Chị Mẫn Thị Thu Hường - nhà tư vấn về phát triển sự nghiệp và tiềm năng cá nhân với nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quản lý và phát triển nhân tài tại các công ty đa quốc gia - đã chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM.
|
Chị Mẫn Thị Thu Hường chia sẻ những kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường quốc tế tại Trường cao đẳng CTIM (2023) |
Phóng viên: Những người cần hỗ trợ trong định hướng và phát triển sự nghiệp thường gặp khó khăn gì, thưa chị?
Chị Mẫn Thị Thu Hường: Phần lớn họ vướng ở câu hỏi “đi hay ở” và làm sao để phát triển hơn trong sự nghiệp. “Đi hay ở” bao gồm quyết định đổi việc hoặc đổi nghề.
Họ thấy mình không còn động lực trong công việc hiện tại, nghĩ rằng mình có thể phù hợp với một công việc khác. Họ muốn một hướng đi mới nhưng chưa biết nên làm thế nào hoặc đã xác định một số nguyện vọng nhưng lo lắng tình hình kinh tế hiện tại không tốt nên sợ ra quyết định sai, có ít cơ hội chuyển đổi tốt hoặc phải làm lại từ đầu, trong khi tiếp tục công việc hiện tại thì không thấy vui.
Người khác lại chưa biết cách để tận dụng tốt các kỹ năng hiện có để tăng khả năng tìm được hướng đi mới.
Không ít người mệt mỏi và nhụt chí khi chịu áp lực đồng trang lứa hay so sánh mình với người khác.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
* Làm thế nào để duy trì động lực và sự bền bỉ trong công việc?
- Trong cuốn sách nổi tiếng Thói quen nguyên tử, tác giả James Clear đã trình bày một mô hình vòng lặp tạo thói quen mới. Một thói quen sẽ được thiết lập qua 4 bước: gây kích thích để dễ dàng bắt đầu, thực hiện hành động của thói quen mới, tưởng thưởng khi hoàn thành thói quen, và ghi nhớ để lặp lại. Ở bước đầu tiên, những tác nhân gây kích thích phải phù hợp và không quá khác biệt với nếp sống đang có.
Nếu nhìn nhận quá trình làm việc hăng say như một thói quen, chúng ta sẽ thấy mô hình vòng lặp tạo thói quen mới hoàn toàn có thể áp dụng trong công việc. Đó là: bắt đầu một công việc mới có sự kích thích, ví dụ như khi nhận một công việc mới với thu nhập cao hơn, môi trường làm việc mới, cơ hội học hỏi nhiều hơn…; nỗ lực làm việc và có thành tựu, được ghi nhận hoặc khen thưởng; tiếp tục hành vi tốt đã được ghi nhận; và duy trì động lực trong công việc.
Có 2 yếu tố để đảm bảo vòng lặp này diễn ra liên tục. Đầu tiên, yếu tố kích thích phải không quá khác biệt với giá trị cốt lõi của bản thân. Điều này có thể lý giải vì sao một số trường hợp người đi làm có công việc ổn định, thu nhập cao, phấn khích tại thời điểm ban đầu nhưng ngày càng bị stress.
Chẳng hạn có bạn coi trọng việc học tập suốt đời và phát triển bản thân nhưng lại làm ở một nơi đề cao sự ổn định và kinh nghiệm có sẵn hơn là những tư duy và trải nghiệm mới. Bạn khác đặt gia đình lên hàng đầu nhưng công việc lại yêu cầu bôn ba khắp nơi nên không còn thời gian để nhìn thấy con trưởng thành qua năm tháng.
Áp lực có thành tựu khiến chúng ta cứ phải đuổi theo sự công nhận, những đòi hỏi ngày càng cao, mà khi bản thân lỡ làm không tốt, phạm sai lầm… thì dễ bị thất vọng, tự dằn vặt, chán nản và dễ buông. Vì vậy, yếu tố thứ hai là lòng tự trắc ẩn, hay là sự tự cảm thông với chính mình, giúp chúng ta hiểu việc chấp nhận mình làm không tốt 1 lần không có nghĩa là mình luôn thất bại rồi không dám thử lại lần nữa; chấp nhận là ai cũng có khuyết điểm và mình cũng vậy.
|
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto |
* Nên nuôi dưỡng lòng trắc ẩn dành cho bản thân như thế nào?
- Đặt ra mục tiêu hợp lý, cân nhắc trước khi hứa và lên kế hoạch phù hợp với nguồn lực. Ép mình vào những điều quá sức trong thời gian dài cũng gây ra áp lực và cảm giác thất bại nếu mình thường xuyên không hoàn thành được chúng.
Tập nhận diện và gọi đúng tên cảm xúc của mình. Ví dụ khi bị khiển trách, mình có thể có nhiều cảm xúc đan xen như tức giận, bực bội, buồn, xấu hổ, lo lắng… Nhận diện được rồi thì chấp nhận cảm xúc “cần” được xuất hiện lúc đó chứ không phải gạt bỏ đi. Mình sẽ cần tĩnh lại để suy nghĩ sáng suốt về hành động cần phải làm.
Cố gắng tạo không gian và thời gian tĩnh lặng cho bản thân: 15 phút trong giờ nghỉ trưa, trước khi bước vào lớp yoga cuối ngày hoặc là sáng sớm tại văn phòng khi chưa có ai… Kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ và nghỉ ngơi khi cảm thấy quá sức.
Lòng tự trắc ẩn sẽ giúp mỗi người ghi nhớ giá trị cốt lõi mà họ đang có, thay vì khắt khe với những điểm bất toàn của bản thân và so sánh với người khác. Khi đó, chúng ta sẽ có sự bình tâm để nhìn ra những điều cần cải thiện, không ép buộc mình phải đi con đường do ai khác vạch ra mà tỉnh táo chọn điều phù hợp nhất cho riêng mình.
* Có nên lựa chọn “career break” (khoảng nghỉ giữa sự nghiệp) như một cách để tìm lại chính mình và đam mê?
- Khi mệt quá thì nên nghỉ ngơi. Khoảng nghỉ là để tái tạo năng lượng, có thời gian trau dồi thêm các kỹ năng khác. Nhưng nếu không có mục tiêu cụ thể hay nguyện vọng gì sau khi hết quãng thời gian này, bạn có thể càng trở nên hoang mang hơn.
Nếu bạn thấy quãng nghỉ này là cần thiết, hãy tự trả lời các câu hỏi: Bạn dự định trải qua quãng nghỉ này như thế nào? Bạn mong đợi điều gì? Bạn dự định nghỉ trong bao lâu? Bạn cần làm gì để tháo gỡ các vướng mắc của mình? Bạn đã sắp xếp các việc liên quan đến gia đình như thế nào? Bạn có cần thêm một bằng cấp hoặc chứng chỉ nghề nghiệp nào không? Bạn đã tích lũy đủ chưa hoặc có các thu nhập khác trong giai đoạn này không?
Hãy chuẩn bị tinh thần để thích ứng, có kế hoạch hành động cụ thể và bám sát những mục tiêu đặt ra.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
* Chị nhận định ra sao về tính “ổn định” trong công việc?
- Đi làm ở công ty được xem là ổn định, vì thu nhập đều đặn. Cơ hội học hỏi, cọ xát ở công ty cũng nhiều nên khả năng tìm được những việc tiếp theo sẽ được đảm bảo hơn.
Công nghệ ngày càng phát triển, góc nhìn của người sử dụng lao động và người lao động cũng dần thay đổi. Nhiều loại hình lao động như làm tự do (freelancer), làm bán thời gian, hợp đồng thời vụ, kinh doanh độc lập (solopreneur)… ngày càng nở rộ. Các công ty có nhiều lựa chọn hơn là thuê lao động toàn thời gian.
Cơ hội học tập từ công việc từng được xem là phúc lợi riêng của người làm công ty nay đã mở rộng cho những người làm tự do như học trực tuyến, tự học, học thông qua các chuyên gia… Vì vậy, việc ký hợp đồng toàn thời gian không còn là thẻ đảm bảo cho sự ổn định trong thời gian dài, vì sự cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ ngày càng lớn hơn.
* Trong “Báo cáo việc làm tương lai 2023” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) với tốp 10 kỹ năng việc làm quan trọng tính đến năm 2027, nhóm kỹ năng về tư duy nhận thức và quản lý bản thân hiệu quả chiếm phần lớn. Chị có suy nghĩ gì về điều này?
- Các tư duy nhận thức bao gồm tư duy sáng tạo và tư duy phân tích. Các kỹ năng quản lý bản thân hiệu quả bao gồm sự tò mò, khả năng học tập trọn đời, sự kiên cường, tính linh hoạt, sự nhanh nhẹn, khả năng động viên và tự nhận thức.
Khả năng làm việc độc lập được đề cao, bao gồm khả năng tương tác với các công cụ hỗ trợ ngày càng nhiều như AI.
Kỹ năng quản lý bản thân hiệu quả cũng liên quan mật thiết đến việc xây dựng động lực và nội lực trong công việc. Với sự tự nhận thức, chúng ta hiểu được mình, hiểu được sự tương tác của mình với xung quanh, biết được những khó khăn, thử thách mà mình đang trải qua, từ đó có sự chuẩn bị và tự động viên được bản thân.
* Xin cảm ơn chị.
Chị Mẫn Thị Thu Hường tốt nghiệp cử nhân Đông phương học (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) và cử nhân luật (Trường đại học Luật TPHCM). Chị là đồng sáng lập, phụ trách chuyên môn dịch vụ giáo dục MOJO và chuyên định hướng nghề nghiệp sớm; chuyên gia tư vấn độc lập (solopreneur) về phát triển sự nghiệp và tiềm năng cá nhân; đồng sáng lập Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch TropiAd; thành viên Hiệp hội Phát triển nghề nghiệp châu Á Thái Bình Dương (APCDA). |
Phương Thy (thực hiện)