“Tháng Ba, trời Sài Gòn rất đẹp, anh cho con “bay” đi!”. “Ừ! Cha con mình sẽ “bay”!”. Đáp xong dòng tin nhắn của bạn, anh Đỗ Thanh Trọng buông máy, bần thần. Tâm trí anh hiện lên những gương mặt thân quen trong cuộc chạy vạy vay mượn đã giúp con trai anh được thực hiện mơ ước.
|
Đức thích thú khi được tham quan NVH Thanh Niên TP.HCM |
Đêm đó, trong căn nhà trống hoác, Trọng ôm con trai thủ thỉ: “Bác sĩ bảo cứ theo phác đồ thì bệnh con sẽ khỏi, đừng sợ gì nha”. Đôi mắt nhìn chết trân lên trần nhà, Đức đáp lại bằng câu hỏi khác: “Mười sáu tuổi mà chết thì còn trẻ lắm hả ba?”.
Cố nén nỗi đau, người cha định nói lời động viên thì con trai tiếp tục: “Bệnh của con giai đoạn cuối rồi, ba đừng tốn tiền chạy chữa nữa. Tiền đó, ba cho con đi máy bay một chuyến vô Sài Gòn được không?”.
Siết chặt con trong tay, nỗi bất lực chợt trào lên mặn chát. Cái nghèo không cản trở được người cha hiện thực hóa mong ước của con, mà cảm giác một cuộc chia lìa khiến tim anh đau nhói.
Tháng 8/2016, nhận giấy báo trúng tuyển lớp 10, chưa kịp mua sách vở cho ngày nhập học, thì Đức phát hiện cổ họng mình đau rát, vùng cổ nổi hạch lớn chỉ sau một đêm. Đưa con vào BV Hải Dương chữa mãi không thuyên giảm; anh Trọng xin chuyển lên tuyến trên.
Chẩn đoán “viêm họng mãn tính” nhưng bao thuốc thang cũng không hết đau nhức, hạch cũ thì lớn dần, hạch mới xuất hiện thêm, chạy dài một vòng ngực. Sốt ruột, anh lại đưa con sang Viện Huyết học, Viện Lao phổi, rồi BV Nhiệt đới Trung ương.
Đến đâu cũng chỉ một chẩn đoán “viêm họng” mà không cách gì chữa được. Đức thường xuyên hôn mê. Suốt ba tháng chạy quanh các BV, chàng thiếu niên khỏe mạnh, cao lớn giờ chỉ còn 38 ký. Tuyệt vọng, anh Trọng chỉ muốn đưa con về lại quê, “cầu may” với những nắm lá sắc uống.
Trong cơn tuyệt vọng ấy của cha con anh, BV Việt Đức thông báo đã có kết quả sinh thiết hạch. Đức mắc căn bệnh ngặt: ung thư vòm họng, ung thư biểu mô di căn hạch, bệnh lại đang chuyển sang giai đoạn cuối… Những cuốn tập Đức luôn mang theo bên mình mấy tháng qua, để lúc khỏe có thể tranh thủ ôn bài cho ngày về lớp theo kịp các bạn; giờ đành gói lại, gửi về quê. Anh Trọng cũng xin nghỉ việc lái xe, túc trực bên con những ngày còn lại.
Đến với nhau khó nghèo, cùng mơ giấc đổi đời, anh Trọng không ngờ quyết định để vợ đi xuất khẩu lao động lại dẫn đến vỡ tan mái ấm của vợ chồng anh. Năm đó con trai mới một tuổi, Minh Thư - chị Đức, lên ba. Đôi vợ chồng nghèo không đành lòng nhìn các con sớm xa vòng tay mẹ, nhưng rồi phải tự động viên “ráng chịu thiệt, chịu khó vài năm để ngày về được có nhau tốt hơn” đã tiếp cho họ thêm niềm tin, hy vọng.
Ba năm sang Đài Loan giúp việc nhà, ngày về chị Loan đã có một khoản tiền đủ để thực hiện kế hoạch mở một quầy tạp hóa, quán nước nhỏ làm sinh kế. Nhưng, kế hoạch đó sớm tan tành. Bao lần anh bắt gặp vợ đắm chìm trong những cuộc điện thoại lén lút.
Anh Trọng quặn lòng, yêu cầu một lời giải thích. Chị Loan thú nhận, chỉ là những cảm xúc mông lung cùng một người ở xa và hứa sẽ chấm dứt. Cố ngăn xót xa, anh Trọng không trách vợ câu nào, chỉ tự trách mình đã đẩy vợ đi xa. Bình tâm lại, người chồng ấy hy vọng những ngày tới, vợ chồng có nhau, yêu thương sẽ quay về.
Nhưng, chuyện không như anh nghĩ, một năm sau khi trở về, chị Loan lại tỏ ý muốn sang Đài Loan. Không giữ được chân người đã quyết dứt áo ra đi, anh ôm các con, chảy nước mắt: “Luôn mong em hạnh phúc. Lần này không biết bao giờ em mới về thăm cha con anh”.
Cuối năm 2015, khi đã có con cùng người đàn ông khác ở Đài Loan, chị Loan mới về, gửi cho chồng lá đơn ly hôn viết sẵn. Phiên tòa chóng vánh, chỉ có nước mắt trên mặt hai đứa con. Bao năm gà trống nuôi con, anh Trọng không một lần hé môi về chuyện mẹ chúng đã có mối quan tâm khác.
Thi thoảng, người cha ấy còn nấu một bữa ngon đãi các con, vờ bảo: “Mẹ gửi tiền về cho cha con mình đó!”. Anh bảo, anh làm vậy vì mong giữ được nơi các con sự trong trẻo, tin yêu, vui sống cho đến tuổi trưởng thành.
Ngày 3/3, vay được gần 4 triệu đồng, anh Trọng lập tức thực hiện giấc mơ của con. Đức hồ hởi kể về chuyến đi: “Đi máy bay thích lắm, con nhìn ngắm được nhiều thứ, thích nhất là lúc máy bay cất và hạ cánh”. Hai ngày ở Sài Gòn, Đức được tham quan các bảo tàng, Bến Nhà Rồng… Anh Trọng bùi ngùi: “Tui tranh thủ lúc con còn đi đứng được”.
Hôm tiễn Đức về lại Hải Dương, tôi hỏi còn ước mơ nào không, em ngại ngùng: “Con muốn trở thành lập trình viên máy tính”. Anh Trọng kể, đó là ước mơ Đức ôm ấp từ nhỏ. Ngày biết con vướng phải căn bệnh ngặt, không thể theo đuổi chương trình học phổ thông, người cha đã đến trường cao đẳng nghề Hải Dương ghi danh, để Đức vừa được học văn hóa vừa chạm được vào mơ ước.
Nhưng, sức khỏe Đức đã không cho phép. “Đâu phải ước mơ nào cũng thành hiện thực. Được đi máy bay lần này, con thỏa lòng rồi” - Đức chững chạc, cố trấn an cha. Người đàn ông ôm mặt, quay đi…
Tuyết Dân
BS Phạm Thị Việt Hương, BV K Trung ương - người trực tiếp điều trị cho Đức, kể:
“Ngoài nổi hạch to ở cổ, bệnh nhân còn có triệu trứng sốt liên tục, đau đầu; vòm họng và mũi chảy máu nặng. Đến nay, Đức đã qua ba đợt hóa trị, 21 tia xạ trị. Theo phác đồ, Đức còn thực hiện tiếp 15 tia xạ trị, sau đó lại tiếp tục hóa trị”. Trong tính toán của mình, anh Trọng sẽ bán nhà để con được điều trị đúng lộ trình.
Bạn đọc muốn giúp đỡ cha con anh xin liên hệ số điện thoại của anh: 0905805838.