nhạc quan Nguyễn Quang Đại vốn là một chí sĩ của phong trào Cần Vương cũng lưu lạc vào Nam. Bắt đầu truyền dạy nhạc lễ ở Đa Kao, sau đó ông về Cần Đước – Cần Giuộc (Long An) tiếp tục dạy nhạc và có nhiều đóng góp cho việc gây dựng và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.

'Thay Ba Doi'  -  Mot goc nhin khac ve cai luong va nghe si cai luong
Thầy Ba Đợi - nhạc sư Nguyễn Quang Đại những ngày ở Cần Giuộc do NSƯT Lê Tứ thể hiện

Dấu ấn đầu tiên của Thầy Ba Đợi là nỗ lực của cả ê-kíp sáng tạo và nghệ sĩ, nhạc công… ở cả hai miền Nam - Bắc. Khoảng 60 nghệ sĩ (NS) đứng chung trong một vở diễn với khát vọng lớn nhất là cùng chung tay đóng góp cho một dự án nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, mà gần như không màng đến vai chính, vai phụ, xuất hiện trên sân khấu nhiều hay ít trong 180 phút.

Hẳn những người thực hiện Thầy Ba Đợi phải có quyết tâm rất cao cho dự án này bởi toàn bộ kinh phí đều có được từ nguồn xã hội hoá. Đúng chất của vở cải lương hướng đến sự kiện quan trọng của giới làm nghề, Thầy Ba Đợi được đầu tư chỉn chu, nghiêm túc từ kịch bản, phục trang, thiết kế sân khấu đến việc tập luyện của các NS, diễn viên.

Những e dè về sự khác biệt trong cách ca, phong cách biểu diễn của NS hai miền đã được “giải toả”. Cùng với khả năng ứng biến và thích nghi với bạn diễn của các NS, cách xử lý khéo léo của đạo diễn trong dàn dựng vừa giúp kéo gần khoảng cách, vừa đảm bảo tính chân thực về “nhân thân” của các nhân vật.

'Thay Ba Doi'  -  Mot goc nhin khac ve cai luong va nghe si cai luong
NS hai miền cùng hoà quyện trong công trình Kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương

NSND Vương Hà và NS Quang Khải – hai gương mặt NS nổi tiếng của cải lương miền Bắc đều phải luyện thêm giọng Huế để hoá thân vào nhân vật (NSND Vương Hà vào vai Công Tằng Tôn Nữ Thị Phượng, NS Quang Khải đảm nhận vai nhạc quan Nguyễn Quang Đại giai đoạn ở Huế và thời gian đầu khi mới vào miền Nam). Có thể một số khán giả chưa thật ưng ý với sự chọn lựa này, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực của các NS để đáp ứng yêu cầu của đạo diễn.

Đều có khả năng ca diễn bằng giọng Nam nên NSƯT Thu Trang (vai Cải, học trò của Thầy Ba Đợi ở Cần Đước) và Nguyễn Văn Đáng (công tử Nguyễn Danh Nam) gần như không gặp khó khăn gì khi ca diễn cùng các đồng nghiệp miền Nam.

Với “vốn liếng” tư liệu ít ỏi về nhạc sư Nguyễn Quang Đại, nhưng kịch bản Thầy Ba Đợi vẫn khá đầy đặn từ bối cảnh lịch sử của đất nước đến số phận, nỗi khắc khoải của người dân Việt trong bối cảnh đó. Tuy nhiên, hình ảnh nhạc sư Nguyễn Quang Đại ở Thầy Ba Đợi gần như vẫn chỉ đọng lại trong tâm trí người xem như một chí sĩ yêu nước hơn là người có nhiều đóng góp cho nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương Việt Nam, như kỳ vọng.

'Thay Ba Doi'  -  Mot goc nhin khac ve cai luong va nghe si cai luong
Dù chỉ là phần hư cấu nhưng câu chuyện tình yêu giữa nhạc sư Nguyễn Quang Đại và tiểu thơ Ái Hoa lại được khai thác khá đậm nét ở Thầy Ba Đợi

Bên cạnh đó, không gian sân khấu, chất liệu âm nhạc… dường như vẫn thiếu chất “sông nước miền Tây”, điều khán giả ngỡ sẽ đong đầy ở vở diễn về đề tài cải lương Nam bộ.  

Dù ở góc nhìn nào thì vẫn không thể phủ nhận Thầy Ba Đợi là một công trình nghệ thuật nghiêm túc. Dẫu hình ảnh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại với những đóng góp cho cải lương vẫn chưa được như những gì khán giả từng biết ít nhiều về ông kỳ vọng, nhưng Thầy Ba Đợi vẫn là một bức tranh đẹp về hình ảnh của một chí sĩ yêu nước vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Vở diễn cũng là một góc nhìn khác về sân khấu và những người làm cải lương từ cách đây hơn 100 năm: người nghệ sĩ Việt Nam dù ở thời đại nào, hoàn cảnh nào cũng không bao giờ bàng quan trước vận mệnh dân tộc. Và sân khấu cải lương không đứng ngoài cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Đáng nói hơn, đây là công trình do những nghệ sĩ miền Bắc khởi xướng và có sự chuẩn bị từ cách đây khoảng hai năm, hướng đến Kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Trong khi đó, ở TP.HCM nơi được xem là “chiếc nôi” của nghệ thuật cải lương, mãi cho đến tháng 4/2018, mọi kế hoạch cho 100 năm sân khấu cải lương vẫn mới chỉ là những dự kiến.

'Thay Ba Doi'  -  Mot goc nhin khac ve cai luong va nghe si cai luong
Người nghệ sĩ Việt Nam không bao giờ bàng quan trước vận mệnh dân tộc

Được biết, ngoài vở diễn Thầy Ba Đợi hướng đến tôn vinh nhạc sư Nguyễn Quang Đại, ê-kíp thực hiện dự án này cũng đã quyên góp được 1,8 tỷ đồng để tôn tạo di tích Đình Vạn Phước (huyện Cần Đước - Long An), nơi đặt bài vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại.

         Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI