Thảo ‘Organic’: Bán nhà khởi nghiệp với thực phẩm hữu cơ

26/05/2017 - 00:30

PNO - Vét tiền trong túi được năm triệu đồng, Phạm Phương Thảo lao đến đặt cọc mặt bằng rồi mới đi tìm nguồn hàng TPHC. Bốn năm trôi qua, Thảo chưa bao giờ thôi đối diện với khó khăn, nhưng chị luôn vững tin vào chọn lựa của mình.

Những ngày đầu

Cô gái 8X Phạm Phương Thảo đến với thực phẩm hữu cơ (TPHC), rồi sau đó gầy dựng nên chuỗi cửa hàng bán lẻ TPHC mang tên Organica là một sự tình cờ nhiều hơn là dự định từ trước.

Chị tâm sự, trước đây nghe tin về “thực phẩm bẩn” trên báo chí chị có hơi lo lắng rồi vài ngày sau cũng quen dần hay tự nhủ, ăn cái gì mà chả thiếu an toàn. Nhưng đến năm 2011, khi mang thai con trai đầu lòng thì việc lựa chọn thực phẩm lại trở nên cực kỳ quan trọng.

Lúc đó, chị nghĩ trong đầu hay là mình mở một cửa hàng kinh doanh TPHC, nhất là nguồn rau hữu cơ. Nhưng nghĩ là một chuyện, khi bắt tay vào mới thấy mọi thứ quả không hề đơn giản.

Thao ‘Organic’: Ban nha khoi nghiep voi thuc pham huu co
Phạm Phương Thảo tại một trong chuỗi bốn cửa hàng bán lẻ TPHC của mình.

Chọn kinh doanh TPHC khi thời điểm chị khởi nghiệp người tiêu dùng còn quá xa lạ, chị liều lĩnh vậy?

- Phạm Phương Thảo: Năm 2013, tôi thuê một cửa hàng nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), và đóng cửa hai tháng để đi tìm nguồn hàng. Mất khá nhiều thời gian vì nguồn hàng ít ỏi, hạn chế chủng loại.

Lúc bế tắc, tôi đọc báo thấy có giảng viên Đại học Kinh tế làm luận án thạc sỹ về mô hình trồng rau hữu cơ, vườn của chị trồng cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi liên hệ để lấy lại rau về bán.

Sau hai tháng, một người khách tự xưng là chủ trang trại rau từ Đà Lạt và đang trồng theo hướng hữu cơ, có ớt chuông, cà chua, một số loại xà lách cần bán. Mừng như vớ được vàng, chúng tôi hẹn gặp và lên thăm trang trại, sau đó đem hàng về bán.

Nhưng với cách này, làm sao chị có thể quản lý hết quy trình và chất lượng rau củ để đảm bảo cho người tiêu dùng?

- Đúng là giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy mình quá khó khăn về nguồn hàng và những ngày đầu tiên đó, dù có lọc rất kĩ, tôi vẫn không thể quản lý hết được quy trình và chất lượng của sản phẩm.

Qua vài lần hợp tác với nông dân, tôi biết, mình không thể tiếp tục nếu cứ làm mà không định hướng rõ tiêu chuẩn và phải quản lý được tiêu chuẩn đó.

Mọi mối quan hệ với nông dân khi đó chỉ dựa trên các nguyên tắc 5 không: thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng và bảo quản, giống biến đổi gen… Nhưng khi nông dân gặp vấn đề và cần trợ giúp, tôi cũng không có giải pháp cho họ.

Vì thế, chỉ có hủy bỏ vườn khi cây bị sâu bệnh. Rất nhiều lần, tôi âm thầm mang các mẫu rau củ đi test, tiền bán hàng không bù nổi số tiền trả cho phòng thí nghiệm. Và tôi biết, đây không phải là cách làm đúng.

Thao ‘Organic’: Ban nha khoi nghiep voi thuc pham huu co
Cô gái 8X xây dựng lên Organica với hầu như không có tài sản gì ngoài căn nhà chung cư phải bán đi những ngày đầu. 

Vậy thế nào mới là đúng?

- Tôi xác định phải tự đầu tư trang trại của riêng mình vì chỉ như thế mới chủ động theo đúng mọi quy trình của canh tác hữu cơ và điều tôi mong mỏi, là trang trại sẽ đạt được chứng nhận hữu cơ quốc tế.

May mắn đến với tôi khi một người bạn là chủ trang trại ở Đồng Nai cho biết anh có một mảnh đất rộng 2ha ở Long Thành đã bỏ không cả chục năm nay. Khi chúng tôi đến cũng thấy ngán vì cỏ mọc quá đầu người.

Để biến thành trang trại trồng rau phải bỏ rất nhiều tiền đầu tư cải tạo. Người chủ đất động viên, cứ làm đi, tiền thuê đất tính sau.

Vậy là quyết định làm trang trại. Cũng phải mất hơn hai năm sau, đến tháng 11-2015, trang trại của chúng tôi mới được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận đạt chuẩn organic.

Nhưng nói đến khó khăn, cũng phải nói đến cơ hội, đúng không chị?

- Tôi luôn biết mình không phải là người giỏi về nông nghiệp, kỹ thuật. Khởi đầu với cửa hàng mà không phải là trang trại, giúp tôi được tiếp xúc với khách hàng hàng ngày (dù khách hàng chưa nhiều), tôi và các em bán hàng đã nhận được rất nhiều lời động viên, chia sẻ của họ.

Rồi làm cửa hàng, tôi luôn phải tỏ ra tự tin và hứa với những người nông dân trồng trọt cho trang trại của tôi, cho các trang trại liên kết của Organica rằng “tôi sẽ tiêu thụ và cố gắng tìm cách tiêu thụ hết, chỉ cần làm theo đúng quy trình mà thôi”.

Organica đã trở thành đơn vị đầu tiên cả nước có được hai chứng nhận quốc tế về organic cho vườn rau hữu cơ, cũng như cung cấp mặt hàng đa dạng và phong phú nhất trong các nhà cung cấp thực phẩm hữu cơ hiện tại.

Thao ‘Organic’: Ban nha khoi nghiep voi thuc pham huu co
Bốn năm "bén duyên" cùng TPHC, Thảo chưa bao giờ thôi đối diện với khó khăn nhưng chị luôn tin vào chọn lựa của mình.

Tin vào chọn lựa của chính mình

Trên khuôn mặt của "cô gái hữu cơ" này, tôi nhìn thấy sự pha trộn của nhiều cung bậc cảm xúc. Khởi nghiệp bao giờ cũng khó khăn. Chị bảo rằng: mỗi khi nghĩ về những giai đoạn đã trải qua chị thấy nhiều khó khăn đến mức không muốn nhắc lại; thậm chí, đến mức chị tưởng không có khó khăn nào lớn nhất vì chị đang sống trong những khó khăn, đã quen với khó khăn.

Trong kinh doanh người ta thường nhìn vào những con số. Chị có con số ấn tượng nào muốn chia sẻ?

- Tôi hay được hỏi về các con số, nhất là câu “chị có mấy cửa hàng rồi?”. Thực ra, tôi làm kế hoạch cho từng năm và các con số cũng được cân nhắc lên, xuống.

Sau bốn năm vừa vật lộn với nguồn hàng, hệ thống trang trại và bán lẻ, đến nay, Organica đã có 4 cửa hàng và hệ thống sáu trang trại. Tuy không nhiều nhưng chúng tôi tự hào là đơn vị cung ứng thực phẩm hữu cơ đầu tiên tại VN phát triển theo mô hình chuỗi cửa hàng.

Trong hành trình gian nan của mình, chị đã nhận ra điều gì? Có bao giờ chị khóc, muốn từ bỏ vì đường đi quá chông gai?

- Rất nhiều lúc tôi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi đến mức muốn bỏ hết tất cả. Thậm chí có lúc nằm xuống ngủ tôi nghĩ nếu như mình ngủ luôn thì có khi sẽ được giải thoát. Kinh doanh là vậy, kinh doanh đầu tư cả vào trồng rau lẫn mở cửa hàng còn khó hơn.

Nhưng tôi không thể bỏ được vì công sức mình đã bỏ ra bốn năm qua, bao nhiêu nhân viên gắn bó với công ty, những gia đình nông dân chia sẻ với tôi từ khi làm ở trang trại Organica họ mới thực sự được sống trong môi trường trong lành và ăn rau sạch dù trước kia họ trồng rau bán ngoài chợ.

Niềm tin của NTD đến với chúng tôi từ những ngày đầu chỉ là một cửa hàng nhỏ với vài ba chục mặt hàng. Những điều đó đã thúc đẩy tôi đứng dậy và bước tiếp.

Chị bảo, điều chị tự hào của mình là sau bốn năm Organica vẫn sống sót và phát triển. Tuy nhiên, sự sống sót này, nếu ví như một cơ thể thì tôi nên hình dung nó có hình dáng ra sao?

- Hãy coi bốn năm qua như giai đoạn đầu đời của một em bé bỡ ngỡ với mọi thứ xung quanh mình và nhận được ít sự quan tâm giúp đỡ.

Tôi xây dựng lên Organica với hầu như không có tài sản gì ngoài căn nhà chung cư phải bán đi những ngày đầu. Không đất đai mà phải đi thuê, không vốn ngân hàng mà phải xoay sở đủ điều, thị trường mới phải tự giới thiệu, đào tạo cả nhân viên, nông dân, hay tăng nhận thức của khách hàng.

Em bé Organica vẫn sống được qua những khó khăn đó, và giờ bước vào giai đoạn trưởng thành, sẵn sàng cho phát triển nhanh sắp tới.

Thao ‘Organic’: Ban nha khoi nghiep voi thuc pham huu co
Giá cao là một trong những rào cản khiến TPHC chưa đến được với đông đảo người dùng.

Người tiêu dùng chưa có nhận thức và hiểu biết rõ để phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch, từ đó e ngại chi tiêu. Nhưng hơn hết, giá SP hữu cơ vẫn còn quá cao?

- Đây là vấn đề lớn của kinh doanh thực phẩm hữu cơ tại VN. Sản phẩm quá mới, người tiêu dùng không biết trong khi niềm tin vào sản phẩm sạch bị sứt mẻ sau nhiều trào lưu thực phẩm sạch trước kia hoá ra lại toàn bán lời hứa.

Mặt khác, nhiều người nghĩ thực phẩm hữu cơ cũng như các loại thực phẩm an toàn khác mà giá lại cao hơn nên họ không lựa chọn. So với cùng loại tại siêu thị hay chợ, rau hữu cơ thường đắt hơn 2-3 lần, (có lúc mùa vụ khó khăn về thời tiết, giá còn cao hơn thế).

Siêu thị Co-op cũng kinh doanh thực phẩm hữu cơ. Thị trường vốn đã nhiều khó khăn, giờ lại thêm đối thủ “đáng gờm”, chị có lo ngại?

- Với một ông lớn trong ngành bán lẻ như Co-op tham gia thị trường, đó quả thực là vấn đề với các đơn vị kinh doanh thực phẩm hữu cơ như Organica. Nhưng thị trường là vậy, trước sau gì doanh nghiệp cũng phải đối mặt với cạnh tranh từ các đối thủ mới gia nhập ngành.

Nhưng với lĩnh vực thực phẩm hữu cơ thì việc có thêm một đối thủ lớn như Coop lại có những điểm tích cực. Vì là thị trường mới, ít người biết đến nên khi Coop tham gia thì thu hút được sự quan tâm của dư luận nhiều hơn, họ cũng sẽ san sẻ bớt nhiệm vụ đào tạo người tiêu dùng cho các doanh nghiệp nhỏ. Khi thị trường mở rộng ra, ai cũng được hưởng lợi.

Khi xong việc, chị chọn trở về nhà với chồng con, hay vẫn cứ nán lại công ty làm thêm việc để ngày mai có những quyết định tốt hơn?

- Làm kinh doanh khởi nghiệp cả lĩnh vực sản xuất và bán lẻ thì không có khái niệm giờ nào là xong việc của một ngày cụ thể. Tôi luôn bị thiếu thời gian để có thể giải quyết hết các công việc của vườn, của cửa hàng, của công ty. Đành nghĩ đến cụm từ mà chồng tôi hay nói “chất lượng hơn số lượng” để dành thời gian cho bên con trai và gia đình.

Xin được cảm ơn chị rất nhiều.

Võ Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI