Thảo luận Ukraine - Nga: Hệ quả sự từ chối của phương Tây

19/04/2016 - 13:40

PNO - "Tổng thống Nga đã đồng ý cho phép Tổng Lãnh sự Ukraine ở Rostov -on-Don được tiếp xúc với Savchenko trong tương lai gần''

Thao luan Ukraine - Nga: He qua su tu choi cua phuong Tay
Ukraine cầu cạnh Nga khi bị Mỹ, EU chối bỏ?

Cuộc gặp gỡ đầy toan tính

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có cuộc điện đàm về tình hình miền Đông – Nam Ukraine cũng như số phận các công dân hai nước đang bị bắt giữ.

Theo RIA Novosti, sáng nay 19/4, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Vladimir Putin và Petro Poroshenko đã thảo luận về việc cho phép Tổng Lãnh sự Ukraine được tiếp xúc với phi công Nadezhda Savcheko, người đã bị một tòa án của Nga kết tội vì tham gia vụ giết hại hai nhà báo nước này hồi năm 2014.

“Họ đã thảo luận về tình hình ở phía Đông – Nam của Ukraine, quan hệ song phương hiện nay giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến các vấn đề của Nadezhda Savchenko, cũng như số phận của hai công dân Nga là Alexander Alexandrov và Yevgeny Yerofeyev.

Tổng thống Nga đã đồng ý cho phép Tổng Lãnh sự Ukraine ở Rostov -on-Don được tiếp xúc với Savchenko trong tương lai gần” ông Dmitry Peskov nói

Vào hôm qua, một tòa án của Ukraine đã ra phán quyết đối với hai công dân Nga là Alexander Alexandrov và Yevgeny Yerofeyev, bị bắt ở Ukraine hồi tháng 5/2015, phạm các tội danh trong đó có chuẩn bị thực hiện “một hành động khủng bố” liên quan tới cuộc xung đột của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.

Hai quân này này đã bị tuyên án mỗi người 14 năm tù giam.

Trong khi đó, giới chức Nga cho rằng, Alexander Alexandrov và Yevgeny Yerofeyev đã tự ý rời bỏ đơn vị lực lượng đặc nhiệm của họ để tham gia cuộc xung đột.

Trước đó, Tòa án Nga ngày 22-3 đã tuyên án Nadiya Savchenko 22 năm tù giam sau khi kết tội nữ phi công Ukraine này gây ra cái chết của 2 nhà báo thuộc một kênh truyền hình Nga tại miền đông Ukraine hồi năm 2014.

Savchenko bị buộc tội chỉ điểm cho quân đội Ukraine tiến hành tấn công bằng đạn cối khiến hai phóng viên Igor Kornelyuk và Anton Voloshin thiệt mạng khi đang tác nghiệp.

Savchenko thời điểm đó phục vụ tình nguyện trong một tiểu đoàn quân sự thân Kiev chiến đấu chống quân nổi dậy. Từ khi bị bắt giữ, Savchenko đã trở thành một biểu tượng anh hùng ở Ukraine, thậm chí còn được bầu vắng mặt vào quốc hội.

Gặp Nga khi bị Mỹ, EU chối bỏ?

Cuộc điện đàm giữa người đứng đầu Nga và Ukraine diễn ra ngay sau khi bà Power, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, tuyên bố rằng: "Nhà Trắng tin rằng một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột sẽ là một thảm họa cho tất cả mọi người. Cung cấp vũ khí cho Ukraine đồng nghĩa với việc đem lại nhiều đau khổ hơn cho người dân Ukraine. Nhiều người sẽ bị ảnh hưởng hơn”. Lời tuyên bố này được Voice of American công bố hôm 18/4.

Tuy nhiên, đáp trả lại lời tuyên bố trên, phía Ukraine cho rằng họ Mỹ đã không dám viện trợ vũ khí cho họ vì sợ mất lòng Nga. Và những lần viện trợ trước đó, vũ khí chỉ là đống phế liệu.

Trong khi đó, EU vẫn không thể nào trực tiếp đưa tay cứu giúp Ukraina do áp lực từ phía Nga. Hơn nữa, tình hình chiến sự tại Donbass có thể tạo thêm sức ép người di cư cho châu Âu trong khi phương Tây thực sự đã quá tải.

Ngày 4/3, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã thẳng thừng bác bỏ khả năng Ukraine được kết nạp làm thành viên của Liên minh Châu Âu, cũng như liên minh quân sự NATO trong vòng từ 20 đến 25 năm nữa.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở The Hague ngày 3/3, ông Juncker tuyên bố: "Ukraine chắc chắn sẽ không thể trở thành một thành viên của Liên minh Châu Âu cũng như NATO trong vòng từ 20 đến 25 năm tới".

Cộng với việc, kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Hà Lan về việc có chấp nhận để Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hay không vào ngày 6/4 cho thấy có tới 61,59% số phiếu chống. Điều này giống như một gáo nước lạnh dành cho Ukraine sau những nỗ lực gia nhập EU.

Đối với Ukraine tại thời điểm hiện tại, việc gia nhập EU, ngay cả khi không có sự phản đối của Hà Lan cũng là điều bất khả thi. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận được nhiều thỏa thuận trong cuộc đàm phán về vấn đề di cư thì Ukraine vẫn bị bỏ mặc cho số phận.

Ngoài ra, khủng hoảng chính trị ở Ukraine khiến mọi hy vọng được gia nhập EU của đất nước bị dập tắt. Chính phủ ngập trong cơn khủng hoảng nặng nề đang cản trở các cuộc cải cách cần thiết. Thêm vào đó, Tổng thống Poroshenko được xác định có liên quan đến vụ bê bối Hồ sơ Panama và Chính phủ mới do Thủ tưởng Volodymyr Groysman đứng đầu được giới chuyên gia nhận định chỉ là "bình mới rượu cũ'' khiến cho tương lai Ukraine ngày càng tăm tối.

Việc Kiev chấp nhận đối thoại với Moscow trong thời điểm mà Mỹ không ''thương" EU ''chối bỏ'' được xem là một hành động cứu cánh duy nhất cho Ukraine trong thời điểm hiện tại.

Khánh Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI