Sống tách biệt với xã hội
Giải quyết nạn thất nghiệp đang trở thành bài toán nan giải đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Tại châu Á, tình trạng này càng đáng báo động hơn khi rất đông người trẻ đang bị cuốn vào vòng xoáy thất nghiệp. Điều đó khiến họ dường như mất hết tự tin và rơi vào thế bị cô lập với xã hội.
|
Takekawa từng mất niềm tin và gặp khủng hoảng vì thất nghiệp - Ảnh: Bloomberg |
Theo dữ liệu của chính quyền Seoul, ước tính có khoảng 4,5% thanh niên ở thủ đô của Hàn Quốc (tương đương khoảng 129.000 người) đang sống tách biệt khỏi xã hội. Con số dự kiến lên tới 610.000 trường hợp nếu tính chung trên toàn quốc. Nghiên cứu còn chỉ ra 45,5% trong số đó đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, 40,9% gặp vấn đề về tâm lý và 40,3% gặp vấn đề về giao tiếp.
Một phụ nữ ở độ tuổi U30, tên thường gọi là Woongbi, tâm sự cô không ngừng lo lắng về tương lai, ngay cả khi đang được tư vấn và điều trị tâm lý.
"Những nỗi lo lắng, ám ảnh luôn vây lấy tâm trí tôi. Chúng đã phát triển thành các triệu chứng biểu hiện trên cơ thể. Do đó, tôi cần được nghỉ ngơi tuyệt đối. Dù vậy, tôi không thể nghỉ ngơi hoàn toàn vì cảm thấy sốt ruột về tương lai mình. Tôi học cao học nhưng bỏ dở sau 2 tháng. Tôi đã cố gắng làm 1 công việc bán thời gian đơn giản nhưng rồi lại bỏ việc sau 10 ngày vì không thể vượt qua nỗi ám ảnh xã hội và những cơn hoảng loạn " - Woongbi nói.
Những khó khăn đã trải qua khiến cô gái trẻ như gục ngã, mất hết định hướng tương lai. Cứ thế, cô tự giam mình trong phòng suốt 3 năm liền.
Câu chuyện của Woongbi là thực trạng chung mà nhiều người trẻ Hàn Quốc đang đối mặt. Phần lớn họ đều áp lực vì những định kiến, những tiêu chuẩn của xã hội. Không ít người trong số đó chia sẻ từ khi sinh ra, họ đã được cha mẹ lên sẵn một lộ trình được cho là đầy hứa hẹn. Đầu tiên, họ phải tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tiếp theo, họ phải nỗ lực để thi vào đại học - tốt nhất là một trường trong top đầu - và tìm được một công việc tử tế trước khi tốt nghiệp.
Hoàn tất quá trình học tập kéo dài, giới trẻ lại phải gánh thêm áp lực kiếm tiền, kết hôn và nuôi nấng con cái. Chỉ cần bỏ lỡ một giai đoạn và đi chệch khỏi con đường đó, họ sẽ ngay lập tức bị “gán mác” thất bại. Do vậy, những thanh thiếu niên nghỉ học nửa chừng hay quyết định đi làm thay vì học đại học luôn phải đối diện với muôn vàn ánh mắt hoài nghi, chỉ vì đi ngược dòng với số đông.
|
Giới trẻ Hàn Quốc cảm thấy tự ti và bị cô lập khi thất nghiệp - Ảnh: Getty Images |
“Nếu thất nghiệp, bạn không còn chỗ đứng. Bạn luôn phải lo lắng về cách người khác nhìn mình, trong khi bản thân đang vật lộn với những vấn đề về tài chính. Từ đó, gánh nặng tâm lý tăng lên. Kết quả là bạn cảm thấy bị cô lập và khép mình hơn” - Woongbi nói.
Bên cạnh chọn cách sống ẩn dật, những người trẻ còn cảm thấy mất an toàn khi thất nghiệp. Đó là những gì Adam Wang - thanh niên 26 tuổi sống ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc - đang trải qua.
Anh tâm sự dù hiện tại đất nước đã dỡ bỏ phần lớn các hạn chế COVID-19 nhưng hệ quả của những khủng hoảng xuyên suốt 3 năm qua khiến anh và nhiều người mất hết khoản tiền tiết kiệm và nghiêm trọng hơn là mất đi cảm giác an toàn.
“Nhiều thanh niên ở Trung Quốc phải vật lộn để kiếm sống. Thậm chí nhiều người trong chúng tôi không có thời gian để nghĩ đến việc kết hôn hay sinh con bởi chúng tôi còn không thể duy trì một cuộc sống tươm tất cho bản thân” - anh nói thêm.
|
Nhóm bạn trẻ cảm thấy được an ủi và tìm lại chính mình nhờ tham gia NEET People - Ảnh: Korea Times |
Sau khi các thành phố trên khắp Trung Quốc bị phong tỏa liên tục kể từ năm 2020, số người trong độ tuổi 16-24 thất nghiệp đã lên tới 20 triệu người vào tháng 12/2022.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, tình trạng thất nghiệp và các vấn đề xã hội khác cũng khiến nhiều bạn trẻ mắc “căn bệnh” hikikomori. Nói một cách đơn giản, hikikomori là một hình thức cô lập xã hội. Những người mắc bệnh thường không học tập hoặc làm việc. Thay vào đó, họ tự giam mình trong phòng hoặc trong nhà, thường từ 6 tháng trở lên. Tại Nhật, có tới 1,2% dân số - tương đương khoảng 1 triệu người - được cho là bị ảnh hưởng bởi hikikomori. Cụ thể, 43% trường hợp xảy đến với những người trong độ tuổi 20-29.
Động lực vượt qua ám ảnh
Chìm sâu trong cơn khủng hoảng mang tên thất nghiệp, không ít người đã đánh mất chính mình. Tuy vậy, cũng có người may mắn vượt qua giai đoạn tăm tối nhờ ý chí và sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình.
Lee Jeong-kyu (31 tuổi, Hàn Quốc) không có công việc ổn định và thường xuyên thất nghiệp nhưng may mắn có cha mẹ là điểm tựa vững chắc. Hiện tại, anh vẫn sống với gia đình trong ngôi nhà ở Bundang, ngoại ô Seoul, chỉ vừa đủ chỗ cho 3 người.
Lee Young-wook (cha của Lee Jeong-kyu) tự tin rằng ông đúng đắn khi không gây áp lực buộc con trai phải chuyển ra ngoài sống. Ông nói: “Vợ chồng tôi muốn mình là ngọn núi lớn để con trai có thể dựa vào…”. Chính sự trợ giúp của gia đình giúp Jeong-kyu không cảm thấy tự ti hay rơi vào bế tắc so với bạn bè cùng trang lứa.
Bên cạnh gia đình, nhiều bạn trẻ Hàn Quốc còn đến các tổ chức xã hội để tìm sự giúp đỡ. Đó cũng là cách giúp Woongbi tìm lại chính mình. Cô tham gia NEET People - công ty khởi nghiệp phi lợi nhuận chuyên giúp những người trẻ thất nghiệp giải quyết tình trạng của họ theo những cách lành mạnh. Tại đây, cô gặp gỡ những người xa lạ đã tập hợp lại với hy vọng: bước ra khỏi chỗ trú ẩn của họ và kết nối với những người khác.
“Thực tế là những người thất nghiệp đang ở đây cùng nhau, chăm sóc và hỗ trợ lẫn nhau. Điều này an ủi tôi rất nhiều. Tôi không phải là người duy nhất phải vật lộn với nỗi xấu hổ khi thất nghiệp” - Woongbi nói.
Rất nhiều người trong nhóm Woongbi cũng tâm sự khi mới đến, họ đều cảm thấy lúng túng vì chẳng quen biết ai. Tuy nhiên, sự cởi mở của mọi người khi cố gắng bắt chuyện với họ đã tạo cho họ cảm giác an toàn. Sự đồng cảm, thấu hiểu và san sẻ giúp mọi người gắn bó với nhau hơn.
Bên cạnh một số người may mắn nhận được sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội, không ít người vật lộn với những nỗi sợ hãi và rồi vượt qua nhờ năng lực. Điển hình là trường hợp của Takekawa (ngoài 30, Nhật Bản) từng phải sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền tiết kiệm.
Cô thường xuyên bỏ bữa tối để tiết kiệm và không thể nhớ lần cuối cùng mình đi du lịch là khi nào. Kể từ khi ra trường, cô luôn nỗ lực tìm việc nhưng không được như ý nguyện. Cô phải liên tục dùng thuốc chống trầm cảm và quyết định chuyển đến sống gần gia đình.
May mắn, cô đã tận dụng khoảng thời gian tự suy ngẫm về cuộc đời trong thời điểm đại dịch COVID-19 để viết xong cuốn sách thứ ba. Cuốn sách này đã giúp cô có một khoản tiền khiêm tốn. “Nếu không có cuốn sách đó, tôi thực sự nghĩ rằng cuộc đời mình đã lao xuống vực thẳm” - Takekawa chia sẻ.
Chung Thu Hương