|
Theo lãnh đạo Thành ủy TPHCM, thành phố đặt chiến lược xây dựng văn hóa gắn với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh |
Sáng 16/10, Đoàn Cán bộ khảo sát thực tế nhóm 3 – Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc 40 năm đổi mới đất nước trong lĩnh vực văn hóa-xã hội và con người - đã có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM.
Văn hóa chưa được đầu tư tương xứng với kinh tế
Ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM - cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đặt ra mục tiêu trọng tâm là phát triển văn hóa xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, đồng thời hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác.
Gần đây nhất là Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TPHCM được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đón nhận với tâm thế quyết tâm thực hiện tốt, góp phần đẩy mạnh sự phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa, con người thành phố trong thời kỳ mới.
Sau gần 40 năm đổi mới, TPHCM đã vươn tầm phát triển đạt nhiều thành tựu nổi bật, nhận thức văn hóa các cấp, các ngành và trong nhân dân được nâng lên. Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế, như văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với kinh tế và chính trị. Vai trò của văn hóa còn chiều hướng nặng về giải trí, thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn phản ánh những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
|
Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng TPHCM cần xác định mục tiêu chiến lược phát triển thành phố bằng văn hóa và nguồn nhân lực chất lượng cao |
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương - nhìn nhận, TPHCM gần như chưa tạo được chuyển động đối với chủ trương rất lớn là công nghiệp văn hóa. Thời gian gần đây, các nước Thái Lan, Singapore... đã thu được rất nhiều tiền từ ngành công nghiệp này.
TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Trong khi đó, TPHCM có một thị trường văn hóa dồi dào, cần nắm bắt cơ hội này. Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Nhựt lưu ý TPHCM cần có quan điểm và chủ trương xây dựng văn hóa số, phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Nghĩa là, không chỉ làm “phần xác” là chuyển đổi số bằng công nghệ mà còn phải làm “phần hồn” là văn hóa số, công dân số.
Ông cũng cho rằng TPHCM là trung chính trị văn hóa lớn của đất nước, thời gian qua về mặt tổ chức biểu diễn đã đạt những thành tích vượt trội, nhưng thành tựu trong văn học nghệ thuật vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của thành phố.
Chính sách còn “xơ cứng”
Ông Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM - đánh giá, TPHCM có nguồn nhân lực rất lớn từ đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo ra hệ thống động lực phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1986 với chủ trương đổi mới, văn học nghệ thuật thành phố phát triển rất mạnh, văn nghệ sĩ ở 8 lĩnh vực đều cảm nhận được sự cởi mở, xuất hiện nhiều tác phẩm giá trị, được coi là một thời kỳ thăng hoa của văn học nghệ thuật thành phố.
Tuy vậy, giai đoạn từ năm 2006 đến nay, văn học nghệ thuật không chỉ của TPHCM mà cả nước đều chững lại. Gần như 15 năm qua TPHCM không có một tác phẩm văn hóa nghệ thuật đỉnh cao. Điều này có nguyên nhân do kinh tế, chính trị phát triển nhanh đến mức văn hóa nghệ thuật, tư tưởng không đi theo kịp. Bản thân văn nghệ sĩ cũng chưa theo kịp đà phát triển của kinh tế.
“Chúng ta nói về công nghiệp văn hóa. Hiện nay, xã hội hóa văn học nghệ thuật ở TPHCM đã phát triển nhưng không biết định hướng, lý luận để phát triển như thế nào? Chẳng hạn, trong điện ảnh, 2 năm gần đây có những tác phẩm đạt doanh thu kỷ lục như phim Nhà bà Nữ, nhưng gây nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều. Hoặc vừa mới đây, phim Đất rừng phương Nam cũng có ý kiến cho rằng làm sai lịch sử. Như vậy, ở đây nghẽn như thế nào?
Chúng ta làm kinh tế văn hóa, công nghiệp văn hóa như các nước để tạo thu nhập từ văn hóa thì cái chúng ta “bán” phải có người “mua”. Vậy thì, tạo ra sản phẩm văn hóa như thế nào để đáp ứng thị hiếu mà vẫn đạt được định hướng tư tưởng con người Việt Nam. Kinh nghiệm một số nước đi trước cho thấy nhiều khi phải mất cả 10-20 năm mới tháo gỡ được điểm nghẽn này” - ông Nguyễn Trường Lưu nói.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhận xét, một số chính sách còn “xơ cứng” khiến cho sự phát triển nguồn nhân lực, văn hóa nghệ thuật của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung chựng lại. Chẳng hạn, quy định phải là công chức, viên chức mới được chi ngân sách để đào tạo nguồn nhân lực, trong khi giới văn nghệ sĩ hầu hết không phải công chức, viên chức, nên muốn đầu tư phát triển rất khó. Tuy vậy ông cho rằng Nghị quyết 98 cho phép thành phố được đầu tư phát triển văn hóa nghệ thuật theo hình thức kết hợp công - tư (PPP), cùng với sự hỗ trợ của trung ương có thể giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn.
Xây dựng văn hóa tạo sức mạnh nội sinh Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - nhìn nhận, văn hóa xã hội là vấn đề rất rộng lớn, đa dạng, qua nhiều đợt khảo sát sẽ “đãi cát tìm vàng”, tìm thấy những giá trị rõ nét trong văn hóa, xã hội, con người của TPHCM để tổng hợp thành lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới. Theo ông, thời gian tới, TPHCM xác định nhiệm vụ phát triển văn hóa và con người thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, hội nhập quốc tế, khai thác nguồn lực văn hóa để tạo thành sức mạnh nội sinh. Bên cạnh đó, thành phố đặt chiến lược xây dựng văn hóa gắn với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, xem đây là giá trị tinh thần đặc trưng của thành phố mang tên Bác. Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, TPHCM cần xác định mục tiêu chiến lược phát triển thành phố bằng văn hóa và nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo ông, giai đoạn kỷ niệm 10 năm giải phóng TPHCM, dù rất khó khăn nhưng thành phố đã có công trình quan trọng là nhà hát Hòa Bình. Vậy thì, sắp tới dấu mốc 50 năm giải phóng, lãnh đạo thành phố cần trăn trở, xây dựng được công trình văn hóa xứng tầm. |
P.Thanh