Chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực
Từ cuối tháng 11/2021, các nhà mạng MobiFone, VNPT và Viettel thí điểm dịch vụ mobile money (dùng tài khoản viễn thông để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ) để thay đổi thói quen dùng tiền mặt. Đại diện Vinaphone (thuộc VNPT) cho biết, tính đến tháng 8/2022, đã có 710.000 khách hàng của mạng này có tài khoản mobile money, chiếm 32% trên tổng số gần 2,2 triệu người đăng ký dịch vụ mobile money trên toàn quốc.
Ví điện tử - phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được áp dụng trước đó - cũng tạo ra bước chuyển nhanh chóng. Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập Ví điện tử MoMo - cho biết, đang có hơn 31 triệu người dùng MoMo, tăng 11 triệu tài khoản (55%) so với năm 2020. Từ dịch vụ dùng để thanh toán điện nước, hàng hóa, ví điện tử này đã trở thành phương thức thanh toán chính thức đối với dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
|
Khách tự tính tiền, trả tiền tại quầy thanh toán tự động của siêu thị Tops Market (đường Đặng Văn Bi, TP.Thủ Đức, TP.HCM) - ẢNH: NGUYỄN CẨM |
Riêng trong tám tháng đầu năm 2022, MoMo là phương thức thanh toán được lựa chọn nhiều nhất, chiếm 37,33% lượng giao dịch trực tuyến thành công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong kỳ xét tuyển đại học tháng 8/2022, MoMo trở thành một trong 15 kênh nộp lệ phí xét tuyển với hơn 192.000 giao dịch.
“Năm 2020, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống MoMo đạt tương đương 14 tỷ USD. Dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách thức thanh toán nên con số này tiếp tục tăng mạnh trong hai năm qua” - ông Nguyễn Bá Diệp thông tin.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 505/QĐ-TTg chọn ngày 10/10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chương trình “Tháng tiêu dùng số” diễn ra xuyên suốt tháng 10/2022. Cổng thông tin về chuyển đổi số quốc gia (https://dx.gov.vn/) do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng sẽ đăng tải danh sách chi tiết những chính sách miễn phí, ưu đãi, giảm giá cho người dân khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, trong tháng Mười này. |
Ở lĩnh vực bán lẻ, các siêu thị, cửa hàng, thậm chí tiểu thương các chợ cũng chấp nhận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc khối vận hành Co.op Mart - cho biết, hiện các loại hình kinh doanh của Saigon Co.op chấp nhận thanh toán qua các loại thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ thanh toán quốc tế, các ứng dụng, ví điện tử.
Đại diện LOTTE Mart cho hay, hệ thống này áp dụng mô hình tự mua hàng, tự thanh toán, bằng cách lắp đặt các quầy thanh toán tự động, không cần đến nhân viên thu ngân. Khách hàng có thể tự thanh toán ở các quầy này.
Về quản lý doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu - tâm đắc, thay vì phải tốn nhiều giấy tờ, qua nhiều khâu trình ký, hiện nay, chỉ cần cài đặt một ứng dụng: “Ở bất cứ đâu, tôi cũng nắm được các bộ phận của doanh nghiệp mình đang hoạt động ra sao, tiến độ sản xuất, bán hàng thế nào”. Ông cho biết, chi phí chuyển đổi số ban đầu khá cao nhưng kết quả đạt được rất “đáng đồng tiền bát gạo”.
Tiến độ chưa như kỳ vọng
Theo đại diện các nhà mạng, số người có tài khoản mobile money dù tăng nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của họ. Hiện loại hình thanh toán này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở các chợ truyền thống, kể cả chợ ở TPHCM.
Theo khảo sát của chúng tôi, ở các chợ truyền thống thường đón nhiều du khách trong nước và quốc tế như Bến Thành, An Đông (TPHCM), rất hiếm tiểu thương áp dụng cách thức thanh toán qua điện thoại di động; họa hoằn lắm mới có sạp chấp nhận quẹt thẻ qua máy POS/mPOS (thiết bị chấp nhận thẻ) để thanh toán.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó ban quản lý chợ An Đông, Q.5 - cho hay, trong năm 2020 và 2021, ban quản lý chợ phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai việc thanh toán thông qua máy POS/mPOS nhưng chỉ có 25 tiểu thương đăng ký và sử dụng đến nay. Vừa qua, phòng kinh tế quận phối hợp với Ngân hàng Quân Đội (MB) trao tặng máy POS cho tiểu thương nhưng chỉ có bốn sạp đăng ký nhận máy.
“Cách đây khoảng 5 tháng, một số nhà mạng cử nhân viên đến vận động tiểu thương áp dụng phương thức thanh toán bằng dịch vụ mobile money nhưng đến nay, chưa có tiểu thương nào tham gia” - bà Ngọc Hà thông tin.
Ở “Phố hoa vải Chợ Lớn” trên đường Tháp Mười và “Phố phụ kiện - thời trang” trên đường Nguyễn Hữu Thận (Q.6, TPHCM), rất hiếm cửa hàng chấp nhận thanh toán thông qua dịch vụ mobile money của Viettel. Hai phố này có hàng trăm cửa hàng nhưng chỉ mới có khoảng 30 cửa hàng đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel, dù Phòng Kinh tế Q.6 từng phối hợp với Viettel phổ biến dịch vụ Viettel Money.
Ở chợ Bình Tây (Q.6, TPHCM), nhiều tiểu thương cho biết, khách phải thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản bởi tiểu thương chưa đăng ký dịch vụ mobile money, cũng không có máy POS/mPOS. Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban quản lý chợ Bình Tây - thừa nhận, chưa triển khai hình thức thanh toán qua máy POS/mPOS hoặc qua dịch vụ mobile money do chợ này chủ yếu bán sỉ.
Còn nhiều rào cản
Theo đại diện Vinaphone, có khá nhiều lý do khiến việc thanh toán qua tài khoản điện thoại di động chưa thể “bùng nổ”. Chẳng hạn, điều kiện để đăng ký dịch vụ, yêu cầu xác thực, định danh khách hàng rất chặt chẽ, nhiều bước. Thêm nữa, theo quy định, nhà mạng phải có hợp đồng trực tiếp với điểm chấp nhận thanh toán bằng dịch vụ mobile money.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, hiện Việt Nam vẫn thiếu các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số chuyên nghiệp và phần lớn vẫn còn làm theo phong trào. Bên cạnh đó, chủ các doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa sẵn sàng chuyển đổi số. Để chuyển đổi số hiệu quả, tư duy của người lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi, các đơn vị cung cấp dịch vụ phải chuyên sâu từng lĩnh vực quản trị, sản xuất chứ không thể áp dụng một phần mềm chung cho các lĩnh vực.
Đại diện một hệ thống bán lẻ lớn ở TPHCM cho hay, đơn vị tư vấn báo chi phí chuyển đổi số lên đến hàng ngàn tỷ đồng, áp dụng cho toàn hệ thống. Vì vậy, hệ thống này phải chuyển đổi số từng bước, ưu tiên chuyển đổi số ở những khâu mang lại sự thuận tiện cho khách hàng. Tuy nhiên, sau hai năm triển khai, nhiều người tiêu dùng vẫn còn thói quen mua hàng trực tiếp, thanh toán bằng tiền mặt, chưa quen với phương thức thanh toán tự động.
Theo vị này, trong việc chuyển đổi số hiện nay, ngoài chi phí cao thì việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cũng là điều nan giải. Phần lớn nhà cung cấp dịch vụ có sẵn phần mềm chung, không phù hợp cho từng doanh nghiệp cụ thể. Đa số công ty viết phần mềm chỉ chuyên về một lĩnh vực chứ không đủ chuyên môn sâu để chuyển đổi số cho toàn hệ thống với nhiều khâu, nhiều hạng mục với đặc điểm khác nhau.
Sau quá trình hỗ trợ chuyển đổi số cho Chính phủ và các doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng, rào cản lớn nhất đối với hoạt động chuyển đổi số là tâm lý e ngại của một bộ phận người dùng về sự an toàn khi sử dụng các hình thức thanh toán điện tử.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, quá trình chuyển đổi số cần sự kiên nhẫn và kiên định từ đơn vị chuyển đổi, người dân. Muốn thúc đẩy chính phủ số, cần có những doanh nghiệp số và công dân số. Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cần nhiều nguồn lực, cần sự chung tay mạnh mẽ hơn từ các bên, từ đó tạo niềm tin, động lực để người dân an tâm, tin tưởng hơn với các hình thức thanh toán không tiền mặt mới mẻ nhưng tiện lợi, hiện đại. Bên cạnh đó, cũng cần sự đồng bộ của cơ sở dữ liệu quốc gia để các hoạt động thanh toán qua dịch vụ được đồng bộ.
Cần có quy định pháp luật bảo vệ quyền về dữ liệu cá nhân Ông Nguyễn Quốc Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - đánh giá, có đến 95% ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số, nhưng hiện khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ. Việc ứng dụng các công nghệ mới, hình thành các mô hình giao dịch mới, dịch vụ tài chính mới đòi hỏi phải có khung pháp lý được sửa đổi, bổ sung phù hợp với các mô hình mới, dịch vụ mới. Ông nói: “Đến nay, vẫn chưa có văn bản pháp luật để điều chỉnh các vấn đề liên quan và bảo vệ quyền về dữ liệu cá nhân khi cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thứ ba, gây khó khăn cho các ngân hàng khi phối hợp với các đơn vị này. Điều cần làm là phải tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý về chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba. Khi có quy định pháp lý đầy đủ thì ngân hàng, doanh nghiệp mới tự tin triển khai các dịch vụ này, đồng thời cũng có cơ sở để xử lý khi có tranh chấp xảy ra”. |
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa