Thấp thỏm sau tiếng trống khai trường

19/09/2018 - 13:00

PNO - Đầu tháng Chín, để chuẩn bị cho hai đứa con nhập học, vợ tôi tìm mua hai bộ sách giáo khoa mới. Nhưng sau vài ngày vào lớp, cả hai đứa đi học về mặt tiu nghỉu: “Ba mẹ mua thiếu sách tùm lum”.

Là vì vợ tôi quên mất cái lệ “học trường nào thì phải mua trọn bộ sách giáo khoa ở trường đó” mới… đúng và đủ. Thế là cô ấy phải gọi điện thoại cho mấy phụ huynh có con học cùng để xác định con mình còn thiếu sách gì. Kết quả, những quyển còn thiếu phần lớn là sách đọc thêm tiếng Anh, khoa học, mỹ thuật - những quyển rất khó tìm ngoài nhà sách.

Nhìn những quyển sách mới cứng của con, tôi cảm thấy xót xa. Bộ nào cũng có giá vài trăm ngàn đồng mà cứ sau mỗi năm học lại vứt bỏ mà không thể dùng lại được cho đàn em như chúng tôi ngày trước. Đó là chưa kể, trong những bộ sách mà các cháu phải có không ít quyển hầu như không sử dụng tới, đến cuối năm vẫn còn nguyên.

Thap thom sau tieng trong khai truong

Bao khoản quỹ trường khiến phụ huynh chóng mặt

Sau hồi trống khai giảng, cũng là thời điểm báo chí nhắc lại chuyện muôn thuở: lạm thu. Nói thật, nhiều phụ huynh rất sợ đi họp đầu năm - những buổi họp thường kết thúc với yêu cầu đóng góp các khoản. Ngoại trừ một số ít trường hợp nhà có điều kiện, đại đa số người dân nghèo đều cảm thấy nặng nề. Chúng tôi thường an ủi: dù sao con cái mình cũng đã được miễn học phí ở bậc tiểu học và sắp tới đây là THCS. 

Nhưng nói thật, khoản học phí từ 85.000-120.000 đồng/tháng ở bậc THCS, chẳng bõ bèn gì so với các khoản thu khác. Riêng khoản thu theo thỏa thuận của một học sinh lớp Sáu đã hơn 600.000 đồng/tháng, gồm tiếng Anh tăng cường (160.000 đồng/tháng), tin học (80.000 đồng/tháng), Anh văn bản ngữ (240.000 đồng/tháng), thể dục tự chọn (147.000 đồng/tháng). Có thể nhà trường sẽ bảo rằng những thứ ấy không bắt buộc. Nhưng tiếc thay, những thứ không bắt buộc ấy lại rất cần cho con trẻ sau này. Vả lại trong môi trường sư phạm đâu thể phân biệt giàu - nghèo, đâu thể để con người ta học - còn con mình thì ngồi nhìn. Rồi còn bao khoản khác như vệ sinh, nước uống, sửa chữa phòng học, mua sắm rèm cửa, ghế ngồi, máy tính, quỹ lớp, quỹ trường, học thêm… khiến phụ huynh chóng mặt.

Thap thom sau tieng trong khai truong
Ngao ngán những buổi họp phụ huynh (Ảnh minh hoạ)

Không biết, những người làm giáo dục hôm nay có nhìn thấy những lát cắt đời sống nhân dịp năm học mới? Nhưng nhìn vào chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT năm học 2018-2019 của TP.HCM cho thấy nó khá phong phú và sâu sát. Để “xây dựng một xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng và thuận lợi để mọi người dân thành phố được học tập suốt đời, tạo ra nguồn nhân lực tương lai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế” như chỉ thị vạch ra, chúng ta nên nghĩ nhiều đến tính chân chính của nền giáo dục.

Nền giáo dục chân chính nhằm đào tạo con người hướng tới mục tiêu cuối cùng là tình yêu và trách nhiệm xã hội, đồng thời, cụ thể hóa bằng những nghĩa vụ mà con người sẽ phải tham gia gánh vác khi trưởng thành. Chân chính không thể chấp nhận nếp nghĩ con buôn trong cái thiết chế mang tính quốc sách của mọi đất nước. Chân chính chắc chắn không phải dặm dài những sợ hãi “chạy trường, lạm thu, cải cách giáo dục, sách giáo khoa, chương trình học nặng nề…” đang tiếp diễn triền miên trong xã hội đầy nỗi âu lo. 

Quốc Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI