Doanh nghiệp, môi giới có dấu hiệu thao túng thị trường bất động sản
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, đất đai ở 1 số nơi đang nhảy múa, giá tăng vọt, trong đó có sự góp sức của giới đầu cơ, môi giới không chuyên nghiệp. Thậm chí ngay cả nhà môi giới chuyên nghiệp vẫn cố tình tiếp tay thổi giá khiến thị trường bất động sản giai đoạn vừa qua bị nhiều nhà đầu cơ, môi giới thao túng thì có bị xử lý không?
Ông Phạm Lâm – Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam chia sẻ, theo thống kê có khoảng 300.000 môi giới, tuy nhiên thực tế có thể nhiều hơn vì ai cũng có thể làm. Giao dịch hàng năm trên 100.000 giao dịch hoặc có thể nhiều hơn nên môi giới có vai trò rất quan trọng, chưa đánh giá về môi giới đó như thế nào, nhưng nhiều tổ chức hoạt động chưa đảm bảo.
|
Ai cũng có thể làm môi giới bất động sản - vấn đề tranh cải, nan giải hiện nay |
Bà Nguyễn Hương – Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land chia sẻ: “Khi nói về năng lực của môi giới, chúng ta chưa có sự đánh giá chất lượng, lượng môi giới ngày càng tăng cao nhưng chất lượng đang bị bỏ ngõ từ đó gây ra rất nhiều hệ luỵ. Nên có quy chuẩn rõ ràng đối với môi giới cá nhân, tổ chức”.
Cũng theo bà Hương, chủ đầu tư đưa sản phẩm ra thị trường cũng chọn lọc rất kỹ đơn vị môi giới vì liên quan đến thương hiệu của chủ đầu tư. Thị trường sơ cấp chủ đầu tư có sự lựa chọn, nên các sàn môi giới bên ngoài họ cũng nổ lực để được chủ đầu tư chọn, nhưng thị trường thứ cấp đáng lo hơn vì chưa có sự quản lý, hay bị nhái thương hiệu.
Cần chế tài quyết liệt
Ông Trương Anh Tú – Tổng Giám đốc Công ty CP Property X cho rằng, Luật sửa đổi vừa rồi đã có quy định rất rõ về vai trò nhà môi giới, cá nhân hay tổ chức tuy nhiên chúng ta cần giám sát và có chế tài quyết liệt để điều chỉnh hành vi cá nhân đưa đến sự chuyên nghiệp, minh bạch cho thị trường.
Ông Ngô Quang Thiện – Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, Nghị định 16/2022 (Nghị định 16) mà Chính phủ vừa ban hành quy định mức xử phạt tương đối phù hợp, tuy nhiên chúng ta phải làm sao khi họ bị phạt sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của họ và vấn đề là làm sao để thực hiện được các nghị định này?
Còn ông Trần Minh Hoàng – Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: “Liên quan đến vấn đề này, trước đó Nghị định 139 cũng đã quy định, hiện Nghị định 16 chỉ chỉ tăng mức xử phạt. Thậm chí, hiện nay chúng ta cũng không có thống kê đã có bao nhiêu môi giới bị xử phạt, nên tôi không nghĩ Nghị định 16 giải quyết được các vấn đề môi giới hiện nay”.
|
Theo các chuyên gia, cần có quy chuẩn và chế tài quyết liệt đối với môi giới bất động sản |
Ngoài ra, hiện nay có nhiều thông tin rao bán bất động sản không đúng thực tế như: rao bán không đúng vị trí, không phải đất dự án mà rao dự án, bán dự án khi chưa đủ điều kiện kinh doanh… nguyên nhân sản phẩm bất động sản là nhu cầu thiết yếu, tự nhiên của cuộc sống, trong khi pháp luật chưa hoàn chỉnh. “Nhà nước cần cấp chứng chỉ, mã số hành nghề, kiểm soát việc đăng tin bất động sản, không phải ai cũng được đăng tin bất động sản lúc này giá, vị trí đều chính xác… từ đó mới minh bạch thị trường” – ông Hoàng chia sẻ.
Ths.Nguyễn Đức Lập - Viện nghiên cứu và đào tạo Bất động sản cho biết, hiện nay môi giới đi thi chứng chỉ hành nghề rất tự do, luật không bắt buộc môi giới đi học, một số đơn vị tổ chức học có 1 đến 2 buổi là có bằng. Trong khi đó, mua bất động sản là mua bằng cả một tài sản nên vai trò môi giới trong bất động sản rất quan trọng. Nên cơ quan Nhà nước cần giám sát pháp luật trong việc thực thi, nhất là các môi giới độc lập, hiện nhóm môi giới độc lập rất nhiều nhưng không được quản lý chặt chẻ làm thất thu thuế nhà nước. “Hội môi giới nên tham gia vào việc cấp chứng chỉ, mã số và công khai môi giới vi phạm. Các chủ đầu tư phải công bố toàn bộ thông tin, ngoài thông tin giao dịch nên công bố thông tin nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề…” – ông Lập kiến nghị.
Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định: “Không thể không coi nhà môi giới là một chủ thể tất yếu của thị trường bất động sản, trước đó nhà môi giới rất chăm chỉ học tập, nhà nước cũng quan tâm có nhiều lớp đào tạo nhưng rồi bỏ đi. Hiện nay, theo thống kê hiện có khoảng 300.000 môi giới, nhưng không biết bao nhiêu người có kiến thức, kỹ năng hành nghề; trách nhiệm nhà môi giới với xã hội.
Cũng theo ông Đính, Nghị định 16 cũng là bước tiến để hoạt động môi giới bất động sản trở nên chuyên nghiệp hơn, chính quy hơn. Nhưng hiện Nghị định 16 cũng chỉ là quy định dưới luật điều chỉnh những điểm nóng. Để giải quyết triệt để hiện tượng cò đất, đầu cơ, thổi giá, làm loạn thị trường… thì phải chờ sửa đổi luật Kinh doanh Bất động sản. Song song, cần có một hệ thống công nghệ thông tin để quản lý chứng chỉ hành nghề môi giới và các vấn đề xử phạt.
Bích Trần