Thấu cảm quan trọng hơn lời xin lỗi

19/08/2017 - 17:11

PNO - Người lớn luôn dạy con phải nói ra câu xin lỗi, dù không phải lúc nào câu xin lỗi cũng có nghĩa là xin lỗi. Lời xin lỗi có khi còn phản tác dụng.

Người lớn luôn chờ đợi trẻ nói lời xin lỗi, như một cách xác nhận sai lầm và hứa hẹn con sẽ không lặp lại nữa, mà không hiểu trẻ có những cách xin lỗi riêng, đôi khi không nhất thiết phải nói ra bằng lời. 

Thau cam quan trong hon loi xin loi
Hãy khuyến khích trẻ biết thấu cảm với những người xung quanh

Trẻ vốn có khả năng tuyệt vời để thấu cảm một cách thật tự nhiên, mà không phải người lớn nào cũng hiểu được thế giới của trẻ. Quan sát những đứa trẻ chơi đùa với nhau, sẽ có lúc bạn thấy chúng vô tình xô ngã nhau và lập tức sự bực dọc chuyển hóa thành nụ cười khi chúng nhìn vào mắt nhau, mỉm cười, chìa bàn tay nhỏ bé nắm tay bạn. Chúng chẳng nói ra lời xin lỗi nhưng rõ ràng, đó là cách chúng xin lỗi nhau.

Người lớn luôn dạy con phải nói ra câu xin lỗi, dù không phải lúc nào câu xin lỗi cũng có nghĩa là xin lỗi. Lời xin lỗi có khi còn phản tác dụng. Một lời xin lỗi cần xuất phát từ thái độ ăn năn thật sự và nhận rõ cái sai của mình bằng thái độ mong muốn cải thiện tình hình. Việc người lớn ép trẻ xin lỗi khi bản thân trẻ chưa sẵn sàng sẽ không thể giúp trẻ nhận ra lỗi. Thúc ép trẻ xin lỗi chỉ càng khiến trẻ bối rối, xấu hổ.

Việc người lớn nên làm là khuyến khích, hướng dẫn và kiên trì với trẻ, giúp trẻ tự nhận biết mình cần phải làm gì. Một khi trẻ hiểu thấu được cảm xúc của người khác, trẻ sẽ có cách xoa dịu của mình, mà không cần nói ra những từ được mong đợi như con xin lỗi. Thay vì ép trẻ xin lỗi, phụ huynh hãy là người đồng hành giúp trẻ nhận diện vấn đề. Cụ thể là các bước sau:

1. Lắng nghe với sự tò mò. Khi con gây ra lỗi hay có hành động không phù hợp với ai đó, bạn hãy kiên nhẫn tìm hiểu câu chuyện thật sự đã diễn ra. Trước khi khăng khăng là con sai, ép con phải xin lỗi, bạn hãy hỏi con với thái độ chân thành và tin tưởng: “Chuyện gì đã xảy ra? Bố/mẹ có thể giúp được gì cho con?”.

2. Tránh đổ lỗi.  Đừng phán xét con sai hay có lỗi ngay vì việc đó sẽ khiến con cảm thấy không an toàn nếu thể hiện cảm xúc, suy nghĩ thật của mình. 

3. Khơi gợi thấu cảm. Khuyến khích con nói ra những cảm xúc trong lòng. Gợi cho con thử cảm nhận cảm xúc của người bạn hoặc nhân vật trong câu chuyện liên quan đến con.

Ví dụ: “con nghĩ bạn đang cảm thấy thế nào khi bị con đánh?”, “con có nghĩ đến cách nào giúp bạn dễ chịu hơn không?”. Những câu hỏi tương tự là những bước nhỏ giúp con bắt đầu hướng sự thấu cảm đến việc có một hành động cụ thể để cải thiện tình hình. 

4. Kiên nhẫn và linh hoạt. Nhận biết mình sai và đi đến quyết định phải làm gì đó là quá trình chuyển biến cảm xúc của trẻ mà phụ huynh chỉ nên giữ vai trò một người đồng hành kiên nhẫn, linh hoạt chấp nhận mức độ biểu hiện sự hối lỗi của trẻ. 

5. Trân trọng và ghi nhận lời xin lỗi chân thành.  Rất khó để con nói ra lời xin lỗi chân thành. Vì thế, con xứng đáng nhận một nụ cười ấm áp, một cái ôm thân ái từ cha/mẹ. 

6. Cho con biết xin lỗi chân thành là gì. Bất kỳ khi nào bạn gây ra lỗi, thấy mình cần xin lỗi thì hãy cho con nghe lời xin lỗi chân thành từ bạn. Điều đó không làm bạn mất uy quyền trong mắt con mà là cách thiết thực để bạn dạy con nói lời xin lỗi một cách chân thành, trách nhiệm.  

Thiên Như 
(theo Positive Parenting)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI