PNO - Mọi người thường mách nhau rằng gội đầu bằng các loại thảo dược dân gian có thể trị được bạc tóc, rụng tóc. Vì sao nhiều người làm theo nhưng vẫn không thấy hiệu quả?
Chị P.T.N. (34 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) bị stress vì tóc rụng quá nhiều. Khoảng 1 năm nay, bỗng nhiên tóc chị trở nên khô, gãy, mỗi lần vuốt tóc hay chải đầu là có thể tuốt ra cả nắm tóc. Sau mỗi lần chị gội đầu, lỗ cống thoát nước đều bị nghẹt do cả nhúm tóc đọng lại. Tóc chị rụng nhiều tới mức đường chẻ ngôi lộ rõ ra mảng trắng. Chị N. rất chán nản, luôn mất tự tin khi ra ngoài gặp gỡ mọi người. Dù không ai nói ra nhưng ai cũng nhìn vào mảng da đầu thưa tóc làm chị mặc cảm tới mức lo âu, mất ngủ.
Uốn, sấy nhiều sẽ gây tổn hại và làm tóc khô, gãy, rụng
Theo ý kiến của bạn bè, chị N. bị rụng tóc quá mức là do sấy, uốn, nhuộm tóc quá nhiều. Hóa chất từ thuốc uốn, nhuộm kèm theo nhiệt của máy sấy trong thời gian dài đã khiến mái tóc chị bị tổn hại. Mọi người khuyên chị mua bồ kết về đun nước gội đầu bởi theo dân gian, bồ kết vừa làm đen tóc, vừa chống rụng tóc. Hơn nữa, đây là thảo dược nên sẽ không có tác dụng phụ như sử dụng hóa mỹ phẩm thông thường. Vậy là ngày nào chị N. cũng kiên trì nấu nước bồ kết gội đầu. Thế nhưng, sau khi sử dụng loại nước gội đầu này, chị cảm giác đầu mình rất mau dơ, tóc bết rít, không mượt. Khoảng 1 tuần sau khi gội đầu bằng nước bồ kết, đầu chị N. có các vảy gàu dính trên sợi tóc, da đầu đi kèm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Tóc của chị vì bết rít nên càng rối. Mỗi lần chải hay gội đầu tóc rụng còn nhiều hơn trước. Theo chị, gội đầu bằng dầu gội thì tóc xơ, gãy, rụng; khi chuyển qua dùng bồ kết tóc vẫn gãy rụng và còn mau dơ, mọc gàu gây ngứa ngáy.
Trường hợp khác là chị N.T.K.D. (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM). Chị D. mới 38 tuổi mà mái tóc đã hoa râm. Tháng nào chị D. cũng phải nhuộm chấm chân tóc để phủ bạc, nếu không nhìn sẽ già nua gây ảnh hưởng thẩm mỹ, khiến chị thiếu tự tin khi giao tiếp. Chị D. lên mạng tìm cách chữa tóc bạc và gần như cách nào chị cũng đều thử qua nhưng không hiệu quả. Đầu tiên, chị mua gói dược liệu bán trên mạng có thành phần hà thủ ô, bồ kết về gội đầu. Thậm chí ai chỉ ăn gì, uống gì cho đen tóc, chị đều làm theo. Kết quả tóc vẫn bạc khiến chị chỉ có giải pháp khắc phục duy nhất là nhuộm tóc. Tần suất nhuộm tóc liên tục khiến mái tóc chị nay lơ thơ nhìn rõ cả da đầu.
Chị Đ.M.A. (39 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) hễ ăn bưởi xong đều để dành vỏ, phơi khô rồi dùng nấu nước gội đầu. Theo chị, làm như vậy để kích thích mọc tóc. Tuy nhiên, chị gội đầu bằng nước vỏ bưởi đã 3 tháng mà tình trạng rụng tóc vẫn không được cải thiện. Chị còn làm theo bài thuốc dân gian chữa rụng tóc được truyền trên mạng xã hội: đun cỏ mần trầu với bồ kết để gội đầu. Dù rất kiên trì nhưng tóc chị vẫn rất thưa và hói cả ở phần trước mái.
Qua các trường hợp như vừa kể, nhiều người thắc mắc tại sao nghe đồn các loại vỏ bưởi, lá bưởi, hà thủ ô, bồ kết… đều trị được rụng tóc, bạc tóc nhưng làm theo lại không thấy hiệu quả, thậm chí còn gây ra các bệnh về da đầu do tóc mau dơ, bị nhờn bết. Liệu các thảo dược dân gian này thực sự có tác dụng với tóc hay không?
Khả năng tạo bọt ít nên cảm giác gội không sạch
Bác sĩ Nguyễn Kim Ngân - Đơn vị Điều trị - Chăm sóc da và làm đẹp Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM - đã lý giải thắc mắc trên. Theo bác sĩ Kim Ngân, trái bồ kết chứa thành phần chính là saponaretin, flavonoizit. Nhờ vậy, bồ kết có tác dụng cân bằng hoạt động của tuyến bã nhờn trên da đầu. Do đó, khi sử dụng bồ kết gội đầu sẽ giảm số lượng tóc bị gãy rụng và phục hồi nang tóc, loại bỏ vảy gàu, giúp chân tóc chắc khỏe hơn do giảm thoái hóa nang tóc. Ngoài ra, loại trái này có chứa canxi, protein và các khoáng chất vi lượng giúp nuôi dưỡng chân tóc, duy trì mái tóc mượt mà... Nước sắc từ trái và gai bồ kết giúp ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn, vi nấm gây bệnh ngoài da. Vì vậy, sử dụng bồ kết gội đầu có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý da liễu như nấm da dầu, viêm da tiết bã nhờn... Nếu kiên trì gội đầu bằng bồ kết trong thời gian dài có thể sẽ giảm tình trạng rụng tóc.
Gội đầu bằng bồ kết chỉ hỗ trợ điều trị rụng tóc. Tùy thuộc nguyên nhân gây rụng tóc, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các phương pháp can thiệp kết hợp để đem lại hiệu quả tối ưu - Ảnh minh họa: Internet
Hà thủ ô có các thành phần như anthranoid, tannin, lexitin - giúp cải thiện những vấn đề tim mạch như ổn định huyết áp, giảm trừ cholesterol trong máu, tăng cường trí nhớ, giảm suy nhược thần kinh. Bên cạnh đó, hà thủ ô còn giúp giảm thiểu các triệu chứng tiêu hóa liên quan đến sự co bóp ruột, giúp tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Không những thế, trong hà thủ ô còn có chất đạm (1,1%), chất béo (3,10%), tinh bột (45,2%), chất vô cơ (4,5%), các chất tan trong nước lên tới 26,4%. Có thể dùng lá, cành hà thủ ô để đun nước tắm trị các chứng ngứa, lở.
Trong y học cổ truyền, tác dụng chính yếu của hà thủ ô là bổ huyết, bổ can thận nên có thể làm tóc đen, giảm bạc tóc và rụng tóc. Hà thủ ô ít được dùng để làm dầu gội chữa bạc tóc nhưng nếu dùng hà thủ ô để uống, khả năng giảm bạc tóc, rụng tóc sẽ hợp lý hơn.
Dầu gội từ thảo dược không có các hóa chất tẩy rửa như dầu gội thương mại nên xà phòng ít (khả năng tạo bọt ít), cảm giác gội không sạch, không “đã”. Tùy tình trạng da đầu của mỗi người mà có cách gội và loại dầu gội phù hợp. Nếu tóc bị rít, bạn có thể gội 2 lần, vắt thêm chanh để xả nước cuối sẽ làm tóc sạch và mượt hơn. Ngoài ra, có thể thêm hương nhu nấu chung với bồ kết để gội đầu. Nếu bị gàu, bạn có thể thêm bồ hòn, cỏ ngũ sắc, sả… vào nồi nước gội đầu.
Rụng tóc, bạc tóc có nhiều nguyên nhân, tùy nguyên nhân mà có cách điều trị khác nhau. Tình trạng da đầu và tóc của mỗi người cũng khác nhau; chẳng hạn da dầu, da khô, da bệnh lý hay tóc rụng nhiều, tóc chẻ ngọn, tóc bạc… Mọi người nên đến khám ở những nơi uy tín để được chẩn đoán và tư vấn cách chăm sóc tóc cũng như đưa ra các giải pháp điều trị phù hợp. Nếu bỏ qua bước thăm khám mà dùng theo kinh nghiệm dân gian hoặc nghe chỉ dẫn của người khác thì sẽ có 2 tình huống xảy ra. May mắn thì phương pháp dân gian đó phù hợp với tình trạng bệnh của mình.
Tình huống thứ hai (đa số hay gặp) là “sai bệnh, sai thuốc”, từ đó làm tốn kém thời gian và tiền bạc, tổn hại tới tinh thần và sức khỏe nhiều hơn. Ví dụ với một người tóc bạc do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý hoặc do căng thẳng lo âu, chỉ gội đầu bằng bồ kết và hà thủ ô là không đủ. Một trường hợp bị rụng tóc do nấm da đầu nếu chỉ gội đầu bằng thảo dược sẽ không giải quyết được tình trạng này. Trong khi đó, nếu phát hiện sớm và dùng thuốc trị nấm sớm sẽ cải thiện rất tốt, bệnh nhân đỡ phải gánh chịu áp lực tinh thần trong một thời gian dài. Hiện nay, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM có các phương pháp điều trị rụng tóc bao gồm: thuốc uống, thảo dược gội đầu, xoa bóp bấm huyệt vùng đầu giúp tăng lưu thông khí huyết, nâng đỡ tổng trạng… Tùy từng nguyên nhân mà bệnh nhân sẽ có các chỉ định điều trị phù hợp.