Ngày 30/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn luật sư TP.HCM, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình - xoay quanh vấn đề hộ khẩu và việc đơn giản hóa một số thủ tục theo Nghị quyết 112/NQ-CP.
|
Bỏ hộ khẩu, người dân nhập cư ở các đô thị lớn sẽ bớt khổ |
- Quy định về hộ khẩu ở nước ta có từ khi nào? Ông đánh giá thế nào về các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu?
- Luật sư Trần Minh Hùng: Vào năm 1957, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Thông tư 495-TTg quy định một số biện pháp hạn chế cư dân các vùng nông thôn di chuyển ra các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Bảy năm sau, vào năm 1964, khi Nghị định 104-CP được Chính phủ ban hành, hệ thống hộ khẩu chính thức được áp dụng tại miền Bắc Việt Nam. Sau tháng 4/1975, chế định hộ khẩu được áp dụng cho cả nước.
Thời bao cấp, với một hộ khẩu, các gia đình tham gia vào rất nhiều vấn đề quan trọng của cuộc sống do nền kinh tế tập trung bao cấp chi phối, chẳng hạn được cấp tem phiếu để mua hàng hóa, được cấp phát lương thực, xét cấp nhà đất… Sau này, khi chúng ta phát triển theo nền kinh tế thị trường thì sự lệ thuộc vào hộ khẩu đến quyền của công dân trở nên ít đi.
Phải có cách chứng minh quan hệ giữa các nhân khẩu
Hiện nay, việc làm các thủ tục, giấy tờ hầu hết đều dựa vào hộ khẩu. Sổ hộ khẩu có ưu điểm là có ghi rõ quan hệ của những người trong gia đình với chủ hộ như: vợ, chồng, con, cháu... Nếu sử dụng quản lý dân cư dựa trên mã số định danh trên căn cước công dân, liệu có thể tập hợp dữ liệu từ mã số định danh để chứng minh quan hệ cá nhân này với cá nhân khác hay không?
Tóm lại, việc bỏ hộ khẩu là tích cực nhưng các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn, có một lộ trình cụ thể để tránh gây khó khăn cho cơ quan quản lý cấp địa phương và cả người dân.
Một cán bộ tư pháp ở Q.9, TP.HCM
|
Thế nhưng, tư duy phụ thuộc vào hộ khẩu trong nhiều quy định về quản lý đã gây nên những cản trở tiêu cực khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí. Hộ khẩu đã tạo nên sự bất bình đẳng giữa những người dân, là thủ tục lạc hậu kéo dài mấy chục năm nay, làm trì trệ công cuộc cải cách hành chính của nước ta.
Hộ khẩu ảnh hưởng lớn không những về hộ tịch, việc cư trú, sinh sống mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, xã hội, gây ra biết bao phiền phức cho người dân.
- Không có hộ khẩu, cơ quan chức năng sẽ quản lý dân cư bằng cách nào?
- Luật sư Trần Minh Hùng: Khi bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, cơ quan có thẩm quyền sẽ quản lý thông qua mã số định danh cá nhân bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân…
Mỗi người có một mã số định danh cá nhân suốt đời, dù đi đâu cũng chỉ cần đăng ký, xác nhận là cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác được người đó di chuyển từ đâu đến, đang ở đâu.
- Có nhiều ý kiến cho rằng nếu bỏ hộ khẩu, cơ quan chức năng sẽ khó quản lý cư trú, quản lý dân cư. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
- Luật sư Trần Minh Hùng: Hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân văn minh hơn, tiến bộ hơn cái cũ. Bỏ sổ hộ khẩu không gây khó khăn gì cả.
- Có ý kiến lo ngại cho rằng, nếu không quản lý bằng hộ khẩu, dân cư sẽ ồ ạt đổ về các thành thị?
- Luật sư Trần Minh Hùng: Với các quy định mới về Luật Hộ tịch, quy định về thẻ căn cước công dân, chúng ta hoàn toàn xóa bỏ hộ khẩu mà vẫn có thể quản lý tốt dân cư. Ở châu Âu, chỉ với một hộ chiếu, người ta dùng nó chung cho việc lưu chuyển, cư trú ở các quốc gia khác nhau trong khối châu Âu nên qua dữ liệu vẫn biết một công dân thường trú, sinh sống và quan hệ với gia đình như thế nào cụ thể ở đâu, không có chuyện dân cư ồ ạt lên thành phố.
Hộ khẩu không liên quan gì đến vấn đề di dân; nó chỉ làm cho người dân tốn kém tiền bạc, thời gian, hành hạ họ về nhiều mặt kinh tế, xã hội, giáo dục, đi lại… mà thôi.
- Theo luật sư, việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ mang lại lợi ích gì?
- Luật sư Trần Minh Hùng: Việc bỏ hộ khẩu đem lại rất nhiều lợi ích cho cả công dân và cơ quan nhà nước như: tiết kiệm được thời gian đi lại, chờ đợi của người dân; tiết kiệm công sức, nhân lực cho cơ quan nhà nước; người dân được đối xử bình đẳng về đi lại, sinh sống, học tập, y tế, việc làm.
Cạnh tranh sẽ gay gắt khi bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng
Việc bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng thể hiện thái độ chấp hành quy định pháp luật của lãnh đạo TP.HCM. Còn lợi ích của việc này thì chúng tôi chưa có thực tiễn để đúc kết, nhưng cũng dự báo được những bất lợi cho Nhà nước và cho cả ứng viên.
Ví dụ, ứng viên ở các tỉnh thi tuyển công chức ở TP.HCM, khi họ trúng tuyển thì họ ở đâu, đi lại thế nào, họ có hiểu biết gì về truyền thống, lịch sử, văn hóa, tổ chức bộ máy hành chính và người dân của TP.HCM hay không? Điều đó trước hết gây bất lợi cho ứng viên. Khi trúng tuyển, ứng viên đó phải qua một năm tập sự, đòi hỏi phải am hiểu thực tiễn TP.HCM và đơn vị tuyển dụng trên các lĩnh vực.
Một năm sau thử việc, nếu không đạt, sẽ bị chấm dứt hợp đồng, như vậy tốn bao nhiêu công sức thi tuyển, đào tạo. Sau đó, lặp lại một vòng thi tuyển mới, vào rồi lại nghỉ.
Ở TP.HCM hay các tỉnh, không phải bỏ hộ khẩu mà có người tài hơn; vì trải qua một kỳ thi công khai, minh bạch, cạnh tranh, người nào có điểm cao nhất, người đó sẽ đậu. Thời gian vừa qua, tỷ lệ chọi trong cạnh tranh tuyển dụng công chức bình quân là 1 chọi 3. Nếu bỏ điều kiện hộ khẩu, tỷ lệ chọi sẽ cao hơn nhiều.
Ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc - Thường trực Sở Nội vụ TP.HCM
|
Bỏ hộ khẩu, phải “phủ sóng” số định danh cá nhân
Nếu bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, các địa phương sẽ quản lý dân cư thông qua mã số định danh cá nhân. Theo tôi, để quản lý hiệu quả công dân thông qua số định danh cá nhân, cơ quan quản lý cần lập một hệ thống quản lý thông tin công dân điện tử. Mỗi người sẽ có một “hồ sơ công dân” lưu trên hệ thống quản lý, chỉ cần gõ mã số định danh cá nhân, hệ thống sẽ lập tức hiển thị “hồ sơ cá nhân” của người đó. Nếu làm được điều này, địa phương sẽ dễ dàng quản lý công dân trên địa bàn mình và giảm được nhiều thủ tục cho người dân.
Cũng cần lưu ý là, mã số định danh cá nhân được thể hiện trên căn cước công dân nhưng hiện tại, chỉ có 16 tỉnh thành trên cả nước áp dụng cấp căn cước công dân. Như vậy, cùng với việc bỏ sổ hộ khẩu, cần đẩy mạnh việc cấp căn cước công dân cho người dân. Nói cách khác, phải “phủ sóng” căn cước công dân trên toàn quốc trước khi bỏ sổ hộ khẩu.
Một cán bộ công an phường ở Q. Thủ Đức, TP.HCM
|
Sơn Vinh