"Thấp thỏm" lo đấu thầu trong năm học mới

27/08/2024 - 17:40

PNO - Trường học TPHCM thấp thỏm với nỗi lo có hay không phải đấu thầu, khi tổ chức các hoạt động phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong năm học mới.

Tổ chức dạy tiếng Anh, tin học, STEM... cũng phải đấu thầu?

Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Trong đó, Điều 2 về Đối tượng áp dụng quy định: "Luật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu bao gồm: Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để:

- Thực hiện dự án đầu tư, dự toán mua sắm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác.

Tổ chức dạy tin học quốc tế cũng phải đấu thầu?
Tổ chức dạy tin học quốc tế cũng phải đấu thầu? (ảnh:QTr)

- Cung cấp sản phẩm dịch vụ công; mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; mua hàng dự trữ quốc gia, thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia, trừ hoạt động mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

- Thực hiện các công việc khác phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật có liên quan".

Căn cứ theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, tại TPHCM, một số địa phương như quận 12, TP Thủ Đức đã có nội dung đề cập đến việc nhà trường thực hiện đấu thầu khi triển khai tổ chức các hoạt động giáo dục chương trình liên doanh, liên kết; các hoạt động phụ trợ phục vụ học sinh trong năm học mới 2024-2025. Song, vẫn chờ hướng dẫn chính thức từ thành phố.

Trong khi đó, nhiều địa phương khác hiện vẫn "án binh bất động" với tâm thế chờ đợi văn bản chính thức từ thành phố, mà cụ thể là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở GD-ĐT…

Sát năm học mới, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này vẫn chưa có, khiến các nhà trường chưa thể vui trọn vẹn niềm vui đón năm học mới, vì còn thấp thỏm nỗi lo phải đấu thầu khi tổ chức các hoạt động dịch vụ, phục vụ giáo dục như giảng dạy tiếng Anh, tin học, kỹ năng sống, STEM... cho đến các hoạt động bán trú, khám sức khỏe đầu năm học.

"Nhà trường đã tìm hiểu về các quy định đấu thầu theo Luật mới, và thông tin đến các đơn vị đối tác tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ giáo dục cho nhà trường, chuẩn bị sẵn tâm thế nếu phải thực hiện đấu thầu khi tổ chức. Tuy nhiên, thành phố cần sớm có hướng dẫn để trường chủ động, vì năm học mới đã đến rất gần"- hiệu trưởng một trường tiểu học TPHCM chia sẻ.

Cần có hướng dẫn càng sớm càng tốt

Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp kiến nghị thành phố cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc có hay không các cơ sở giáo dục công lập phải tổ chức đấu thầu, khi triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ, phục vụ giáo dục trong năm học 2024-2025, để địa phương, nhà trường an tâm.

Nếu bắt buộc phải đấu thầu, thì các sở ngành liên quan cần sớm có hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhất, để địa phương, nhà trường căn cứ vào đó thực hiện đúng quy định, kịp thời cho năm học mới.

Trong trường hợp hướng dẫn chưa kịp ban hành trước năm học mới, thì trong thời gian chờ hướng dẫn cũng cần thiết phải có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện, vì các hoạt động giáo dục trong năm học không thể chờ đợi.

Tuy nhiên, ông Trịnh Vĩnh Thanh cho rằng, các nội dung liên quan đến hoạt động hỗ trợ phục vụ giáo dục trong các trường công lập nếu phải qua đấu thầu khi tổ chức là chưa phù hợp.

Do đây là các hoạt động thu hộ - chi hộ, tinh thần tự nguyện tham gia của phụ huynh học sinh, nhà trường chỉ thực hiện chi trả theo từng tháng khi phụ huynh học sinh đóng góp, chứ không hề có “vốn” từ trước đó để đấu thầu.

Điều quan trọng nhất đó là đặc thù của giáo dục với tính liên tục, ổn định trong từng khối lớp, cấp học, năm học. Không thể năm nay đấu thầu đơn vị này tổ chức, năm sau lại tổ chức với đơn vị khác trúng thầu.

Theo nhà trường, địa phương, thành phố cần sớm có hướng dẫn cụ thể để trường tan tâm thực hiện
Các địa phương, nhà trường kiến nghị thành phố cần sớm có hướng dẫn cụ thể để trường an tâm thực hiện (ảnh: QTr)

Ngoài ra, khi lựa chọn đối tác phối hợp để tổ chức các nội dung, chương trình giáo dục như tiếng Anh, tin học hoặc kỹ năng sống… ngoài yếu tố về chương trình, giá thành, các yếu tố hành chính, thì để tổ chức có hiệu quả còn đến từ nhiều yếu tố cần phải được quan tâm. Chưa chắc đơn vị có giá thành phù hợp đã tương xứng với chất lượng hoặc ngược lại…

“Hiện nay, khi đã trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục thì cần thêm nữa cơ chế để nhà trường được thực sự tự chủ về chương trình, môi trường giảng dạy. Thay vì tổ chức đấu thầu, thì cần hơn hết là phát huy tối đa hoạt động của hội đồng trường.

Nhà trường chịu trách nhiệm về chương trình, mục tiêu, định hướng đầu ra khi triển khai các chương trình liên kết giáo dục trong trường để chọn lựa đơn vị phù hợp; phụ huynh đóng vai trò góp ý, giám sát. Sở GD-ĐT đóng vai trò xác định tiêu chí khi thực hiện các chương trình để phù hợp với các quy định mới” - ông Thanh kiến nghị.

Theo ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hoá Xã hội, HĐND TPHCM, nếu các khoản thu trong nhà trường đều phải tổ chức đấu thầu sẽ rất khó. Bởi đầu năm học, sau khi có các khoản thu chi, trường mới bắt đầu thông báo để phụ huynh nộp và thực hiện. Nếu thực hiện đấu thầu phải trải qua một quy trình mất rất nhiều thời gian, có khi mất nguyên học kỳ. Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu thầu cũng khá phức tạp…

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI