Mỗi dịp tết đến là lòng Hương lại bao mối ngổn ngang. Cô vô cùng trăn trở và day dứt khi nghĩ tới bố mẹ già ở quê.
Nhà Hương có 4 anh chị em, 3 gái một trai. 2 chị lớn lấy chồng ở quê, gần bố mẹ nhất, nhưng gia cảnh nheo nhóc, làm nông vất vả. Cậu em út đang học đại học, chưa làm ra tiền, vẫn sống nhờ tiền chu cấp từ bố mẹ và các chị.
Chính vì thế, một đứa con gái sau khi tốt nghiệp đại học, có việc làm và lấy được chồng ở TPHCM như Hương chính là niềm tự hào và hy vọng của cả nhà.
|
Quê nhà đang rất lạnh, cô tự tay đan áo gửi về cho bố mẹ mặc tết (ảnh minh hoạ) |
Hương nghẹt thở vì quá nhiều trách nhiệm. Khoảng 1 tuần nay, mẹ cô cứ gọi điện nói gần nói xa, ý hỏi cô có tiền thưởng tết chưa, thưởng tết được bao nhiêu. Em trai của Hương cũng ướm trước rằng đã vay tiền bạn để mua vé về quê đón tết nhưng chưa có tiền trả. Khi nghe Hương trả lời trước khi nghỉ tết cơ quan mới phát tiền, cả nhà tiu nghỉu. Mẹ cô còn thở dài thườn thượt nói: “Cận tết thế, chợ làm gì còn đồ ngon mà mua”.
Chưa hết, chị cả của Hương nhắn tin, bảo rằng các cháu mong chờ dì Hương về quê lì xì. Thằng Bon (tên cháu trai) năm nay vào lớp 1, đã biết đi xe đạp nhưng tiết kiệm mãi vẫn còn thiếu tiền. Lần này có tiền lì xì của dì Hương nữa là mẹ đủ mua xe cho cháu.
Hương nghe cơ quan thông báo năm nay thưởng tết 1 tháng thu nhập. Như vậy cô sẽ nhận được 1 khoản hơn chục triệu đồng. Hương sống chung với bố mẹ chồng nên hằng tháng phụ ông bà tiền chi phí sinh hoạt. Rồi tết đến, cô cũng cần có đồng ra đồng vào để sắm sửa, chăm chút cho gia đình nhỏ của mình.
Cô nhẩm tính, vợ chồng đi siêu thị trữ đồ ăn trong tủ lạnh cho mấy ngày tết cũng phải hết dăm ba triệu bạc, phụ tiền sinh hoạt cho bố mẹ chồng thêm 3 triệu nữa. Vậy là vỏn vẹn số tiền thưởng tết trong tay Hương chưa còn tới 6 triệu đồng. Cô không thể nào gửi hết về quê cho bố mẹ ruột được, chẳng nhẽ năm mới trong người Hương lại không còn xu nào.
Hương bàn với 2 chị gái ở quê, rằng tết nay, mỗi chị em cùng góp tiền cho ra tấm ra món để gửi biếu bố mẹ. Chẳng hạn, nếu mỗi đứa góp 2 triệu thành 6 triệu đồng đưa cho bố mẹ, ông bà sẽ có 1 khoản tàm tạm, biếu lắt nhắt thì tiền sẽ sứt mẻ và bố mẹ cũng không đủ để chi tiêu những việc cần.
Nghe em gái gợi ý, cả hai cô chị đều chối đây đẩy. Chị cả của Hương bảo quà cáp là tuỳ tâm, đừng áp đặt như thế. Ai có bao nhiêu biếu bấy nhiêu. Cô chị thứ hai gạt phắt đi, nói xách mé: “Chị chẳng có tiền biếu ông bà đâu. Nhà gần, hễ có miếng ngon chị nói cháu bưng qua cũng là một cách bày tỏ lòng hiếu nghĩa rồi. Dì mạnh tiền dì cứ tự làm đi nhé”.
Hương bàn với chồng, anh phân tích gia đình nhỏ của mình cũng còn thiếu thốn rất nhiều. Nếu các chị đều thống nhất không cần biếu tiền, hiếu nghĩa chủ yếu dựa trên tấm lòng và tuỳ khả năng của mỗi người thì em cũng cứ thế mà làm. Vợ chồng Hương còn đang nuôi con nhỏ học lớp 3. Trước tiên, cô cần vun vén cho cuộc sống riêng, lo cho con trọn vẹn đã, dư dả mới tính tới các chuyện lễ nghĩa khác.
Thế là tết năm nay, Hương quyết định không biếu tiền bố mẹ nữa. Cô nghe nói miền Bắc đang rất lạnh nên tự tay đan áo len cho bố mẹ. Cô đặt mua mứt dừa, lạp xưởng tươi (những món đặc sản miền Nam). Hương báo với gia đình, mẹ cô hỏi ngay: “Con gửi gì thế”.
Hương háo hức kể ra, nào là áo ấm con tự tay chọn len, đan cho bố mẹ, Ngoài ra, cô còn cẩn thận dặn mẹ lạp xưởng giao bằng xe đông lạnh, có thể bảo quản vài tháng trong ngăn đông nên ông bà cứ yên tâm thưởng thức. Không chỉ thế, trong thùng quà còn có mứt dừa non Bến Tre rất nổi tiếng để bố mẹ đãi khách.
Mẹ Hương nghe xong buông một câu: “Quà cáp làm gì cho mất công. Con cứ gửi tiền, bố mẹ thích gì tự mua là được rồi. Gửi quà thì con có gửi tiền tết cho bố mẹ nữa không?”.
|
Lòng cô nặng trĩu vì bố mẹ không cần quà mà chỉ muốn con gái gửi tiền (ảnh minh hoạ) |
Hương nghèn nghẹn trong cổ họng vì lời nói của mẹ qua điện thoại. Cô buồn bã trả lời: “Năm nay con khó khăn lắm mẹ ạ, con không có tiền gửi biếu tết bố mẹ như mọi năm. Con có chút quà góp tết cho nhà mình thôi ạ”.
Mẹ Hương chẳng quan tâm con gái đất khách quê người đang gặp khó khăn gì, công việc và cuộc sống tại sao không thuận lợi mà tiếp tục trách móc: “Tết này thằng Bon về đấy. Em nó ở nhà cả 2 tuần, con không phụ tiền tết thì sao mẹ xoay xở được. Áo ấm mẹ đầy ra, có thiếu đâu, con đan làm gì. Ngoài này có ai biết ăn lạp xưởng đâu, thà con gửi tiền có hơn không.”
Cuộc điện thoại với mẹ làm lòng Hương nặng trĩu. Nếu Hương không gửi tiền thì chẳng nhẽ cô chẳng còn giá trị gì với nhà ngoại hay sao?
Trang Anh