Thắp lại ngọn đuốc “lương sư hưng quốc”

22/02/2014 - 07:34

PNO - PN - Những ngày này, tôi lại nhớ đến bài tập đọc "Học trò nhớ ơn thầy" trong Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng, kể câu chuyện của ông Carnot: “Khi ông đi ngang qua tràng học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bây giờ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Câu chuyện ngắn gọn, đọc thấy rưng rưng. Rõ ràng, bất kỳ thời đại nào, tinh thần tôn sư trọng đạo cũng được xã hội đặt lên mức thang giá trị cao nhất. “Không thầy đố mày làm nên”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Trong bách nghệ, nghề thầy quý hơn cả”, “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu quý thầy”... Từ ngàn đời, tinh thần “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã trở thành bài học khai tâm. Không chỉ dạy chữ, người thầy còn phải tu dưỡng tính tình, đạo đức để trở thành tấm gương mẫu mực cho các thế hệ môn sinh noi theo. Có những hành động, lời nói mà người ở ngành nghề khác nếu vi phạm, dư luận xã hội có thể châm chước, nhưng với người thầy, lại không thể.

Thap lai ngon duoc “luong su hung quoc”
Em Dương Văn Thắng Lợi, HS lớp 4 với cánh tay trái phải bó bột do bị cô giáo (Q.7, TP.HCM) đánh gãy xương

Sự nghiêm khắc đó là cần thiết, bởi môi trường giáo dục có một đặc thù riêng biệt. Ở đó, dù cơ sở giảng dạy còn thiếu thốn, đời sống thầy cô còn chật vật nhưng không thể thiếu tấm lòng yêu thương dành cho “thế hệ tương lai của đất nước”. Các bậc phụ huynh thường tâm đắc với câu “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, do đó, khi gửi con đến trường, họ luôn mong mỏi các thầy cô dạy con mình phát huy tính thiện ấy. Thế nhưng, gần đây dư luận bàng hoàng trước tình trạng không ít thầy cô giáo hành xử phản giáo dục. Còn có cái ác nào khủng khiếp hơn, khi người thầy nhẫn tâm dụ dỗ cô học trò phải “biết điều” với mình về “chuyện ấy”? Còn có sự táng tận lương tâm nào hơn, khi bảo mẫu đánh đập các trẻ mầm non như tra tấn tội phạm?

Trước những thông tin khủng khiếp ấy, ta lại tự trấn an: “Ối dào, chỉ là cá biệt”. Vâng, chỉ là cá biệt nhưng sao lại ngày càng phổ biến? Mới đây, ta điếng lòng biết một cô giáo ở Q.7 đã đánh gãy xương cậu học trò lớp 4; một thầy giáo ở Bình Định đã tát tai học trò và không ngờ, “tức nước” đã “vỡ bờ” - học trò đã đánh trả lại! Lâu nay, những tưởng chuyện sử dụng bạo lực chỉ có ngoài xã hội, không ngờ nó đã len lỏi vào tận môi trường giáo dục.

Với lối “dạy” ấy, thử hỏi thầy cô giáo đã vẽ lên những “trang giấy trắng” các gam màu gì? Trên mạng xã hội, có comment khiến ta phải trằn trọc, ngẫm nghĩ: “Ai nói gì thì chịu chứ tôi nghĩ học sinh cần phải được dạy cách phản kháng. Trong trường hợp này, bạn học sinh đã tự vệ đúng. Xin đừng mang cái chủ nghĩa tôn sư trọng đạo ra đây để ép học sinh. Là con người phải bình đẳng dù bạn là ai”. Ý kiến này chưa hẳn đã đúng, nhưng rõ ràng, ngành giáo dục phải xem lại chiến lược đào tạo lâu nay của mình liệu có đúng hướng? Cho đến phút cuối đời, nhà văn hóa Nguyễn Văn Tố còn kể rằng, ông vẫn nhớ như in bài học khai tâm của thầy lúc chập chững vào đời: “Học để làm gì? Học để làm người”. Thế thì sự càn quấy như “đổi tình lấy điểm”; nặng lời miệt thị học trò như “ăn thua đủ” ngoài chợ đời là không thể chấp nhận.

Sự dạy dỗ bằng bạo lực lại càng đáng lên án, bởi nó đem lại sự thù hận. Những cô cậu học trò ấy sau này bước vào đời, mãi mãi không bao giờ có được giây phút như ông Carnot; không bao giờ được như nhân vật trong Tâm hồn cao thượng của Edmond De Amicis là đến thăm thầy để thốt lên: “Cám ơn thầy đã dạy dỗ con”. Đó không phải bất hạnh của người học trò mà còn là nỗi lo về tương lai của xã hội. Có gì nguy hiểm hơn, đáng âu lo hơn, khi đứa trẻ lớn lên không còn giữ được hình ảnh tốt đẹp về người thầy?

Tất nhiên, các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những vụ việc trên, như ta thường nghe sau khi xảy ra một sự cố nào đó. Nhưng, việc xử lý một con người cụ thể, chỉ là mới giải quyết phần ngọn. Cái gốc của hiện trạng là phải nhìn nhận và dũng cảm thay đổi. Sẽ là khôi hài, nếu chỉ mỗi ngành giáo dục thay đổi là ngay lập tức “thầy ra thầy, trò ra trò”, mà còn cần đến môi trường xã hội nói chung phải có sự thay đổi. Gia đình, nhà trường khó có thể giữ được vô nhiễm khi xã hội không có những đổi thay đồng bộ. Phải có sự chuyển biến chung thì may ra mới có thể thắp lại được ngọn đuốc “lương sư hưng quốc”.

LÊ MINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI