Thất nghiệp ở nhà làm nội trợ, tôi mới biết vợ khổ thế nào

28/04/2020 - 14:21

PNO - "Các con tạm thời nghỉ học cũng bớt được vài triệu một tháng. Nhưng nếu anh tiếp tục không có việc hoặc lương em giảm sâu mà chúng ta không tiết kiệm thì biết sống sao đây?".

Tôi là nhân viên kinh doanh ở một công ty may mặc. Lương hàng tháng 15 triệu đồng, tôi đưa về cho vợ 10 triệu, giữ lại 5 triệu để tiêu pha, mà đa số là chi cho các đám cà phê, ăn trưa, nhậu.

Lương vợ tôi chừng 9-10 triệu đồng, gia đình 4 người, trừ tiền thuê nhà mỗi tháng 5 triệu đồng, còn lại 14-15 triệu cũng đủ đi chợ, thậm chí dư dả. Tôi không hỏi vợ tiêu có đủ không, vì hàng ngày bữa cơm chiều cũng có đủ thịt, đủ cá, vả lại vợ tôi không nhậu nhẹt hay bạn bè gì.

Dịch COVID-19, các hợp đồng của công ty bị cắt, quá nửa nhân viên tạm nghỉ việc, nên tôi chỉ là một nhân viên cỏn con cũng chẳng thoát khỏi cảnh thất nghiệp. Cũng may, vợ tôi dù cắt lương chính, nhưng mùa dịch lại có nhiều việc phải làm thêm, nên thu nhập vẫn giữ mức 10 triệu mỗi tháng. 

Đi chợ vài ngày tôi đã thấu hiểu nỗi khổ của vợ. Ảnh minh họa

Tiền nhà chưa đến kỳ nộp nên chúng tôi tạm chưa phải lo, nhưng tiền chi tiêu hàng tháng chỉ trông chờ vào thu nhập của vợ. Đương nhiên ở nhà, tôi phải cáng đáng việc trông con, đi chợ nấu cơm. Trước thì vợ tôi lo cả, tôi chỉ biết đi làm, về nhà hưởng cơm dẻo, canh ngọt, nhà sạch, con ngoan. 

Ngày đầu tiên đi chợ, tôi vợ dặn chỉ mua 100.000 đồng mỗi ngày, nhưng tôi chỉ mua 5 lạng thịt ba chỉ và 1 mớ rau là hết sạch tiền. Tôi đành mạnh dạn chi thêm hơn 100.000 mua thêm chục trứng rồi hai lạng thịt bò, ít dưa cà... về làm món thịt kho tàu trứng, xào thịt bò... Đương nhiên đó chỉ là bữa chiều vì bữa trưa, ba bố con đã đánh no với mì tôm trứng, xúc xích. 

Ngày thứ 2, tôi mua một con cá chép về kho dưa hết hơn 150.000 đồng, mua chả quế hết 60.000 đồng. Rồi rau dưa... 

Ngày thứ 3, tôi nghe các con kêu thèm tôm nướng, tôi mua 6 lạng tôm hết gần 200.0000 đồng về nướng, rồi mua thịt rang, nấu canh cải... Tôi hoàn toàn quên lời vợ dặn chỉ được đi chợ 100.000 đồng mỗi ngày. Hơn nữa, với giá cả như hiện nay, 100.000 đồng không đủ mua thịt cho tôi ăn một bữa....

Đến ngày thứ 4 tôi đi chợ lại làm nồi thịt kho tàu to vì có vẻ các con thích, vợ tôi về nhìn mâm cơm liền múc già nửa nồi thịt cho vào tủ lạnh, lấy muối mè ra ăn. Tôi bực tức, muốn hất mâm cơm ra cửa, nhưng nhìn các con hớn hở tôi kìm được.

Vợ tôi đã phải lao lực, khổ tâm biết nhường nào khi phải cân nhắc từng đồng chi tiêu. Ảnh minh họa

Đến tối, thấy tôi giận dữ, vợ tôi thở dài: "Anh tiêu pha thế thì nhà chúng ta sớm đói chết".

Cô ấy phân tích: "Anh đừng nghĩ mỗi tháng đưa em 10 triệu đồng là có thể thoải mái chi tiêu. Tiền học, tiền bán trú, tiền tiếng Anh, tiền sữa của hai con mỗi tháng đã hơn 7 triệu. Chúng ta còn phải gửi về cho bố mẹ mỗi tháng 2 triệu. Tiền điện nước trong nhà cũng 5-6 trăm một tháng, mở điều hòa là lên tiền triệu. Tiền xà phòng, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội mỗi tháng cũng 5-6 trăm ngàn đồng. Chưa kể có hiếu hỉ. Anh nghĩ 14-15 triệu đồng lương 2 vợ chồng cộng lại, em còn bao nhiêu để đi chợ?

Mỗi tháng em chỉ còn 3-4 triệu đồng để cân đối hết thảy tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Thịt cá ngày càng đắt đỏ. Như anh đi chợ thấy thịt lợn gần 200.000 đồng/cân, gấp 3 lần ngày xưa. Mỗi bữa ăn, em đều phải độn nhiều rau, mua đậu, cá biển, ruốc khô về để chế biến cho rẻ. Mỗi ngày đều giằng xé để không được quá 100.000 đồng tiền đi chợ đấy, anh biết không?

Giờ anh nghỉ việc chúng ta còn khó khăn hơn. Các con tạm thời nghỉ học cũng bớt được vài triệu một tháng. Nhưng nếu anh tiếp tục không có việc hoặc lương em giảm sâu mà chúng ta không tiết kiệm thì  biết sống sao đây?". 

Vợ tôi cho biết thêm, khi tôi nghỉ việc cô ấy đã lên kế hoạch giảm chi tiêu. Cô ấy đổi sữa cho hai con từ sữa bột xuống sữa tươi, đang ăn gạo Thái 25.000 đồng/kg cũng đổi thành gạo hơn chục ngàn một kg. Nước mắm, xà phòng, nước giặt... đều cũng đổi xuống loại có giá rẻ hơn.

Tôi nghe từng lời chua xót của vợ mà như có sóng cuộn trong lòng. 

Chưa bao giờ tôi hỏi vợ chuyện chi tiêu trong nhà, hàng ngày mặc nhiên hưởng thụ cơm có thịt cá mà không biết vợ tôi đã phải lao lực, khổ tâm biết nhường nào. Cô ấy phải cân nhắc từng đồng còn tôi phung phí cho các cuộc nhậu, mỗi tháng dăm bẩy triệu không tiếc. Những điều này đa số các ông chồng không biết vì họ luôn như tôi, cho rằng mớ rau con cá, lạng thịt ngoài chợ đáng bao nhiêu tiền, mỗi ngày đi chợ chẳng mấy tiền. 

Công việc thì không biết bao giờ mới trở lại như cũ, mà có thì chắc chắn thu nhập thảm hại hơn xưa. Giờ tôi biết làm sao để san sẻ gánh nặng cho vợ đây! Nhưng có lẽ ngày mai, tôi sẽ bắt đầu tiết kiệm bằng món đậu chiên... 

Thu Đào

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI