Thấu hiểu, yêu thương để hàn gắn thế giới

20/01/2020 - 14:00

PNO - Xung đột, mâu thuẫn và bạo lực dấy lên nỗi lo sợ chính là một phần thực tại mà toàn cầu đang đối diện.

Nhưng khi thế giới nhắc đến những điều trên với những dự đoán về viễn cảnh chẳng mấy tích cực thì đâu đó vẫn có những nỗ lực hàn gắn với sự thấu hiểu, yêu thương. 

“Chúng em đều thích mê những con vật nuôi như chó, mèo. Chúng em thích mùa đông hơn mùa hè vì những ngày lạnh giá, em và các bạn đều muốn cuộn tròn trong chăn mà ngủ nướng”. Cô bé người Úc 11 tuổi Ekteena đã chia sẻ như thế khi được hỏi về cảm giác của em khi có mặt trong lớp học đặc biệt tìm hiểu, giao lưu giữa thế giới Hồi giáo và Do Thái giáo. 

Những học sinh có mặt trong chương trình “Museums Together” (do Bảo tàng Hồi giáo và Bảo tàng Do Thái giáo của Úc đồng tổ chức) sau từng buổi học dần nhận ra rằng các em chẳng có gì khác biệt ngoài niềm tin tôn giáo. Các em có nhiều sở thích giống nhau, có những thói quen chẳng quá khác biệt và hơn cả là có một tình yêu, niềm hy vọng vào hòa bình cho thế giới này.

Những học sinh từ Trường King David và Trường Sirius là nhóm học sinh đầu tiên có mặt trong chương trình. Dự kiến, chương trình trên sẽ được hai bảo tàng nhân rộng trên toàn lãnh thổ nước Úc với hy vọng gieo tinh thần hàn gắn vì tương lai tươi sáng hơn. 

Trong chương trình, học sinh được tìm hiểu về tiếng Do Thái và tiếng Ả rập, học các mẫu tự và cách viết tên mình bằng ngôn ngữ hoàn toàn mới. Vô vàn điều khác biệt suốt chiều dài lịch sử của hai khu vực phân định bởi hai ngôn ngữ được giới thiệu đến các em. Tiếp nối sau đó là vô vàn tiếng “ồ”, “à”, nụ cười thích thú cũng như ánh mắt tò mò của những đứa trẻ phá vỡ những định kiến cũ kỹ.

Nữ sinh Hannah của Trường King David chia sẻ: “Chúng em có mặt cùng nhau trong không gian cởi mở, học về một nền văn hóa khác lạ với những gì mình từng nghĩ rằng mình hiểu nhưng thực chất chẳng tường tận chút nào. Những gì học được giúp em và bạn bè của mình xóa bỏ bớt những định kiến bấy lâu, mở ra góc nhìn thấu hiểu hơn”. 

Bà Sherene Hassan, Giám đốc Giáo dục tại Bảo tàng Hồi giáo nước Úc, cho rằng việc cung cấp những bài học đa dạng màu sắc văn hóa vô cùng cần thiết. Bà chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong bầu không khí của nỗi sợ hãi, của những hiểu lầm. Khi nghĩ đến Hồi giáo, phần lớn chúng ta nghĩ ngay đến lực lượng khủng bố Al Qaeda hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Họ thật ra không đại diện cho thế giới Hồi giáo. Cách duy nhất để chúng ta có thể sống tốt hơn là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trên tinh thần xây dựng. Việc học tập thông qua tương tác trực tiếp hiệu quả rất nhiều so với việc chỉ đọc thông tin từ sách vở”. 

Với bà Cayleigh Abel, Giám đốc Giáo dục Bảo tàng Do Thái giáo nước Úc, chương trình cho các em cơ hội trải nghiệm ở cả hai vị trí tưởng chừng chẳng thể tìm được tiếng nói chung. 

Bà Cayleigh Abel gọi đây là cách giáo dục khuyến khích sự cam kết, khuyến khích người trẻ đưa ra những câu hỏi mở, từ đó hướng đến cách giải quyết vấn đề sáng tạo hơn, đồng thời dạy các em ý nghĩa của việc lắng nghe một cách chủ động.

Theo bà Cayleigh Abel, triết lý nhân văn mà chương trình muốn gửi gắm đến học sinh là: “Thông qua chương trình, các em nhận ra mỗi người chúng ta có những nhu cầu, tâm tư giống nhau nhất định dù đến từ nền văn hóa nào. Từ đó, mỗi em xây dựng trong mình lòng thấu cảm để chấp nhận một góc khác biệt nào đó ở người đối diện, để rồi đích đến cuối cùng là chúng ta có thể cùng chung sống với nhau”. 

Anh Thông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI