Tháo các điểm nghẽn về thu hồi, thỏa thuận bồi thường đất

03/11/2023 - 06:17

PNO - Hôm nay 3/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM trước phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, thu hồi và thỏa thuận bồi thường đất là những vấn đề phức tạp, đang tạo ra nhiều điểm nghẽn cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội, nên dự thảo luật cần có các quy định cụ thể, chặt chẽ.

 

Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định cụ thể để tháo các điểm  nghẽn trong thu hồi và thỏa thuận bồi thường đất nhằm khơi thông nguồn lực. Trong ảnh: Dự án cầu Nam Lý (TP Thủ Đức, TPHCM) vừa hợp long nhịp chính sau 3 năm bị đình trệ vì vướng đền bù, giải phóng  mặt bằng ẢNH: PHẠM LUẬN
Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định cụ thể để tháo các điểm nghẽn trong thu hồi và thỏa thuận bồi thường đất nhằm khơi thông nguồn lực. Trong ảnh: Dự án cầu Nam Lý (TP Thủ Đức, TPHCM) vừa hợp long nhịp chính sau 3 năm bị đình trệ vì vướng đền bù, giải phóng mặt bằng - Ảnh: Phạm Luận

 

Quy định cụ thể cho dự án đa mục đích

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình) cho rằng, Luật Đất đai là bộ luật quan trọng, liên quan tới cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo ông, Luật Đất đai hiện hành và các quy định liên quan đang tạo ra điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ một cách đồng bộ nhằm khơi thông nguồn lực. 

Một trong những điểm nghẽn đó là vấn đề thu hồi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị. Dự thảo luật đã liệt kê các trường hợp cụ thể để cơ quan nhà nước thu hồi đất cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, khi liệt kê, rất khó đảm bảo đầy đủ mọi trường hợp, nhất là các trường hợp phát sinh sau khi luật đã được thông qua. 

Do đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị xem những dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển quốc gia, những dự án đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND các cấp thông qua chủ trương là những dự án đủ điều kiện vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dù đất được thu hồi để các doanh nghiệp đấu thầu, triển khai thì các dự án đó cũng tạo ra công ăn, việc làm cho xã hội, đóng góp vào tăng trưởng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước bên cạnh việc tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp. 

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (tỉnh Hòa Bình) cũng đánh giá, dự thảo luật đã quy định khá cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, bà đề nghị quy định cụ thể trường hợp dự án đầu tư xây dựng đa mục đích, như dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí ở nông thôn. “Thực tế, các địa phương gặp khá nhiều khó khăn trong việc thu hồi đất đối với loại dự án này, dẫn đến không đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và thu ngân sách của địa phương” - bà nói.

Bà Đặng Bích Ngọc cũng cho rằng, nên giao HĐND cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng trọng điểm cần đấu thầu. Điều này phù hợp với các quy định về thẩm quyền của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đảm bảo phân cấp trong quản lý, sử dụng đất đai. 

Nhà nước hay doanh nghiệp đứng ra thu hồi đất?

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, thỏa thuận bồi thường khi doanh nghiệp thu hồi đất cũng đang là vấn đề rất phức tạp. Do đó, việc cơ quan nhà nước đảm nhận công tác này là phù hợp. “Trong vấn đề này, có các chủ thể tham gia nên phải đảm bảo hài hòa quyền lợi của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự đứng ra thỏa thuận với người dân là rất khó khăn, nhưng cơ quan nhà nước đứng ra làm trung gian, thu hồi thì sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên” - ông nói.

Đại biểu Trần Văn Lâm (tỉnh Bắc Giang) lại cho rằng, cần phân định rạch ròi sự tham gia của Nhà nước trong vấn đề thu hồi đất để làm các dự án thương mại. Khi làm dự án, doanh nghiệp thỏa thuận được với phần lớn trường hợp để thu hồi đất nhưng chỉ còn vài trường hợp thì sẽ thỏa thuận thế nào? Trong trường hợp này, phải xác định loại đất thu hồi của người dân. Nếu là đất nông nghiệp thì Nhà nước phải đứng ra thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi giao cho doanh nghiệp thông qua cơ chế đấu giá đất. 

Ông nói: “Hiện nay, chúng ta còn có sự nhầm lẫn trong việc thu hồi đất nông nghiệp và các loại đất khác không phải đất ở. Người dân không thể yêu cầu doanh nghiệp thỏa thuận mua đất nông nghiệp với giá của đất ở. Mặt khác, người dân cũng không có quyền bán đất nông nghiệp cho doanh nghiệp để chuyển đổi thành đất ở, mà vai trò này là của Nhà nước”.

Với các trường hợp thu hồi đất ở, ông Trần Văn Lâm cho rằng, doanh nghiệp buộc phải tuân theo cơ chế thị trường. Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về quản lý, sử dụng đất đã yêu cầu tiếp tục cơ chế thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong thu hồi đất. Nhà nước tham gia thu hồi trong những trường hợp này là vi phạm nguyên tắc thị trường.

Ông cũng dẫn chứng, ở Trung Quốc, có những ngôi nhà của người dân nằm giữa đường do không thỏa thuận được, chủ đầu tư phải xây dựng cả một tuyến đường tránh để hoàn thiện dự án. Việc này gây tốn kém chi phí cũng như ảnh hưởng tới cảnh quan, nhưng do cơ chế thị trường nên chủ đầu tư buộc phải chấp nhận. 

Nghịch lý nền kinh tế “khát vốn” nhưng giải ngân đầu tư công thấp

Ngày 2/11, trong phiên thảo luận của Quốc hội đánh giá giữa nhiệm kỳ về việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) cho rằng, do những tác động lớn của đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế, chính trị thế giới, kế hoạch tài chính 5 năm cần được thay đổi cho phù hợp. Theo đó, việc lập kế hoạch ngân sách phải tính theo đầu ra, đặc biệt là đối với ngành y tế. 

Phân tích điều kiện trong và ngoài nước, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 từ 6,5 - 7%, Việt Nam cần có các chính sách mới, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục miễn, giảm thuế, phí trong thời gian tới với mức cao hơn và đối tượng được mở rộng hơn. Cụ thể, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng.

Bên cạnh đó, cần rà soát các khoản chi theo Nghị quyết 43 của Quốc hội (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) để chuyển nguồn, chuyển đối tượng. Chẳng hạn, với kế hoạch chi 14.000 tỉ đồng cho ngành y tế nhưng chưa thực hiện, ông đề nghị tiếp tục triển khai cho lĩnh vực y tế để thành lập 4 trung tâm xạ trị ung thư proton ở TP Hà Nội, TPHCM và miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.

Đến nay, gói 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua ngân hàng thương mại mới giải ngân được khoảng 1.000 tỉ đồng. Ông Trần Hoàng Ngân đề xuất dùng 39.000 tỉ đồng còn lại bổ sung vào quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Ông cũng cho rằng, cần tiếp tục mở rộng đầu tư công để giải quyết các điểm nghẽn, hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, đầu tư công hiện nay vẫn còn vướng một số nội dung thuộc về thể chế. Do vậy, cần có một luật để sửa chữa nhiều luật liên quan đến đầu tư công, hợp tác công - tư. 

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu hoàn thiện hệ thống pháp luật thì kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn: “Tại sao giá đất, ai tính cũng sai? Tại sao giải ngân đầu tư công lại thấp trong khi nền kinh tế đang khát vốn?”.

Theo ông, phải sửa Luật Đầu tư công và có thể sửa cả Luật Ngân sách để gỡ vướng trong quá trình triển khai. Về đề xuất giảm đồng loạt 2% VAT với mọi mặt hàng, trong đó có cả bất động sản, viễn thông, chứng khoán, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc giảm đồng loạt này sẽ gây áp lực lên ngân sách. 

Huyền Anh

 Minh Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI