Thất bại khi thanh lọc “viện bảo tàng” của cha mẹ

29/01/2023 - 12:29

PNO - Trong căn nhà thời thơ ấu của tôi, mọi thứ dường như “không mất đi” mà chỉ “chuyển từ chỗ này đến chỗ khác”. Hễ nhà mất món đồ gì, ba mẹ đều nghi ngờ “thủ phạm” đầu tiên chính là cô con gái.

 

Với người già, mỗi món đồ dù cũ kỹ chắp vá, đều nguyên vẹn giá trị (ảnh minh họa)
Với người già, mỗi món đồ dù cũ kỹ hay chắp vá, đều nguyên vẹn giá trị (ảnh minh họa)

Mọi đồ vật đều quý báu

Đối với người lớn tuổi, mọi đồ vật đều rất đáng giá nên phải xài hết công dụng trước khi vứt bỏ. Nếu cần đưa những tấm gương sáng giá về tinh thần tái chế thì có lẽ ba mẹ tôi cũng có thể góp mặt. Ông bà có rất nhiều món đồ cũ kỹ được chắp vá đủ mọi phong cách.

Khi ba tôi nhìn thấy bất món đồ nào bị hỏng như chiếc dép rách, cái thau vỡ hay nắp nồi bị mất núm cầm thì ông sẽ lôi ngay đồ nghề ra sửa lại. Sau đó, tôi và mẹ sẽ có dịp trầm trồ khen ba chắp vá khéo hoặc bật cười khi thành quả không được đẹp mắt lắm.

Trong khi ba yêu thích tái chế thì mẹ tôi lại đam mê… tích trữ đồ đạc. Mẹ tuyên bố rằng: “Nhà này không vứt bỏ cái gì cả”. Điều này có nghĩa là mẹ tôi giữ lại tất tần tật quần áo từ thời con gái bao gồm cả những bộ được chị em để lại. Thật không thể tin nổi, mẹ tôi có đến 2 tủ quần áo to đùng đoàng trong phòng ngủ nhưng chỉ mặc chừng 5 - 7 bộ thôi. 

Trong căn nhà thời thơ ấu của tôi, mọi thứ dường như “không mất đi” mà chỉ “chuyển từ chỗ này đến chỗ khác”. 

Hồi ức về những năm tháng khó khăn

Nếu bạn đã từng trải qua một khoảng thời gian thiếu thốn kéo dài hơn 2 thập kỷ thì sẽ hiểu được cảm giác trân quý từng món đồ nhỏ. Căn nhà xưa cũ từ thập niên 80 - 90 lưu giữ lại gần như đầy đủ những ký ức rõ nét của những năm tháng khó khăn khi ba mẹ tôi còn trẻ…

Chiếc mền xanh bằng chất vải đay có tổng cộng 3 miếng vá lớn ở giữa, 3 miếng nhỏ bên mép phải và 2 miếng nữa bên mép trái chính là “của hồi môn” mà mẹ mang về từ nhà ngoại. Mỗi khi mùa đông lạnh giá ập đến, cả nhà lại co ro đắp chung một chiếc mền vừa mỏng vừa ngứa ấy. Trải qua bao nhiêu năm “chinh chiến”, chiếc mền giờ lủng vô số chỗ lại tiếp tục cuộc hành trình làm… tấm lót ủi đồ!

Hôm nọ, ba tôi nhờ may vài đường cho cái quần đùi bị rạn đường chỉ ở ngay giữa mông. Tôi cầm cái quần, không biết vá víu sao cho phải vì đắp miếng vải nào lên trông cũng xấu. Đến khi đưa thành quả, tôi phân trần: “Con không biết vá nên may nhíu lại vầy”.

Ba tôi nhìn cái quần không biết nói gì. Còn mẹ tôi không giấu nổi nụ cười: “Con đúng là không sống ở cái thời vá chằng vá đụp. Ngày đó, ai mà ra đường chỉ có 1 miếng vá là xịn xò lắm rồi đó!”

Mỗi chiếc áo của mẹ dù không mặc được nữa vẫn là cả một gia tài. Đây là một chiếc áo có thâm niên của mẹ tôi (Ảnh tác giả cung cấp)
Mỗi chiếc áo của mẹ dù không mặc được nữa vẫn là cả một "gia tài". Đây là một chiếc áo có "thâm niên" của mẹ tôi (Ảnh tác giả cung cấp)

Chiến dịch thanh lọc “viện bảo tàng”

Mỗi lần về quê, tôi hay lao vào các đống đồ bừa bộn để dọn dẹp và sắp xếp lại cho gọn gàng. Tôi hăm hở muốn “lập chiến công” cải tạo căn nhà để ba mẹ có không gian sống ngăn nắp. Cơ mà, mọi thứ chỉ trông có vẻ sạch sẽ hơn thôi chứ nhìn vẫn như cũ.

Chưa kể, tôi còn nhiều lần bị mẹ la rầy vì tội tự ý di chuyển vị trí hoặc vứt bỏ đồ đạc. Ba tôi thì chỉ lặng lẽ… đi nhặt lại đồ từ thùng rác đem vào cất chỗ khác. Hễ nhà mất món đồ gì, ba mẹ đều nghi ngờ “thủ phạm” đầu tiên chính là cô con gái "nghiện" sự ngăn nắp.

Thất bại với chiến dịch cải cách nhà cửa, tôi lại hăm hở mua đồ mới cho ba mẹ. Thế nhưng, hầu hết những món đồ tôi cất công chọn lựa đều không hợp với nhu cầu của ba mẹ. Dĩ nhiên, mẹ vẫn kiên quyết giữ lại những bộ quần áo cũ dù không mặc được nữa. Mẹ bảo: “Ngày xưa tiền lương tháng của giáo viên không mua đủ cái áo. Thế nên, giờ cái nào cũng là cả một gia tài”.

Thế là, tôi đành từ bỏ ý định thanh lọc lại “viện bảo tàng” của ba mẹ. Một trong những nguyên nhân khiến ba mẹ không nỡ vứt bỏ đồ đạc là bởi nó gợi nhớ ký ức vất vả ngày xưa. Nếu như ba mẹ không chịu khó tiết kiệm và “tái chế” thì có lẽ cũng khó lòng nuôi hai chị em ăn học tử tế. Thói quen này đã trở thành bản năng sinh tồn, làm sao mà dễ dàng thay đổi được.

Theo năm tháng trưởng thành, tôi cũng dần dần thấy yêu cái “viện bảo tàng” đặc biệt của ba mẹ. Tôi học được cách sống tiết kiệm bền bỉ để xoay xở với các vấn đề tài chính hiện tại của mình. Tất nhiên, tôi vẫn có thể chọn một hướng đi khác biệt, nhưng không nên bắt ba mẹ phải thay đổi. Hãy để ba mẹ được sống tự do trong ngôi nhà của mình.

Thảo Viên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI