Thắt lòng thương con

15/03/2015 - 15:22

PNO - PN - Trường của thôn chỉ có từ lớp 1 tới lớp 9 nên khi lên cấp III tôi học trường huyện, phải ở trọ xa nhà. May mắn là có má buôn bán ở chợ huyện nên ngày nào tôi cũng được gặp má, nỗi nhớ nhà nhờ vậy mà nguôi đi rất...

edf40wrjww2tblPage:Content

Những khi tôi tới mà gặp lúc vắng khách, má kể chuyện nhà cho tôi nghe - ngày hôm qua ba của con chặt tre rào lại vườn rau vì bầy gà phá quá; thằng Tý bữa nay đã bơi tận qua bên kia sông; con gà mái bắt đầu đẻ được mấy cái trứng so, để ngày mai má đem ra cho con, khi nào học bài khuya đói bụng thì luộc ăn... Rồi má hỏi tôi chuyện về khu trọ và việc học, những câu hỏi về trường lớp má cao giọng sao cho những sạp hàng chung quanh đều nghe được.

Tôi học giỏi, những câu trả lời của tôi về điểm số luôn khiến má làm như "không nghe rõ" để tôi phải lặp lại lần nữa. Có nhiều học trò trong thôn ra học trường huyện nhưng rất ít đứa được xếp loại giỏi, nên tôi trở thành niềm tự hào vô bờ của má. Từ khi được chọn vô đội tuyển học sinh giỏi thì tôi trở thành “trung tâm” của bạn hàng quanh sạp. Mỗi khi tới, tôi đều nhận được những câu tấm tắc: “Có được đứa con như vậy thì làm lụng cực khổ mấy cha mẹ cũng thấy vui”.

Lúc đó tôi tưởng mình giỏi thật, và tôi chưa hiểu thấu hai tiếng “cực khổ” mà mọi người thường nói. Tôi thấy sạp hàng của má mình khá lớn so với mọi người, nhiều mối hàng thích tính tình xởi lởi của má cho nên má bán buôn chẳng bao giờ bị ế. Tùy theo mùa, khi thì má bán nông sản, lúc thì trái cây hoặc hàng khô... bất cứ mặt hàng nào má bày ra đều đông khách mua.

Tôi vô tư nhõng nhẽo má. Mùa thi, tôi kể với má, tối nào cũng phải thức khuya học bài, má bèn bù đắp bằng buổi trưa dọn hàng xong không về nhà ngay mà tới phòng trọ dọn dẹp giặt giũ để tôi có thêm thời gian nghỉ ngơi. Khi tôi bị cảm sốt, sáng sớm má đã có mặt trong phòng trọ của tôi với cà mèn cháo vẫn còn nóng ấm. “Ăn đi con, ăn cho no bụng rồi hẵng uống thuốc không thôi bị cào ruột”. Sợ tôi mệt nằm lì không ăn uống, má đợi tôi ăn và uống thuốc xong thì mới ra chợ. Nhìn má vừa đợi tôi vừa sốt ruột nhìn ra đường càng lúc càng đông người, tôi hờn: “Má coi sạp hàng quý hơn con thì má cứ ra chợ nhanh đi”.

Trong đội tuyển học sinh giỏi, tôi bù đầu với vô số bài tập của những đợt bồi dưỡng. Mỗi khi ra chợ lấy thức ăn, tôi không còn thích nấn ná để được mọi người nhìn ngó trầm trồ nữa. Còn nhiều bài tập quá tối qua chưa làm xong mà chiều nay phải nộp cho cô giáo. Má nói thôi tôi đừng ghé chợ nữa, để má tính. Từ đó, đi học về tôi có ngay thức ăn má gửi sẵn ở nhà bà chủ.

***

That long thuong con

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khi tôi tốt nghiệp đại học và xin được việc làm ở thành phố thì đứa em gái út của tôi vừa lên lớp mười. Ba má cho em về thành phố học và tôi nhận nhiệm vụ chăm sóc em.

Nghe thì dễ, nhưng chỉ sau vài ngày đưa đón út đi học, tôi mới thấm thía. Trường của Út cách công ty của tôi năm cây số mà giờ đưa đón cũng là giờ cao điểm. Mỗi khi ngừng lại vì tắc đường, tôi tự nhủ: “Khi nào Út quen đường sá thì mình sẽ không bị đi làm trễ nữa”. Buổi trưa, tôi đón Út đi học về rồi cơm nước xong thì đã tới giờ đi làm buổi chiều. Không được nghỉ trưa như thói quen, tôi mệt đừ. Mệt nhất là khi Út tủi thân nói: “Chị bận công việc quá thì thôi, để em tự đi bộ cũng được”. Nói vậy rồi Út làm thật khiến tôi phải chạy kè kè năn nỉ em lên xe. Cơn hờn giận của em kéo dài mà công việc cơ quan thì căng thẳng, tôi nổi cáu, em cãi lại, rồi nước mắt...

Chăm sóc em, tôi nhớ má thật nhiều. Tôi nhớ khi mình bị cảm sốt đã hờn dỗi nói lẫy với má mà không hiểu là chợ họp chỉ nửa ngày nên cữ bán sớm là chính. Tôi nhớ mình cố tình than mệt kéo dài cơn bệnh để má phải tới phòng nấu nướng giặt giũ cho. Tôi hiểu ra, để tiết kiệm tiền chợ một cảnh hai quê và cũng là để có thức ăn quen miệng cho tôi đỡ nhớ nhà, ngày nào má cũng phải thức dậy sớm hơn. Đường từ thôn ra huyện hai chục cây số gồ ghề mùa nắng, lầy lội mùa mưa, ngồi giữa chợ nắng gió và mệt mỏi với bao tính toán thiệt hơn trong việc buôn bán, má còn phải nhớ tới cà mèn thức ăn đem tới gửi bà chủ nhà kịp khi tôi đi học về.

Muộn màng, tôi nhận ra má không bao giờ có giấc ngủ trưa bởi vì từ chợ về má còn phải đi tới vườn nhà người ta mua gom hàng, để sáng mai đem ra chợ bán, rồi thì cơm nước giặt giũ cho cả nhà, và bầy heo bầy gà...

Tôi đợi Út có kết quả học tập loại khá để báo tin về cho má vui, cũng là để má thấy là tôi chăm sóc em chu đáo. Nhưng, Út đã không bắt kịp nhịp học ở thành phố. Cầm tờ phiếu điểm mà tên Út xếp hạng trung bình, tôi nhớ mình từng là niềm tự hào của má, có lẽ nhờ niềm tự hào đó mà má thêm sức chịu đựng được những cơn nắng, cơn mưa.

Muộn màng tôi hiểu ra hai tiếng “cực khổ” mà mấy bà mấy chị ở chợ thường nói.

***

Ngày cưới, tôi khóc với má một trận. Chưa kịp giúp gì cho má thì tôi trọ học xa, rồi đi xa tận thành phố. Bây giờ thì tôi đi theo chồng. Tiền lương tôi dành dụm gửi về nói là để phụ ba má lo cho mấy đứa em, đâu ngờ má cất giữ đó và cho thêm để thành một món chờ tôi tới ngày ra riêng.

Má lau nước mắt cho tôi, thủ thỉ - sinh ra con là con gái, má đã thấy thương thắt lòng rồi. Làm đàn bà... cố gắng nghe con!

 NGUYÊN HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI