“Thập diện” chôm chỉa ở ký túc xá sinh viên

10/06/2013 - 20:37

PNO - PN - Để có tiền mua thuốc hút chích, mới đây, hai con nghiện tìm đến các khu nhà trọ, ký túc xá (KTX) Trường THPT Nội trú, Trung tâm Dạy nghề huyện Quỳ Châu, Nghệ An dùng dao uy hiếp, gí kim tiêm để cưỡng đoạt tài sản của học sinh....

“Thap dien” chom chia o ky tuc xa sinh vien

KTX ĐH Công nghiệp ra vào dễ dàng, không cần xuất trình giấy tờ hay bị kiểm tra

Hở ra là mất

Làng ĐH Thủ Đức là nơi tập trung đông đảo SV của sáu trường ĐH trong khối ĐH Quốc gia và một số trường lân cận. An ninh kém đang gây lo lắng cho không ít SV ở đây. “Việc SV bị mất tài sản kể cả ngày cũng không hết” - H.T.P. (ở khu A KTX, làng ĐH Thủ Đức) khẳng định. P kể: “Mới đây, phòng em bị mất hai chiếc laptop chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút. Lúc đó, cả phòng đang ngủ trưa thì một người lạ mặt đứng ngó nghiêng trước cửa phòng rồi vờ xin nước uống. Người đàn ông đó đi khỏi được một lúc, cả phòng mới phát hiện, hai chiếc laptop trong phòng không còn nữa”.

Theo quy định, để vào được KTX, khách phải trình giấy tờ tùy thân, nói rõ họ tên người định vào thăm, ở phòng nào, tầng nào và vào với lý do gì thì mới qua được cổng bảo vệ. Nhưng, quy định đó dường như chỉ áp dụng với người nhà hoặc bạn của SV. Thực tế, vào được KTX rất đơn giản, chỉ cần trèo qua bức tường bao quanh, cao 1,5m. “Em là con gái còn trèo qua được huống chi nam giới. Bọn em đi chơi khuya về là… trèo tường vào”, P. nói.

Ở KTX của hai trường ĐH Nông Lâm và ĐH Thể dục thể thao, SV và người ngoài có thể ra vào tự do. Khi chúng tôi vào, trước cư xá D - ĐH Nông Lâm có một người bảo vệ nhưng chúng tôi không bị bắt trình thẻ hay “thăm hỏi” câu nào. Việc quản lý lỏng lẻo là điều kiện thuận lợi cho những kẻ xấu tung hoành. Diễm Thúy, SV năm ba trường ĐH Nông Lâm cho biết: “Mỗi dãy đều có bảo vệ nhưng họ ít đi kiểm tra. Có đợt, KTX bị mất gần 20 cái laptop”. H.T., SV năm tư Trường ĐH Thể dục thể thao nhận xét: "An ninh của trường mình lỏng lẻo nhất. Bảo vệ chỉ kiểm tra bên trong mấy ngày đầu năm và cuối năm học, còn lại chỉ đi vòng ngoài. Bạn bè ra vào tự do. Phòng mình 12 người mà đã có đến hai, ba người ở chui rồi”.

Tại khu B KTX làng ĐH Thủ Đức, chuyện SV mất tiền, điện thoại, laptop… xảy ra thường xuyên, nhưng thủ phạm lại chính là SV trong KTX. N.T.D. (Trường ĐH Khoa học tự nhiên) cho biết: “Trong KTX có những nam sinh mê cá độ bóng đá thường tìm cách lấy tài sản của người khác bán trả nợ”. D. cũng từng là nạn nhân, được ba mẹ gửi hơn bốn triệu để đóng học phí và chi tiêu trong tháng, nhưng mới vài ngày thì toàn bộ số tiền biến mất. Khi bảo vệ can thiệp, D. mới biết thủ phạm chính là người trong phòng. Đến nay, thủ phạm vẫn chưa trả hết số tiền đã “chôm” của D. “Từ ngày bị bạn trong phòng lấy tiền đến nay, lúc nào em cũng phải mang những vật có giá trị bên mình, ngay cả đi ăn và đi vệ sinh…”.

Các SV ở đây kể: tại các hành lang KTX thường có nhiều người lạ đi quan sát xung quanh, dán mắt vào những phòng không đóng cửa. Chỉ cần các SV sơ hở là tài sản “không cánh mà bay”.

Đồ ai nấy giữ

Ngược với những phản ánh của SV, đại diện KTX của Trường ĐH Công nghiệp cho rằng, tình hình an ninh ở đây rất đảm bảo, từ lâu đã không còn tình trạng SV trong KTX bị mất tài sản. “Nếu có người lạ mặt vào, các em SV sẽ báo lại hoặc hệ thống camera sẽ theo dõi rồi định vị để chúng tôi nhận diện đối tượng. Bất cứ thời gian nào KTX cũng có người đi tuần và trực thì không thể có chuyện mất cắp trong KTX”. Nhân viên này cho biết, trường đã lắp camera theo dõi ở khắp nơi trong KTX, có người trực 24/24, nên dù không kiểm tra giấy tờ gắt ở cổng nhưng an ninh rất đảm bảo. Tuy nhiên, SV ở KTX mất đồ lại không muốn phản ánh vì nghĩ cũng không giải quyết được gì. Để sống chung với tình trạng cướp giật, các SV trong KTX chỉ biết bảo nhau phải tự bảo quản tài sản của mình.

Những KTX kiểm tra chặt chẽ như KTX ĐH Quốc gia hay KTX xã hội hóa, tình trạng mất đồ ít khi xảy ra. Ông Trần Văn Lâm (Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Hưng Á thuộc ban quản lý KTX xã hội hóa) cho biết, KTX xã hội hóa đã hoạt động 5 năm nhưng chưa bao giờ nghe SV báo đã mất tài sản. Ông Lâm nói: “Chúng tôi kiểm tra rất nghiêm ngặt những người ra vào cổng KTX. SV ra vào đều phải đeo thẻ do KTX cấp, người ngoài phải xuất trình giấy tờ và có người trong KTX bảo lãnh. Các bảo vệ còn đi tuần xung quanh 24/24 nên người ngoài rất khó lẻn vào trong”.

Hiện nay, ban quản lý các KTX đều nêu khó khăn chung là địa bàn quá rộng, lực lượng bảo vệ mỏng nên khó có thể bao quát hết. Bảo vệ đi tuần ở khu này thì trộm nhảy rào ở khu vực khác, rất khó phát hiện. Để tự “cứu mình”, các SV chỉ còn biết nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo quản tài sản của mình và của bạn bè. Nếu ra ngoài phải khóa cửa cẩn thận và không nên để đồ đạc quý giá lại phòng.

 Thân - Huệ - Luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI