Thấp thỏm lo cháy, nổ ở loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh

29/06/2024 - 06:14

PNO - Từ thực tế các vụ cháy cho thấy, nhà trong ngõ hẻm, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh... là những địa điểm có nguy cơ cháy, nổ cao. Trong khi các quy định về phòng cháy chữa cháy liên quan còn nhiều chỗ chưa chặt chẽ, rõ ràng.

Nhiều loại hình nhà có nguy cơ cháy, nổ

Chiều 27/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) dẫn lại nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong thời gian qua, như vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, TP Hà Nội (56 người chết, 37 người bị thương), vụ cháy nhà ở tại ngõ Trung Kính, TP Hà Nội (14 người chết)...

Nguyên nhân dẫn tới cháy nổ có việc lắp đặt hệ thống PCCC không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, ý thức của chủ hộ về PCCC còn hạn chế, phương án thoát hiểm không đảm bảo an toàn...

Hiện nay, dù đã có nhiều quy định về PCCC, nhưng theo ông Nghĩa, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, bởi xuất hiện nhiều loại hình nhà ở mới như: nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở chuyển đổi công năng thành khách sạn - nhà nghỉ, nhà ở kết hợp kinh doanh... Vì vậy ông đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung các quy định PCCC, nhất là quy định đặc thù phù hợp với điều kiện đất nước.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, PCCC với nhà ở là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt với nhà ở trong ngõ, hẻm, chung cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh... nhưng dự thảo lại chưa quy định cụ thể đối với các loại hình này. Do đó, ông Mai đề nghị ban soạn thảo khảo sát kỹ lưỡng tác động với các loại hình này để quy định được chặt chẽ, không để “bà hỏa” liên tục ghé thăm.

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) nhấn mạnh, công tác PCCC phải được đặt ra hàng đầu nhằm hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ. Ngoài quy định về công tác thẩm tra, thẩm định thiết kế, thì ưu tiên nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài là giải pháp có chất lượng.

Khi có tình huống xảy ra, yêu cầu công tác cứu nạn cứu hộ phải nhanh chóng, hiệu quả. Ông Thanh dẫn báo cáo của Bộ Công an cho thấy, các phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ chữa cháy, cứu hộ hiện còn thiếu, lạc hậu, kém chất lượng.

Ông đề nghị Nhà nước cần có ngay biện pháp phù hợp để giải quyết nhanh nhất; đầu tư nguồn lực để mua sắm, trang bị phương tiện PCCC - cứu hộ cứu nạn tiên tiến, kể cả máy bay...

Tiêu chuẩn phòng cháy rườm rà nhưng không hiệu quả

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đánh giá, việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC trong thời gian qua đã góp phần giảm rủi ro cháy nổ. Nhưng trong số hơn 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, thì có trên 100 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia quy định trực tiếp về PCCC.

Vấn đề là, theo bà Tú Anh, có các quy chuẩn vừa được ban hành đã được thay thế bằng tiêu chuẩn mới. Cụ thể là 3 năm 3 quy chuẩn, dẫn đến việc đọc để hiểu những thay đổi đã rất vất vả, chứ chưa nói đến triển khai thực hiện. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn thiếu thực tế, không khả thi. Từ đó, bà mong Bộ Công an rà soát và sửa lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC, không gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết đã tiếp nhận ý kiến của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh về quy định thẩm tra, thẩm định thiết kế PCCC. Theo đó, các quy định quá khắt khe, áp dụng các tiêu chuẩn của châu Âu, không phù hợp với thực tế Việt Nam.

Trong khi đó, thiết kế PCCC tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy vốn có mức đầu tư rất cao, giá vật tư rất đắt đỏ. Nếu mua không đúng tiêu chuẩn, thương hiệu theo quy định thì doanh nghiệp không được cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh.

Trong khi, những vụ cháy lại thường xảy ra ở các khu nhà ở xuống cấp, quán karaoke, nhà trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà trong hẻm, nơi chứa chất dễ cháy, các địa điểm chữa cháy khó khăn...

Vì vậy, ông Hòa kiến nghị, nên phân biệt từng loại hình nhà, xưởng để có những quy định chặt chẽ, hiệu quả. Nếu chỉ có 1 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung chung cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xem ra chưa hợp lý.

Lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn trong vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại phố Định Công Hạ (TP Hà Nội) vào tối 16/6 - ẢNH: NGỌC LINH
Lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn trong vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại phố Định Công Hạ (TP Hà Nội) vào tối 16/6 - ẢNH: NGỌC LINH

Bắt tất cả ô tô trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy là không hợp lý

Theo ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định), trong 10 năm qua, cơ quan PCCC đã cấp hơn 136.000 giấy xác nhận, thẩm định về PCCC. Đối tượng phải thẩm định rất lớn, nhưng trong báo cáo tổng kết không thấy nêu rõ hiệu quả của giấy xác nhận.

Về quy định bổ sung thêm thủ tục thẩm tra thiết kế về PCCC, theo dự thảo luật, theo ông Ba sẽ là “thẩm định kép”. Ông đề nghị, phải nghiên cứu xem có thật sự cần thiết hay không.

Về quy định trang bị thiết bị PCCC với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới, kể cả xe 4 chỗ, ông Ba cho rằng trước đây đã có quy định này, nhưng năm 2015, khi Bộ Công an ban hành hướng dẫn, có nhiều điểm khó khả thi. Năm 2020, Bộ Công an điều chỉnh hướng dẫn, chỉ bắt trang bị phương tiện PCCC với ô tô 10 chỗ trở lên.

Do vậy, ông đề nghị, tại dự thảo luật lần này, cần phải quy định chi tiết, rõ ràng. Ông Ba khẳng định, nếu quy định xe ô tô cá nhân từ 4-9 chỗ phải trang bị phương tiện PCCC là không hợp lý vì thiết kế của xe đã đảm bảo vấn đề này.

Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo bỏ quên trẻ

Sáng 27/6, với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Luật bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non (gọi tắt là học sinh); hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với đưa đón học sinh thì phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.

Xe phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi. Khi đưa đón học sinh, phải bố trí tối thiểu 1 quản lý trên xe để hướng dẫn, giám sát.

Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên, chở từ 27 trẻ mầm non và học sinh tiểu học trở lên, thì phải bố trí tối thiểu 2 quản lý trên mỗi xe. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra khi các em xuống xe; không được để các em trên xe khi quản lý và lái xe đã rời xe.

Luật cũng quy định, lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách. Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ; hướng dẫn cho lái xe, người quản lý nắm vững và thực hiện đúng quy trình.

Đồng thời, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên ô tô, trẻ không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe, trừ loại xe chỉ có 1 hàng ghế; lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ.

Liên quan tới vấn đề nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ kế thừa quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Theo đó, cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - cho biết, trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này.

Kết quả, có 293 đại biểu (75,52%) nhất trí với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Luật cũng bổ sung quy định: giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định vi phạm.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu