Thảo dược không phải dùng sao cũng được

04/07/2022 - 06:35

PNO - Gần đây, có rất nhiều trường hợp vì dùng thảo dược (hạt muồng tây, củ ấu tàu - phụ tử...) theo truyền miệng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nặng nề; thậm chí phải nhập viện cấp cứu vì trụy mạch; điều trị lâu dài vì teo, liệt cơ, ảnh hưởng đến các chức năng sống.

Không ít thảo dược dùng phổ biến hằng ngày vừa như thực phẩm, vừa làm thuốc trị bệnh nhưng lại có độc tính, hoặc cấm kỵ đối với một số cơ địa nhất định, cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng.

Chó đẻ răng cưa (diệp hạ châu): Thường được thông tin là giúp mát gan giải độc nên không ít người dù không có bệnh lý gan mật vẫn mua về uống. Thực tế, chỉ những người được xác định có bệnh lý gan mật đồng thời được sự chỉ định của bác sĩ thì mới nên dùng; nếu không có bệnh mà uống sẽ làm suy yếu hệ tiêu hóa, tăng gánh nặng đào thải cho gan, mật và thận. Người có bệnh lý ăn khó tiêu, tiêu lỏng, tiêu phân sống càng không nên dùng. Phụ nữ có thai không được dùng vì dễ gây trụy thai.

Xuyên tâm liên: Thời gian qua, thảo dược này được nhiều người sử dụng vì một số nguồn tin cho rằng trị được COVID-19. Thực chất, với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm, kháng khuẩn, xuyên tâm liên được sử dụng kết hợp với các loại thảo dược khác để trị các chứng viêm do nhiệt như cảm sốt, ho, viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản... Chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, khi cơ thể bị nhiệt, sốt do viêm. Dùng quá liều hoặc kéo dài, thuốc sẽ làm rối loạn tiêu hóa; những người vốn ăn khó tiêu, tiêu lỏng, tiêu phân sống thì không nên dùng.

Cúc hoa: Là thảo dược quen thuộc, thường được dùng để làm trà, nấu nước sâm giúp thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể, làm sáng mắt. Tuy nhiên, thảo dược này cũng kỵ với người bị tiêu lỏng mạn tính.

Quyết minh tử (hạt muồng): Có tác dụng nhuận tràng, sáng mắt, an thần kinh... Toàn cây muồng đều có độc nên chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Người bị đi tiêu lỏng không được dùng, huyết áp thấp cần thận trọng.

Ích mẫu: Thường được dùng để điều kinh cho phụ nữ trong những trường hợp có ứ huyết. Không dùng khi không có huyết ứ, đặc biệt là người bị thiếu máu; người có đồng tử mở rộng.

Dừa cạn: Nhiều người sử dụng thảo mộc này vì nghe thông tin có tác dụng ngăn ngừa và trị ung thư, hạ huyết áp, đường huyết... Tuy nhiên, dừa cạn có độc, chỉ nên sử dụng khi có bệnh dưới sự chỉ định của bác sĩ. Không dùng trong thời kỳ mang thai và cho con bú; người huyết áp thấp, huyết hư không nên dùng.

Nhàu: Các bộ phận của cây nhàu đều được dùng để chữa bệnh; vỏ rễ chữa huyết áp cao, nhức mỏi, đau lưng; lá sắc uống chữa sốt, lỵ, tiêu chảy; giã đắp chữa nhọt mủ; quả giúp dễ tiêu, nhuận tràng, giảm ho, cảm, đau dây thần kinh... Không dùng dược liệu này cho người có huyết áp thấp, phụ nữ mang thai.

Địa liền (thiền liền, sơn nại, tam nại, sa khương...): Thường được dùng để chữa ăn uống không tiêu, ngực bụng đau lạnh, nhức đầu, cảm sốt, đau răng. Người âm hư, thiếu máu, hoặc dạ dày bị nóng nhiệt thì không dùng.

Bồ công anh: Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, tán kết; trị các chứng mụn nhọt, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu bị âm hư hoặc ung nhọt đã vỡ thì cấm dùng. Dùng quá liều bồ công anh còn có thể gây tiêu chảy nhẹ. 

Đông y sĩ Hà Nguyễn (Hội Đông y quận Phú Nhuận)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI