Thắp sáng ước mơ cho học sinh khiếm thị

28/03/2022 - 05:52

PNO - Bị khiếm khuyết về đôi mắt nên con đường phía trước của các em cũng sẽ không hề bằng phẳng. Nhưng với tinh thần, nghị lực và sự cần cù ở các em, ai cũng tin rồi các em sẽ chạm đến ước mơ.

Sáng cuối tuần qua, tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), đông đảo học trò khiếm thị từ các cơ sở giáo dục trong thành phố đã tập trung về đây. Các em tay vịn vai nhau và được các thầy cô dắt vào hội trường để chuẩn bị cho lễ trao học bổng Ánh Sen do Thư viện sách nói Hướng Dương tổ chức.  
Năm nay là năm thứ 21 Thư viện sách nói Hướng Dương duy trì học bổng. Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc thư viện - cho biết: “Sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, đây là thời điểm khó khăn nhất của thành phố và của mọi gia đình. Nhưng chúng tôi vẫn nhận được rất nhiều tấm lòng, sự hỗ trợ từ các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Đến nay, Quỹ từ thiện sách nói cho người mù đã vận động được 265 suất học bổng với tổng giá trị là 530 triệu đồng”.
Em Nguyễn Thị Anh Thư - một học sinh từng nhiều năm nhận được học bổng Ánh Sen - bộc bạch: “Nhận học bổng, con sẽ để dành để mua đồ dùng học tập mà không phải xin mẹ quá nhiều”. Mẹ Anh Thư làm thợ may, ba làm công nhân. Năm 2021 vừa qua, gia đình em gặp rất nhiều khó khăn khi cả ba và mẹ đều mất việc vì dịch. Nhờ có năng lực học tập tốt nên từ lớp Hai Anh Thư được chuyển sang học hòa nhập cùng các bạn mắt sáng. Mỗi ngày, mẹ đưa Thư tới cầu thang rồi em tự lên lớp. Mọi sinh hoạt cá nhân em đều tự làm. Nói về ước mơ, cô bé bẽn lẽn: “Con chưa nghĩ đến nhưng chắc làm cô giáo dạy trẻ khiếm thị giống mình sẽ dễ dàng hơn, vì con hiểu được nhu cầu của các em”. 

Lễ trao học bổng Ánh Sen cho học sinh khiếm thị
Lễ trao học bổng Ánh Sen cho học sinh khiếm thị

Em Huỳnh Ngọc Hiếu lại thể hiện được bản lĩnh của một anh lớn với màu áo xanh của Đoàn Thanh niên: “Người khiếm thị hòa nhập tốt hay không đều do cách suy nghĩ và thể hiện trong giao tiếp với mọi người. Con đã hòa nhập rất tốt cùng với các bạn mắt sáng. Chúng con hỗ trợ nhau học tập. Cuối tuần cũng có khi hẹn nhau đi chơi”.  

Mười năm liền, Hiếu đều là học sinh giỏi. Em cho biết, so với các bạn bình thường, em phải dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Ngoài giờ học trên trường, mỗi ngày em đều dành 3 - 4 giờ để học và làm bài tập ở  nhà. Những ngày có bài kiểm tra hoặc chuẩn bị bước vào kỳ thi, có khi em phải thức cả đêm.

Hiếu cũng đang ấp ủ giấc mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Với học bổng nhận được, em sẽ xin thêm tiền của mẹ để mua chiếc laptop mới. 

Bị khiếm khuyết về đôi mắt nên con đường phía trước của các em cũng sẽ không hề bằng phẳng. Nhưng với tinh thần, nghị lực và sự cần cù ở các em, ai cũng tin rồi các em sẽ chạm đến ước mơ. Với niềm tin đó, bà Trần Thị Mỹ Thành, 72 tuổi, một trong những người sáng lập quỹ học bổng, trải lòng: “Xây dựng quỹ học bổng, chúng tôi muốn tiếp sức, đỡ đầu để trẻ khiếm thị có điều kiện tốt hơn trong học tập; tiếp thêm sức lực các em vươn đến những ước mơ. Hy vọng chương trình sẽ tiếp tục nhận được nhiều tấm lòng để cùng nhau chăm lo cho trẻ em 
khiếm thị”. 

Về phía Thư viện sách nói Hướng Dương, cùng với chương trình học bổng, đơn vị cũng đã và đang cố gắng làm nhiều hơn nữa cho người khiếm thị. Trong năm qua, dù dịch bệnh hoành hành, nhưng đơn vị vẫn duy trì việc thu âm trên 80 đầu sách và đưa lên website thuviensachnoihuongduong.com để phục vụ người khiếm thị. Theo kế hoạch, trong năm 2022, thư viện vẫn tiếp tục thu âm các bộ sách giáo khoa, duy trì việc tặng USB sách nói, mở lớp dạy sử dụng smartphone...”. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI