Tháp nghiêng “Pisa thứ hai” trước nguy cơ sụp đổ

29/03/2024 - 19:01

PNO - Chính quyền thành phố Bologna ở Ý đang tìm cách chống đỡ tháp Torre Garisenda, khi độ nghiêng của công trình ngày càng lớn.

Chính quyền thành phố Bologna đã phong tỏa khu vực xung quanh chân tháp Torre Garisenda, trước lo ngại công trình quá nghiêng và có thể sụp đổ — Ảnh: Getty Images
Chính quyền thành phố Bologna đã phong tỏa khu vực quanh chân tháp Torre Garisenda, trước lo ngại công trình quá nghiêng và có thể sụp đổ — Ảnh: Getty Images

Một tháp nghiêng khác của Ý là tháp Torre Garisenda ở thành phố Bologna đang có nguy cơ sụp đổ, khiến chính quyền địa phương phải tìm cách cứu công trình. Phương án được lựa chọn cũng chính là giải pháp đã từng cứu tháp nghiêng Pisa, theo CNN đưa tin ngày 28/3.

Nước Ý nổi tiếng với tháp Pisa, hiện nghiêng 3,9 độ, nhưng tháp Torre Garisenda còn nghiêng hơn, với góc 4 độ. Công trình này cao 48 mét (158 feet), được khởi công từ năm 1109, trước cả tháp Pisa, và nghiêng dần trong 2 thế kỷ sau đó.

Cuối năm ngoái, khu vực đường phố xung quanh tháp Garisenda đã bị phong tỏa cho đến giờ. Các nhà khoa học đã theo dõi cấu trúc, phát hiện có chuyển động, vết nứt, và kết luận rằng công trình có nguy cơ cao sụp đổ.

Hôm thứ Tư ngày 27/3 vừa qua, Thị trưởng Matteo Lepore của Bologna đã chính thức tuyên bố giải pháp để cứu tháp Garisenda.

Theo đó, cấu trúc gồm các trụ, dây cáp và dàn giáo thép sẽ được triển khai để điều chỉnh độ nghiêng của công trình, như cách tháp Pisa đã được cứu trước đó.

Thị trưởng Lepore cho biết, nhóm thi công sẽ mất khoảng 6 tháng để điều chỉnh các thiết bị từng được sử dụng cứu tháp Pisa, cho phù hợp với tháp Garisenda, với chi phí toàn bộ hoạt động khoảng 19 triệu euro (khoảng 20 triệu USD).

Truyền thông địa phương cho biết, sau khi 2 cấu trúc thép được dựng lên và thích ứng với Garisenda, công việc gia cố sẽ bắt đầu trên tòa tháp, bao gồm việc bơm hỗn hợp vữa tương thích với hỗn hợp vữa ban đầu được sử dụng cách đây gần 9 thế kỷ. Dây cáp nối các trụ với giàn giáo gắn vào tháp sẽ được siết chặt, giúp giảm áp lực ở chân tháp.

Tháp Pisa - di sản thế giới được UNESCO công nhận - từng nghiêng 4,5 độ vào đầu thập niên 1990, làm dấy lên lo ngại tòa tháp có thể bị sập, và những nỗ lực để cứu công trình đã diễn ra suốt từ năm 1993 đến năm 2001.

Trường An (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI