edf40wrjww2tblPage:Content
Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao quanh việc một học sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị các bạn đánh hội đồng. Ai đã xem clip, chắc chắn đều thấy có 3 đối tượng là: học sinh bị đánh, học sinh đánh bạn và học sinh chứng kiến.
Điều đáng nói ở đây chính là: cả 3 đối tượng nêu trên đều thản nhiên để sự việc diễn ra, hay nói khác là cả ba đều chấp nhận vụ bạo hành như một lẽ thường. Như vậy, chứng tỏ đối với các em, việc đó là bình thường, nghĩa là các em đã quen với những cảnh tương tự, hay chính xác hơn là việc đánh bạn theo kiểu hội đồng đã diễn ra nhiều lần nên các em mới thản nhiên đến thế.
Vậy tại sao các em lại thản nhiên? Trước hết, chúng ta hãy xem thái độ của em học sinh bị đánh (xin tạm gọi là nạn nhân). Trong toàn bộ đoạn clip, nạn nhân ngồi yên một chỗ, không có bất cứ hành động phản kháng nào mà chỉ yếu ớt giơ tay che đầu, đỡ ghế.
Em không tức giận, không cầu cứu, không bỏ chạy… nghĩa là em không có bất kì hành động nào của một người gặp nạn bình thường, có chăng chỉ là tiếng kêu “đau quá” lẫn trong tiếng khóc.
Tất cả các hành vi của em cho thấy: em chấp nhận chuyện này và cố gắng chịu đựng cho đến khi kết thúc. Điều đó chứng tỏ, nạn nhân đã coi chuyện bị đánh hội đồng là một chuyện bình thường, em đã thấy nhiều và em chấp nhận nó.
Về phía những em học sinh tham gia đánh bạn (xin tạm gọi là bị can), các em cũng thản nhiên khi hành động. Những học sinh nữ trèo lên bàn, giật tóc, đấm vào mặt, vào đầu bạn. Có một em nhìn ngoại hình mảnh mai, thế mà liên tục vừa đánh bằng tay vừa dùng ghế phang, những em khác thấy thế cũng lao vào hưởng ứng, thậm chí khi phát hiện bạn bị chảy máu, các bị can vẫn không ngừng tay mà còn tiếp tục quăng thêm cả chồng ghế vào người nạn nhân, một em nữ lạnh lùng leo lên bàn, tiếp tục giật tóc, tát, đấm…
Tóm lại, nhóm học sinh này đánh bạn dã man mà thản nhiên như đang làm một việc tốt, đang thi hành một “nhiệm vụ cao cả”…
Còn những học sinh chứng kiến (xin tạm gọi là nhân chứng) thì sao? Đoạn đầu clip, các em này cũng thản nhiên đứng xem như những người hiếu kì đang được thỏa trí tò mò. Đến khi nhóm bị can xua đuổi, nhân chứng cũng thản nhiên đi ra xa để an toàn quan sát. Các em không cảm thấy cần phải can thiệp, ngăn chặn hoặc ít nhất là la lên phản đối.
Tóm lại, hành vi của các em cho thấy, các em cũng đã quen với bạo lực học đường và cách ứng xử bình thường là thản nhiên đứng xem.
Như vậy, hành vi và thái độ thản nhiên của cả 3 đối tượng có mặt trong clip đã chứng tỏ: đối với các em, bạo lực học đường là chuyện bình thường, đánh bạn dã man cũng là chuyện bình thường, chịu đựng bất công cũng là chuyện bình thường và dửng dưng trước sự bất công lại cũng bình thường nốt….Thật là kinh khủng.
Nhưng điều kinh khủng này bắt nguồn từ đâu? Làm sao để tiêu diệt hoặc ít nhất là hạn chế những mầm mống của sự tàn bạo này? Tôi không dám trả lời, chỉ phản ánh hiện thực, còn kết luận thế nào thì bạn đọc chắc chắn sẽ có.
Đối với một đứa trẻ, học đường của bé được bắt đầu ngay từ khi mới 18 tháng đến 3 tuổi, tức là bắt đầu từ khi đi nhà trẻ. Giữa cái chốn học đường ấy, bé đã được dạy những gì?
Ở đây, tôi không đề cập đến khái niệm “dạy” theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo, mà chỉ bàn đến môi trường lớp học, cách bé được đối xử khi đi học.
Chúng ta hãy xâu chuỗi lại các sự việc cách đây chưa lâu: một bảo mẫu ở Đồng Nai đã cho các bé ăn thế nào, hai cô giáo ở quận Thủ Đức (TP.HCM) đã làm gì các cháu khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bữa ăn của trẻ…
Đấy chỉ là hai trong số hàng ngàn vụ việc bạo hành trẻ em ngay từ khi chúng được hưởng cái quyền được gọi là “đi học”. Đến nỗi, những đứa trẻ chưa biết nói, chúng chỉ biết víu áo cha mẹ và khóc mỗi khi được đưa đến “trường học”.
Nhưng cha mẹ chúng phần vì phải đi làm cho kịp giờ, phần vì nghĩ con chưa quen, phần vì tin tưởng cô giáo nên cứ dứt áo, vội vàng chạy đi,…chiều về nhìn thấy con không khóc, thế là yên tâm.
Đứa trẻ sau khi cha mẹ bỏ đi, chúng có gan thì cứ khóc, có đứa nào chết vì khóc đâu mà cô giáo phải lo, đến lúc nào cô bực mình thì chúng sẽ được cho thử sức với các kiểu trấn áp như: nhốt vào thang máy, nhốt vào nhà vệ sinh, cắm đầu vào thùng phuy hoặc tiện tay thì tát, cấu, đập, vả… túi bụi. Có khóc cỡ nào cũng chả ai giúp, mà càng khóc, càng kêu thì mức độ trấn áp càng tăng.
Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến cho diễn đàn “Con tôi có bị đánh hội đồng tại lớp?” qua các địa chỉ: - Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang - Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com - Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn. Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút). Phụ Nữ trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc. |
Hàng ngày, bạn này bị xử lí thì bạn khác chứng kiến, cứ như vậy ngày này qua ngày khác suốt thời mầm non thơ dại, các bé đã quen rồi với bạo lực học đường mà người thực hiện đầu tiên là cô giáo (tất nhiên không phải tất cả giáo viên đều làm thế), người đại diện cho quyền lực cao nhất trong lớp học.
Lên đến tiểu học, các bé đã lớn hơn, nhiều bé cũng không còn ăn ở trường với cô giáo nữa, tưởng rằng mọi thứ sẽ khác. Nhưng thực tế cho thấy, quyền lực ở đây lại được chia thành nhiều tầng “áp bức”.
Trong mỗi lớp, cô giáo sẽ chọn những bạn to lớn, nhanh nhẹn để làm cán bộ lớp. Các lãnh đạo này có vai trò đắc lực trong việc giúp cô cai quản cả lớp, vì vậy các vị ấy cũng được cho những đặc quyền rất to như: được phép khép tội bạn (bằng hình thức ghi tên những bạn nói chuyện riêng, mất trật tự thậm chí chỉ là thấy ghét cũng bị ghi) hoặc được phép phạt bạn (dùng thước đánh bạn, vả vào mặt bạn…) mà chẳng ai dám ho he gì, vì cô giáo đã ban hành luật lớp như vậy.
Chuyện này diễn ra ở khắp mọi nơi, không phải tất cả nhưng một số giáo viên vẫn áp dụng vì thấy nó giúp mình giảm bớt sức lực trong việc hoàn thành nhiệm vụ quản lí học sinh.
Thế là năm này qua năm khác, từ mầm non đến tiểu học rồi lên tới trung học cơ sở, học sinh đã quen dần với cách hành xử theo kiểu: bạn nào có chức có quyền thì thản nhiên đánh và điều động người khác cùng đánh bạn như một việc làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bạn nào bị đánh thì thản nhiên chịu đựng mà không có ý tưởng gì về sự cầu cứu. Bạn nào chứng kiến thì cứ chứng kiến như là đang xem một việc bình thường hàng ngày.
Tất cả đã được mặc định ngay từ khi các em còn trứng nước ở cái nơi gọi là “trường học” ấy. Như thế hỏi làm sao không dẫn đến sự việc như ở Trà Vinh hoặc ở bất cứ đâu.
Bố mẹ còn yên tâm không khi mỗi ngày con mình đi học? Ai sẽ bảo vệ các em và bảo vệ bằng cách nào?
Thực tế cho thấy, con của chúng ta không thể không đi học. Vậy, chúng ta phải làm gì để bảo vệ trẻ trước khi môi trường học đường có những thay đổi tích cực.
Các bậc phụ huynh xin hãy dạy trẻ biết chia sẻ khi gặp khó khăn, biết kêu cứu khi gặp nguy hiểm, biết phản đối khi chứng kiến điều sai trái, biết giúp đỡ người khác khi họ bị đối xử bất công,… mà đừng “sợ” những thiệt thòi trước mắt.
Ví dụ, khi thấy con kể bạn A bắt nạt bạn B, thay vì bảo con mặc kệ để tránh bị trả thù, bạn hãy nói với con rủ các bạn khác cùng đứng ra bênh vực. Nếu một đứa trẻ thấy mình có “đồng minh”, chắc chắn chúng sẽ biết cầu cứu khi gặp nguy hiểm.
Hay khi cùng con đi trên đường, nếu gặp cảnh kẻ xấu đang hành hung người khác, thay vì lặng lẽ bỏ đi, bạn hãy cùng con chọn một khoảng cách đủ an toàn để la lên hoặc để gọi cảnh sát. Những việc làm như vậy sẽ giúp con tin rằng: mình phải biết cách cứu mình, cứu người khi gặp nguy hiểm.
Như cô bé bị đánh ở Trà Vinh, nếu được hướng dẫn, ít nhất em cũng sẽ biết bỏ chạy chứ không ngồi yên bất lực như vậy.
Ai dám chắc rằng trong 3 đối tượng kể trên, không có những em hôm qua vừa là nhân chứng, hôm nay đã trở thành nạn nhân và ngày mai lại đứng trong nhóm bị can?
Mong rằng, sau sự việc trên, người lớn sẽ giúp các em học sinh biết chính xác hơn về những điều bình thường được chấp nhận và những điều bất thường cần phải lên án, để dù có chuyện gì xảy ra thì các em cũng sẽ có thái độ và hành vi phù hợp hơn chứ không thản nhiên để cái xấu diễn ra như vụ việc đáng buồn ở Trà Vinh.
HÒA BÌNH