Thấu hiểu để thương mẹ

06/09/2023 - 06:16

PNO - Khi anh tôi được thăng chức, anh nhất quyết muốn mẹ nghỉ bán hàng, vì không muốn mọi người bàn tán “con không nuôi nổi mẹ, để mẹ vất vả nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ ở chợ”.

 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Mẹ tôi năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Mẹ có một quầy tạp hóa ở chợ huyện đã mấy chục năm. Chúng tôi lớn lên nhờ những đồng tiền góp nhặt từ quầy hàng nhỏ của mẹ. Đến nay, con cái đều thành đạt, mẹ vẫn tiếp tục bán hàng.

Khi anh tôi được thăng chức, anh nhất quyết muốn mẹ nghỉ bán hàng, vì không muốn mọi người bàn tán “con không nuôi nổi mẹ, để mẹ vất vả nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ ở chợ”. Chúng tôi cũng muốn mẹ nghỉ ngơi. Nhưng nghỉ được vài ngày, mẹ lại ra chợ bán tiếp. Hàng hóa mẹ bán cũng chỉ mấy thứ gia vị, mì tôm, bánh kẹo, ít rau củ tươi từ vườn nhà, thêm ít dưa muối tự làm. 

Việc bán hàng của mẹ đang dùng dằng chưa giải quyết được thì mẹ bị té, phải ở nhà. Anh Hai âm thầm thanh lý hàng hóa, sang quầy cho người khác. Sau hơn 2 tháng dưỡng bệnh, đi lại được là mẹ sửa soạn ra chợ. Chị dâu kể, mẹ trở về buồn thiu khi thấy quầy hàng của mình đã có chủ mới.

Bữa đó, mẹ giận đến mức không ăn cơm, cả ngày im lặng. Biết mẹ vốn là người làm luôn chân luôn tay, giờ quanh quẩn ở nhà chắc mẹ sẽ không quen, nhưng chúng tôi đều nghĩ một thời gian sẽ ổn. Tôi gợi ý mẹ đăng ký vào câu lạc bộ dưỡng sinh, tập bóng chuyền hơi cùng các bác hàng xóm. Nhưng mẹ đi được vài bữa lại nghỉ ở nhà vì thấy không hợp.

Sau gần 1 tháng nghỉ bán, mẹ bệnh liệt giường. Đưa mẹ đi khám, bác sĩ bảo mẹ chỉ bệnh người già, huyết áp cao chứ không có gì nghiêm trọng, có lẽ mệt mỏi vì tinh thần không thoải mái. 

Anh em tôi lại phải họp gia đình để tìm cách tháo gỡ. Mọi người đều đồng ý rằng việc buộc mẹ nghỉ bán là sai, do chúng tôi chưa hiểu hết tâm tư nguyện vọng của mẹ đã vội quyết định. Người già có những suy nghĩ mà các con có lẽ không thấu hiểu được.

Khi anh tôi nhận lỗi, hỏi mẹ muốn sao thì mẹ bảo: “Việc bán hàng đem lại cho mẹ niềm vui, dù tiền lời chẳng bao nhiêu, nhưng quầy hàng là tâm huyết cả đời của mẹ”. Mẹ kể, từ ngày còn buôn gánh bán bưng, mẹ đã mơ ước có một cửa hàng nhỏ để làm ăn ổn định. Để thuê được một chỗ bán trong chợ, mẹ đã phải nỗ lực rất nhiều, từ đó mới có tiền để nuôi con.

Ngoài sự gắn bó thì việc bán hàng giúp mẹ nhanh nhẹn, linh hoạt hơn, cải thiện trí nhớ của tuổi già khi được giao tiếp với mọi người. Mẹ đã quen với nếp sống, sáng sớm ra mở hàng, đến trưa cùng ăn cơm với mọi người ở chợ, đến chiều muộn thì dọn dẹp đóng cửa về nhà. Mẹ thấy mình vui khỏe và sống có ích khi được làm công việc mình thích.

Anh tôi sửa sai bằng cách dựng một tiệm tạp hóa nhỏ ngay tại nhà để mẹ buôn bán trở lại. Mẹ vui lắm, dù phải xa khu chợ đã gắn bó lâu năm. Chúng tôi cứ xem công việc buôn bán của mẹ là cực khổ, vất vả, nhưng với mẹ đó lại là niềm vui tuổi già.

Ngày mẹ mở hàng trở lại, anh em tôi nói đùa: “Giờ mẹ có thể bán hàng thoải mái đến khi nào không bán được thì thôi”. Mẹ cười tươi mãn nguyện. 

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI