Ý kiến của giáo viên được tôn trọng
Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên của Bộ GD-ĐT đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội.
Theo dự thảo, hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục phổ thông do hiệu trưởng thành lập. Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập 1 hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng. Hội đồng bao gồm người đứng đầu và cấp phó cùng các đại diện tổ chuyên môn, giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh. Số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu 11 người. Các trường có quy mô dưới 10 lớp thì số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 5 người.
Về quy trình, toàn bộ giáo viên của từng môn sẽ tham gia lựa chọn sách môn học đó. Các thầy cô nghiên cứu các đầu sách, viết phiếu nhận xét, đánh giá. Sau đó, tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ họp với các giáo viên để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 1 sách cho mỗi môn.
|
Giáo viên, nhà trường sẽ có nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn sách giáo khoa theo dự thảo mới - Ảnh: Trần Huy (ảnh chụp tại trường THPT Tân Phong, quận 7, TPHCM) |
Theo quy định hiện hành, tổ chuyên môn ở mỗi trường cho giáo viên thảo luận và đánh giá các SGK của môn học, bỏ phiếu kín để lựa chọn. Sau đó, nhà trường thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục sách tổ chuyên môn đã đề xuất và báo cáo về sở GD-ĐT. Sở sẽ tổng hợp, chuyển cho hội đồng của tỉnh danh mục sách được các nhà trường đề xuất để 15 thành viên của hội đồng nghiên cứu trong 7 ngày và bỏ phiếu kín. Theo quy trình này, việc lựa chọn sách là từ các cơ sở giáo dục nhưng lại quyền quyết định chọn sách thuộc về hội đồng chỉ có 15 người. Các trường phải tổ chức xét chọn rất công phu nhưng toàn bộ kết quả lựa chọn có thể bị hội đồng này bác bỏ.
Một chuyên gia của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng quy trình chọn sách hiện nay thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến nhà trường, giáo viên. Việc lựa chọn sách là từ các cơ sở giáo dục nhưng lại trao quyền quyết định bỏ phiếu chọn sách cho hội đồng chỉ có 15 người là không hợp lý.
Bày tỏ sự ủng hộ với dự thảo thông tư mới của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) - cho rằng, không ai hiểu học sinh bằng giáo viên đứng lớp. Do đó, việc mỗi trường là 1 hội đồng, giáo viên được trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn SGK tạo điều kiện cho giáo viên được góp tiếng nói của mình. Giáo viên sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, chọn lựa sách theo đúng chương trình mình đã và đang giảng dạy. Điều này giúp phát huy quyền tự chủ, sự sáng tạo của giáo viên.
Ông Vũ Đình Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - cho rằng giáo viên và các trường tham gia vào quá trình lựa chọn SGK là câu chuyện không mới. Điểm mới là dự thảo lần này quy định rõ mỗi cơ sở giáo dục là 1 hội đồng lựa chọn SGK. Giáo viên sẽ chọn cuốn sách phù hợp với học sinh của lớp mình, trường mình để đề xuất lên tổ nhóm chuyên môn. Thấy quyển nào hay, phù hợp thì giáo viên chọn, hội đồng không có quyền điều chỉnh mà sẽ lập biên bản trung thực theo đúng lựa chọn của tổ chuyên môn. Giáo viên có tiếng nói cao nhất trong chọn sách còn quyền lợi cao nhất thuộc về học sinh.
Nhiều hiệu trưởng khi được hỏi đều cho rằng: điểm mấu chốt trong dự thảo là tiếng nói của các nhà trường, của giáo viên được tôn trọng và đóng vai trò quyết định. Đồng thời, đây cũng chính là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chọn sách và giảm sự tác động của đội ngũ quản lý đến việc chọn sách của các trường.
Mong chờ thông tư mới
Hiệu trưởng một trường tiểu học đóng tại quận 3, TPHCM cho rằng, những năm trước, trường vẫn phải lập hội đồng để giáo viên nghiên cứu, đánh giá và có ý kiến về việc chọn sách. Tuy nhiên, ý kiến của giáo viên thời gian qua chỉ mang tính chất đề xuất. “Rõ ràng có trường hợp nhà trường muốn dạy bộ sách này nhưng tỉnh, thành phố lại chọn khác hoàn toàn ở một bộ khác sẽ không phù hợp” - hiệu trưởng này nói.
Theo đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (Nghệ An), việc dự thảo thông tư mới về lựa chọn SGK phổ thông đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến cho thấy bộ đã lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ nhà giáo và cử tri. Theo ông, việc giao nhà trường, đội ngũ giáo viên được chọn lựa bộ sách để làm học liệu trong quá trình dạy là phù hợp. “Tôi hoan nghênh quan điểm này và mong chờ thông tư của Bộ GD-ĐT ban hành” - ông Thái Văn Thành bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận định mỗi bộ SGK phù hợp với mỗi đối tượng khác nhau. Cùng trong một tỉnh, điều kiện cơ sở vật chất, năng lực trình độ học sinh các trường khác nhau, đơn cử như trường ở thành phố khác với trường ở nông thôn. Cùng trong một thành phố, nhưng cũng có trường chất lượng cao, trường đại trà. Vì thế, việc để cho tỉnh lựa chọn SGK như hiện nay là chưa phù hợp. Các trường lựa chọn sẽ phù hợp hơn, dựa trên cơ sở đặc điểm của học sinh, giáo viên của trường mình. “Quy định mới này đã tháo gỡ được những bất cập trước đây về lựa chọn sách, giảm thiểu được phần nào những lợi ích nhóm từng diễn ra” - bà Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Dung Nhi