Thất thoát bảo hiểm y tế, không ai chịu trách nhiệm!

02/06/2016 - 06:01

PNO - Những ngày qua tại Cà Mau, hàng ngàn người dân đã đổ xô đến một phòng khám tư nhân để “khám bệnh, nhận quà”, còn thuốc thì lãnh về… bỏ xó.

Theo thông tin của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Cà Mau, số tiền thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cho phòng khám này bình quân từ đầu năm đến nay khoảng 20-30 tỷ đồng/tháng. Nếu không có giải pháp kiểm soát, ước tính năm 2016, phòng khám này có thể đạt mức thanh toán BHYT không dưới 300 tỷ đồng; trong khi tiền thanh toán BHYT của cả tỉnh Cà Mau năm 2014 là 495 tỷ đồng, năm 2015 là 519 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, đại diện BHXH Việt Nam phát hiện phòng khám trên có lưu lượng khám bệnh tăng bất thường, một ngày khám khoảng 2.000 lượt; sử dụng các dịch vụ kỹ thuật (nội soi tai mũi họng, siêu âm tổng quát, siêu âm tim và dịch vụ răng hàm mặt…) khá dễ dãi.

That thoat bao hiem y te, khong ai chiu trach nhiem!
Thất thoát bảo hiểm y tế ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia - Ảnh: P. Huy

Trong gần chục năm qua, dư luận đã không ít lần lên tiếng về tình trạng “rút ruột” BHYT nhưng số vụ được xử lý đến nơi đến chốn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế, tình trạng lạm dụng BHYT trong khám chữa bệnh là một căn bệnh trầm kha, nhưng việc quản lý và xử lý vấn đề còn nhiều bất cập.

Bất cập thứ nhất, là hiện không có quy chuẩn để thống nhất kết quả xét nghiệm giữa các BV, các cơ sở y tế nên xảy ra tình trạng bác sĩ ở BV A không chấp nhận kết quả xét nghiệm của cơ sở y tế B, yêu cầu phải xét nghiệm lại, vừa gây tốn kém vừa phiền hà cho người bệnh. Đây là kẽ hở để các cơ sở y tế hợp thức hóa những xét nghiệm không cần thiết mà BHYT rất khó từ chối thanh toán. Bất cập thứ hai là BHYT địa phương thường xử lý tình trạng lạm dụng chưa đến nơi đến chốn.

Ví dụ, năm 2013, báo Phụ Nữ phản ánh tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe “rút ruột” BHYT hàng trăm triệu đồng trên địa bàn giáp ranh TP.HCM và Bình Dương, BHYT TP.HCM và BHXH Bình Dương đã vào cuộc nhưng... vụ việc vẫn rơi vào im lặng. Mới đây là vụ phòng khám ở Cà Mau hay vụ một BV ở Nghệ An lạm dụng xét nghiệm trong khám chữa bệnh, nhưng dấu hiệu “tích cực” nhất mà dư luận được biết là BHXH… xem xét việc có thể ngừng hợp đồng hợp tác khám chữa bệnh với hai cơ sở trên.

Bất cập thứ ba là vấn đề thất thoát quỹ BHYT. Nếu việc thất thoát là một tảng băng thì thất thoát trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế chỉ là phần nổi, còn phần “chìm” là việc thất thoát trong kiểm soát thu BHYT. Tôi có người bạn làm nhân viên văn phòng dạng hợp đồng được 13 tháng nhưng đơn vị sử dụng lao động đã không mua BHXH lẫn BHYT cho người này. Trong khi đó, theo quy định thì đối tượng tham gia BHYT là người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động từ đủ ba tháng trở lên.

Thực tế, không ít doanh nghiệp “lách” đóng BHYT cho NLĐ bằng “chiêu” ký hợp đồng lao động thời hạn dưới ba tháng hoặc không ký hợp đồng lao động để không phải đóng BHXH cho NLĐ. Không chỉ để “lọt” đối tượng khỏi danh sách thu, gây thất thoát quỹ BHYT mà BHYT (BHXH) còn để nợ đọng, nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi mỗi năm lên đến cả ngàn tỷ đồng, cụ thể chỉ riêng năm 2015, tổng số nợ BHYT trên cả nước là 1.560 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn phải kể việc BHYT xem tiền của người dân đóng BHYT như “tiền chùa”. Từ năm 2009 đến năm 2011, BHYT cấp trùng 77.000 thẻ BHYT, gây thất thoát khoản tiền in ấn và “rót” nhầm không nhỏ. Tiếp đó, năm 2011-2012, tại Quảng Trị, gần 20.000 thẻ BHYT cấp trùng gây thất thoát gần sáu tỷ đồng. Việc cấp trùng thẻ BHYT còn xảy ra ở nhiều nơi như Huế, TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu... Ước tính có năm BHXH chi “lố” cho việc cấp trùng thẻ đến 400-500 tỷ đồng. Chưa hết, quá trình thanh toán, chi trả của BHYT địa phương cũng rất “thoáng”. Trong năm 2011, BHXH Việt Nam khi kiểm tra tại bảy tỉnh và xuất toán (loại bỏ những khoản chi sai chế độ, sai mục đích ra khỏi báo cáo quyết toán) hơn 50 tỷ đồng. Nếu không bị phát hiện, đương nhiên số tiền trên sẽ thất thoát.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI