Thất bại lớn nhất là trò… ngán thầy

11/05/2018 - 06:00

PNO - Thất bại lớn nhất là cháu không còn giữ được hình ảnh đẹp về thầy cô, không còn nguyên tinh thần tôn sư trọng đạo mà cháu được dạy dỗ từ thuở bé…

“Con ráng chịu đựng hết năm học này nghe, chỉ còn một tháng nữa thôi” - đó là câu nói tôi thường động viên cậu con trai lớp Tám mỗi khi cháu than phiền về cô giáo chủ nhiệm. Mỗi lần như thế, tôi thường dẫn con đi nhà sách, mua trà sữa hay tìm cách giải tỏa tâm lý cho con.

Thậm chí có lúc tôi còn đàn áp con mình vì sợ con “bùng nổ” ngay tại lớp. Thứ bảy tuần nào, cháu cũng xin tôi đón về sớm để tránh tiết sinh hoạt lớp. Và tôi tự thấy mình bất lực khi chỉ dám đấu tranh nửa vời, bảo vệ con không đi đến cùng, để thằng bé  bị “đì” nhiều hơn. 

That bai lon nhat la tro… ngan thay
 

Xin nói luôn rằng, con tôi không phải là học sinh (HS) cá biệt, cháu là một trong những HS giỏi của lớp chọn. Từ nhỏ, cháu thích học toán, môn học mà cô giáo chủ nhiệm đang đảm trách. Nhưng ngay từ những tuần đầu tiên của năm lớp Tám, cháu đâm ra sợ tiết toán và tiết sinh hoạt lớp.

Ban đầu là hình phạt chép tay 105 lần nội quy trường dài ba trang A4 vì phạm ba lỗi nói chuyện, bốn lỗi “hiếu động” trong giờ học và một lỗi chơi tập thể trong giờ học nhạc… Các bạn khác, nhẹ thì năm bản, nặng nhất là 175 bản… Cô cho hạn nộp trong một tuần, nếu tuần đó vi phạm tiếp hoặc không chép đủ thì sẽ phải chịu hình phạt bổ sung.

Tối đó, sau khi làm bài xong, cháu phải nhúng đầu vào xô nước để tỉnh táo mà chép phạt. Những tuần sau đó, tiết sinh hoạt lớp đã trở thành dịp các cháu đấu tố nhau. Trong tập thể nhỏ nảy sinh những trẻ xu nịnh, ranh mãnh để lấy lòng tổ trưởng và ban cán sự lớp để ít bị ghi tên; em nào được trao chút quyền nhỏ thì đâm ra kênh kiệu…

Khi lớp có ít HS bị ghi tên mà bị phê sổ đầu bài thì cô giáo chủ nhiệm bắt cả ban cán sự lớp làm kiểm điểm. Mỗi em viết ba lần kiểm điểm thì cô mời phụ huynh và hạ bậc hạnh kiểm tháng… Thế nên, có tiết chủ nhiệm kéo dài 90 phút, chỉ để các em kể tội nhau, “lôi” nhau cùng “chết” như mình và ghi điểm với cô. 

Suốt gần 9 tháng trời, con và các bạn cùng lớp bị bạo hành tinh thần bởi cách làm của cô giáo chủ nhiệm. Tôi xót xa khi nghe con tâm sự rằng, giờ con đã không còn thích học môn toán như xưa và sẽ không thi vào đội tuyển HS giỏi toán của trường như định hướng từ trước.

Tôi lúng túng khi nghe cháu hỏi: “Mẹ ơi, hiếu động có phải là một cái tội?”. Nhưng tôi chẳng làm được gì. Tôi đã góp ý với cô giáo chủ nhiệm, nhẹ nhàng cũng có, gay gắt cũng có, nhưng rồi ngay sau đó hậu quả là con tôi lãnh đủ. Tôi dặn con: “Cô giáo đã có thành kiến với mình thì con càng cố phải học giỏi, chăm ngoan hơn và phải biết giữ mình để cô không có cơ hội bắt… lỗi”.

Nhưng làm sao một cậu bé 13 tuổi có thể “giữ mình” suốt ngày này qua tháng khác. Một chút “sơ suất” cũng đủ để cô kết tội. Tôi nhớ, có lần tôi nhận được điện thoại của cô, hàm ý báo tin, cho dù cố “giữ gìn” lắm nhưng âm điệu vẫn không giấu được sự hả hê: “Chị, tiết văn vừa rồi H. đánh bạn trong giờ học, em đã cho viết bản kiểm điểm, chị ký tên giùm em rồi cuối tuần em xử lý”.

Đón con cuối giờ học, cháu khẳng định, con không hề đánh bạn, chỉ mạnh tay vứt cuốn sách xuống mặt bàn. Tối hôm đó, cô giáo chủ nhiệm điện thoại lại cho biết: “H. không đánh bạn, sự việc không có gì lớn, vì em nghe lớp trưởng nói mà đang trong giờ lên lớp nên báo vội cho chị biết chứ lúc đó em chưa kịp xác minh”. 

Nhiều lần cùng nghe ban đại diện cha mẹ HS lớp than phiền, tôi dự định sẽ lên làm việc với ban giám hiệu nhà trường xin đổi giáo viên chủ nhiệm cho lớp hoặc chuyển lớp cho con nhưng rồi lại băn khoăn: liệu ban giám hiệu có lắng nghe, có tin lời HS? Liệu cô giáo chủ nhiệm có chịu lắng nghe, thay đổi để hiểu và làm bạn với HS? Khi sự việc xảy ra, liệu ban giám hiệu có giữ thể diện cho HS hay họ lại vì giáo viên trước?

Rồi tôi an ủi: thôi thì coi như con mình cũng có một năm trải qua sự khắc nghiệt để tự hoàn thiện mình, tự biết cách ứng phó với đời, biết cách điều chỉnh bản thân, ít bị trầy xước… Chính suy nghĩ đó đã khiến con tôi phải chịu biết bao tổn thương về tinh thần, phải chịu đựng biết bao tiết học nặng nề và thất bại. Nhưng thất bại lớn nhất là cháu không còn giữ được hình ảnh đẹp về thầy cô, không còn nguyên tinh thần tôn sư trọng đạo mà cháu được dạy dỗ từ thuở bé… 

Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI